Ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã

Ngày 17-11, Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã (IWT) sẽ được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của các phái đoàn cấp quốc gia, các tổ chức quốc tế và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài. Đây là hội nghị quốc tế lần thứ ba về chủ đề trên và là lần đầu nước chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức.

Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, trung bình mỗi năm có hàng nghìn cá thể voi, cá thể tê tê, tê giác… bị săn bắt trái phép. Hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác không chỉ diễn ra ở phạm vi một quốc gia mà còn có sự tham gia của các tổ chức tội phạm quốc tế. Nếu không hành động kịp thời, rất có thể nhiều quần thể động vật, thực vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng. Tại Việt Nam, từ khi gia nhập Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, chúng ta đã có nhiều nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thực thi có trách nhiệm công ước này.

Cùng với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý buôn bán động vật hoang dã, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra và bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán ngà voi, sừng tê giác và nhiều mẫu vật khác như xương hổ, vảy tê tê, rùa nước ngọt,... Mới đây nhất, ngày 12-11 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức tiêu hủy hơn 2.000 kg ngà voi, 70 kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật tại Việt Nam trước sự chứng kiến của các cơ quan có trách nhiệm, đại diện Đại sứ quán các nước; các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ; các nhà báo trong nước và quốc tế...

Việc làm nêu trên diễn ra trước thềm Hội nghị IWT đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện có trách nhiệm cao các cam kết quốc tế về đấu tranh chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và được cộng đồng thế giới đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với việc tham gia Công ước quốc tế CITES, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng đầy đủ và quy định chặt chẽ góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm buôn bán động vật, thực vật hoang dã; kêu gọi cộng đồng tích cực chung tay bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật hoang dã bằng những hành động thiết thực, cụ thể; giảm đến mức thấp nhất nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã, thông qua các nỗ lực dài hạn, nhằm thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng, tăng cường thực thi pháp luật. Qua đó, hỗ trợ trực tiếp các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách tăng cường thể chế, khắc phục các lỗ hổng pháp luật và khuyến khích sự tham gia tích cực của cả cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn bán động vật, thực vật hoang dã trái phép.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31270702-ngan-chan-hieu-qua-tinh-trang-buon-ban-trai-phep-dong-vat-thuc-vat-hoang-da.html