Ngắm cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn

Từ 4 giờ sáng chúng tôi đã thức giấc để bắt đầu ngày mới ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Mọi thứ ở quần đảo này, từ những con cá tươi rói sặc sỡ được đưa vào bờ khi thuyền cập bến, tiếng ồn ào của phiên chợ sáng, vị mặn biển khơi lẫn trong không khí, hay mặt trời đỏ au nhô lên từ đường chân trời xa tít tắp... đều cuốn hút chúng tôi, đến nỗi thời gian dành cho giấc ngủ trở nên thật phí hoài. Và có một thứ vượt lên tất cả, tôi cam đoan rằng, ai cất công đến Lý Sơn mà chưa thưởng thức, thì đáng tiếc vô cùng: Ngắm cờ Tổ quốc!

Một góc đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Lê

Từ nhà khách công an huyện, chúng tôi đi xe máy bọc theo đường ven biển, chừng vài cây số thì gặp một con dốc rất cao, ngoằn ngoèo chạy thẳng lên đỉnh một ngọn núi lửa đã tắt. Trên đỉnh núi là một cột cờ vững chãi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Ngọn núi thoáng đãng, biển trời mênh mông, lá cờ bay giữa nền xanh rực rỡ..., tất cả cảnh đẹp bao la, mê mẩn ấy gợi nên một cảm giác thật khó tả. Có lẽ, không ở nơi nào, hai tiếng "Tổ quốc" lại âm vang trong lòng mỗi chúng tôi tha thiết đến thế.

Tôi đã từng đứng dưới những lá cờ Tổ quốc ở nhiều nơi vào chính những thời điểm đầy ý nghĩa. Như sáng sớm ngày 10-10-2010, tôi đứng hòa mình với hàng vạn người ở Quảng trường Ba Đình ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong tiết thu xanh và không khí trang nghiêm của buổi lễ, khiến cho ai nấy đều dâng trào niềm tự hào dân tộc, cảm thức rõ đang đứng trên trầm tích nghìn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam. Hay sáng sớm ngày 5-6-2011, tôi lặng ngắm lá cờ Tổ quốc và Tượng đài Nguyễn Tất Thành ở bến cảng Sài Gòn. Đó là khoảnh khắc kỷ niệm 100 năm ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khởi hành tìm đường cứu nước. Tượng đài Nguyễn Tất Thành và cờ Tổ quốc lúc ấy gợi nên bao nghĩ suy, cảm xúc tuổi trẻ và sự hàm ơn. Còn ở huyện đảo Lý Sơn, vào một ngày bình thường, cờ Tổ quốc lại gợi nên cảm giác hân hoan, sâu lắng lạ thường...

Cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Lê

Bất giác, tôi nhớ đến những bậc tiền nhân nước Việt là con dân của quần đảo tiền tiêu này, trong đó có người tên là Phạm Hữu Nhật. Lần trở lại lịch sử, dưới thời Tây Sơn (1778 - 1802), vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc đã lập nên Đội Hoàng Sa. Theo Đại Nam thực lục, Đội Hoàng Sa đi ra biển vào tháng 3 âm lịch hằng năm. Đội gồm 70 người, đi trên 5 thuyền nhỏ, khoảng 3 ngày 3 đêm thì đến Hoàng Sa mang theo lương thực đủ dùng trong 6 tháng. Có một điều rất đáng chú ý là, Đội Hoàng Sa do triều Tây Sơn lập nên nhưng sau này khi Tây Sơn diệt vong, triều Nguyễn xác lập, các vua triều Nguyễn vẫn duy trì Đội Hoàng Sa. Cũng theo Đại Nam thực lục, năm 1836, vua Minh Mạng cử một người Lý Sơn khác là Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa. Trong chuyến đi này, Phạm Hữu Nhật đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước rộng 6 tấc và dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: "Minh Mạng Thập Thất Niên Bính Thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chí thử, hữu chí đẳng tư" (nghĩa là "Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ). Sau khi đến nơi, Phạm Hữu Nhật đã cho quân cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật ở từng điểm đảo. Có thể nói, khi đề cập đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thì không thể không nhắc đến Phạm Hữu Nhật. Ngày nay, tư liệu về chuyến đi của Phạm Hữu Nhật và các bậc tiền nhân Lý Sơn ra đảo Hoàng Sa vẫn tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng cái gian nguy vất vả của những chuyến đi mang tầm lịch sử ấy đã được truyền lại trong dân gian thông qua ca dao, tục ngữ còn lưu giữ trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, trong văn tế lính Hoàng Sa, viết rằng:

"Hỡi ơi,

Đất Việt trời Nam trải bao phen lao khổ

Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ

Cho hay: Sinh hề ký, tử hề quy

Ra đi có mà ít người trở lại

Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi...".

Sự gian nguy đến tột cùng ấy cũng đã được minh chứng bằng chính cuộc đời của Phạm Hữu Nhật. Ông Phạm Thoại Tuyền, người sưu tầm tư liệu lịch sử, văn hóa Lý Sơn, đồng thời là hậu duệ đời thứ năm, cũng là người trông giữ nhà thờ của Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn, cho biết: Theo tư liệu gia đình và nhiều tư liệu được khảo cứu những năm qua, có thể xác định, Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật đã mất tích trên biển vào năm 1854. Sau đó, gia đình và họ tộc đã an táng ông bằng một nấm mộ gió tại thôn Đông, làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn. Mộ Phạm Hữu Nhật nằm bên cạnh ngôi mộ của cụ thủy tổ họ Phạm Văn, một trong sáu vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Và có một điều khác nữa, ngoài Phạm Hữu Nhật, ở Lý Sơn còn rất nhiều nhân vật đi biển mang tầm vóc của ông, là những người Việt đầu tiên vươn ra khơi xa xác lập chủ quyền Tổ quốc, như Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh (người này cũng được đặt tên cho một hòn đảo ở Hoàng Sa)... Còn nhớ, vào năm 2005, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Lý Sơn, một cơ duyên nào đó đã khiến tôi tìm đến những nơi thờ tự linh thiêng nhất trên đảo, từ Âm linh tự làng An Vĩnh đến các nhà thờ họ tộc của Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, đến cả những khu mộ gió từ nhiều đời nay, càng ngày càng trở nên dày hơn, nhiều mộ hơn... Lần trở lại này, tôi cũng đi theo hành trình cũ, cũng lại đến những nơi ấy, trước khi đến ngắm cờ Tổ quốc. Lá cờ tung bay giữa mênh mông biển trời, giờ đây, như có điều gì gợi nhớ đến những con người xa xưa ấy, những con người can trường dám băng qua thử thách tột cùng của biển khơi để khai phá, xác lập chủ quyền Tổ quốc, để lại di sản lớn lao cho hậu thế: Quần đảo Hoàng Sa.

Chính trong khung cảnh đất trời bao la ấy, ngắm cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn, tôi nghĩ đến một quần đảo khác ở phía xa kia, nơi Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết và vô số người con nước Việt đã từng đặt chân đến, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi. Đó là quần đảo Hoàng Sa. Lá cờ trên đảo Lý Sơn như gợi nhắc chúng tôi những ý niệm thiêng liêng về chủ quyền Tổ quốc.

Ký: Nguyễn Lê

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_156829_nga-m-co-to-quo-c-tren-da-o-ly-son.aspx