Ngăn chặn dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng

Công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Nhằm kịp thời phát hiện các sản phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng trên thị trường, lực lượng chức năng tỉnh đã triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật, không kinh doanh sản phẩm chứa chất cấm, sản phẩm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cán bộ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh kiểm nghiệm sản phẩm tân dược nhằm kịp thời phát hiện mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc); 35 công ty, chi nhánh bán buôn và sản xuất thuốc. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân trong việc mua và sử dụng thuốc, mỹ phẩm, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế; duy trì thực hành tốt bán lẻ thuốc theo quy định; thường xuyên cập nhật việc mua bán thuốc trên phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc và kết nối liên thông, gửi báo cáo về đơn thuốc lên hệ thống thông tin quốc gia.

Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại các khu dân cư, ngành Y tế và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền chủ cơ sở chấp hành tốt quy định của pháp luật, tuyệt đối không kinh doanh sản phẩm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với công tác kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, 6 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh đã tiến hành kiểm nghiệm hơn 480 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mẫu nước, thực phẩm.

Trong đó đã phát hiện 16 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, các sản phẩm này gồm thực phẩm chức năng và một số loại thuốc tân dược, mẫu nước. Đi đôi với công tác kiểm nghiệm, đơn vị tăng cường tiến hành kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện việc lưu hành các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo thông báo của Cục Quản lý dược và theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Điển hình, qua kiểm tra phát hiện lô mỹ phẩm Hada Labo Perfect White Cleanser tuýp 80 gam (số lô: JY03; NSX: 111022; HSD: 111025); phát hiện sản phẩm thuốc giả, nghi ngờ thuốc giả không rõ nguồn gốc theo thông báo như Tetracyclin Tw3 250mg (SĐK: VD-28109-17, số lô sản xuất: 0321, NSX: 02/02/2021, nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3, quy cách hộp 400 viên nén), TobraDex, hộp 1 lọ đếm giọt Droptainer 5ml, số lô: 22C10HD, Diamicron MR 30mg, số lô: 695986…

Khi phát hiện các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, Thanh tra Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các biện pháp thu hồi, xử lý, ngăn chặn việc kinh doanh, buôn bán sản phẩm kém chất lượng và báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nếu phát hiện vi phạm.

Cùng với hoạt động tăng cường đấu tranh, phát hiện các tổ chức, cá nhân cố tình kinh doanh sản phẩm thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng hòng thu lợi bất chính, Thanh tra Sở Y tế còn thường xuyên vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm của các nhà thuốc, quầy thuốc.

Điển hình như vụ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với một nhà thuốc tại thành phố Vĩnh Yên có hành vi không ghi rõ tên thuốc, hàm lượng, hạn dùng cho người sử dụng trong trường hợp bán lẻ thuốc không đựng trong bao bì ngoài của thuốc và bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.

Một cán bộ ngành Y tế có hành vi sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và thực hiện không đúng quy định về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin cũng bị xử phạt với số tiền 19 triệu đồng và bị tước chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng…

Cùng với ngành Y tế, 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường các huyện, thành phố đã bám địa bàn để kịp thời phát hiện sản phẩm thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng và các cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm.

Từ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm có hành vi không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược đối với trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề dược hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở. Tổng số tiền xử phạt đối với các cơ sở hơn 75 triệu đồng.

Theo lực lượng chức năng, dù đã vào cuộc bằng các giải pháp quyết liệt, tuy nhiên, hiện nay, công tác thanh, kiểm tra các mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, vật tư y tế vẫn còn nhiều hạn chế do số lượng các quầy thuốc, đơn vị kinh doanh dược, mỹ phẩm ngày càng tăng, tuy nhiên, nhân lực phục vụ hoạt động thanh, kiểm tra còn mỏng.

Nhằm thu lợi bất chính, nhiều đối tượng sẵn sàng làm giả và tuồn vào thị trường các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan thông qua các ứng dụng mạng xã hội, trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, thu thập thông tin đối với các trường hợp này gặp nhiều khó khăn…

Bài, ảnh: Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96364//ngan-chan-duoc-pham-my-pham-gia-kem-chat-luong