Ngắm biển Caribbean từ du thuyền lớn nhất thế giới

Đối với những người sống ở miền núi Pleiku như tôi, việc được đi nhiều ngày trên biển, qua nhiều quốc gia là điều vô cùng hấp dẫn, đặc biệt lại đi trên siêu du thuyền lớn nhất thế giới thì đúng là một kỷ niệm khó quên.

Đó là chiếc Allure of the Seas. Khởi hành từ cảng Galveston thuộc bang Texas, Mỹ, con thuyền đón chúng tôi từ giữa trưa. Theo hải trình, du thuyền sẽ đưa chúng tôi băng qua vịnh Mexico, vào biển Caribbean, ghé thăm Honduras rồi vòng về ngang qua Mexico. Tất nhiên chỉ vào một số đảo và vùng đất liền dọc biển.

Xin được giới thiệu đôi nét về con thuyền tuyệt vời này. Allure of the Seas hiện là du thuyền 5 sao lớn nhất và cao cấp nhất thế giới, thuộc Tập đoàn Royal Caribbean International (Mỹ) với thiết kế đẳng cấp, hoàn hảo, hấp dẫn như chính tên gọi “Allure of the Seas: Sự quyến rũ của biển cả”.

Với kích thước: dài 360 m, rộng 66 m, cao 65 m so với mực nước biển, du thuyền có thể chứa gần 7.000 du khách và 2.500 thủy thủ, đạt tốc độ tối đa lên đến 41,9 km/giờ. Thuyền lớn đến nỗi người ta thường ví nếu như tàu Titanic đứng gần thì chỉ là em bé bên cạnh người khổng lồ.

Du thuyền gồm 2 khách sạn song song với nhau, ở giữa là không gian xanh. Con thuyền có 7 khu giải trí được thiết kế chuẩn 5 sao giúp du khách thư giãn hiệu quả (sân trượt băng, bóng chuyền, bóng rổ, sân golf, sàn bowling, khu leo tường, trung tâm thể dục, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc, casino…); 25 nhà hàng với đa dạng văn hóa ẩm thực từ Á đến Âu; 14 hồ bơi cùng với hồ massage, trong đó có nhiều bể bơi vô cực thiết kế mái vòm; 24 đường trượt dốc zipline, sân đậu trực thăng…

Du thuyền đậu ở Saint Lucia, quốc đảo xinh đẹp của Caribbean. Ảnh: ATEXPRESS

Lên du thuyền, chúng tôi được kiểm tra gắt gao như đi máy bay. Sau khi trình hộ chiếu (người Mỹ thì thẻ ID), chúng tôi được nhận chiếc thẻ từ in rõ tên, số phòng (đã đăng ký và chuyển tiền trước). Tất cả hành lý (có gắn biển số phòng) để lại cho nhân viên sẽ mang lên sau, chúng tôi vào thang máy để về phòng ở.

Phòng của tôi ở tầng 7 quay vào trong có giá của tour 7 ngày là 2.000 USD, các phòng view nhìn ra biển là 2.400 USD. Mỗi phòng rộng chừng 12 m2, đủ các trang-thiết bị cần thiết như một phòng khách sạn gồm: restroom có nước nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, ti vi, ấm điện, điện thoại bàn. Mỗi phòng đặt 2 chiếc giường ngủ cá nhân, có thể xếp lại thành một. Hành lang giữa 2 dãy phòng sâu hun hút, cứ khoảng 20-30 m lại có 1 khoang trống để vào thang bộ và thang máy.

Điều lạ là những ngày sống trên du thuyền không có sóng wifi, chỉ khi tàu ghé vào đảo hoặc vùng đất liền mới có sóng. Các kênh ti vi trên du thuyền liên tục đưa thông tin về nhiều hoạt động trên tàu như: giờ ăn trên các nhà hàng, chương trình độc tấu piano hoặc guitar, trượt băng, nhảy cầu… để du khách có thể đến xem.

Chiều đầu tiên, con tàu nhẹ nhàng rời bến, chú ý lắm mới nghe thân tàu chỉ hơi rung nhẹ và theo dõi biểu đồ trên ti vi thể hiện đường đi của mũi tàu. Tôi vào thang máy lên trên boong tàu để ngắm cảnh biển chiều hôm. Có lẽ, không bao giờ tôi quên được cái cảm giác phấn khích khi đã hơn 20 giờ mà mặt trời vẫn chưa lặn, mặt biển vẫn một màu xanh biếc.

Thuyền chạy êm đến nỗi chỉ khi nhìn xuống mặt biển thấy những đợt sóng trượt về phía sau thân tàu mới biết du thuyền đang di chuyển, cứ ngỡ như đang đứng trên một thành phố nằm giữa biển mênh mông…

Khác với buổi trưa là ăn buffet với các món ăn Á, Âu và cả dành cho người ăn chay, buổi chiều, du khách được mời đến một số nhà hàng có nhân viên phục vụ với thực đơn theo yêu cầu.

Phần lớn nhân viên làm việc trong nhà hàng là người Mexico, Indonesia, Philippines, Thailand… nói tiếng Anh rất trôi chảy. Họ cho biết mỗi đợt đi ít nhất 6 tháng, tất nhiên ăn ở luôn trên tàu và được nhận lương khá hậu hĩnh, chưa kể khoản tiền tip.

Vịnh Mexico là vịnh tĩnh, sóng không lớn, chỉ vỗ lăn tăn. Nhìn lại phía bờ, lô nhô những mái cao ốc, cảng Galveston chỉ như một dấu gạch ngang trên mặt biển. Xung quanh tàu là màu xanh biếc của vịnh Mexico, hàng mấy chục con chim mòng biển, nhạn biển và cả chim hải âu lớn cứ vỗ cánh bay theo tàu, thi thoảng lại sà đáp xuống.

Chiều hôm sau, khi lên boong, mọi người đều ồ lên nhìn sang mạn trái tàu. Thì ra phía xa xa, mờ mờ là quần đảo Cuba. Du thuyền đã đi qua gần hết vịnh và đang bắt đầu vào biển Caribbean vùng Trung Mỹ. Thảo nào buổi trưa, các nhân viên trên tàu đã hóa trang thành những tên cướp biển trong phim “Cướp biển vùng Caribbean”, “Những cuộc phiêu lưu của Sinbad”…

Sáng ngày thứ 3, du thuyền cập vào cầu cảng đảo Roatan của nước Cộng hòa Honduras. Đây là hòn đảo lớn nhất nằm trong quần đảo Bay của quốc gia này. Trên đảo có 3 thành phố là Coxen Hole, French Harbor và Oak Ridge. Roatan có địa hình núi xen kẽ và sở hữu nhiều bãi biển đẹp, bờ cát trắng trải dài, làn nước trong xanh.

Sau khi làm thủ tục lên bờ, chúng tôi được nhiều người dân mặc y phục cổ truyền khá sặc sỡ, nhảy múa với những vũ điệu lạ mắt ra chào đón. Đảo không lớn nhưng rất đẹp, trồng nhiều dừa. Những ngôi nhà liền kề gần cầu cảng hình thành nên xóm du lịch. Tại đây, họ bán những sản phẩm phổ biến như mũ nón, đồ lưu niệm. Giá vé thuê xe ô tô dạo quanh đảo và đến khu vực tắm biển là 20 USD/người.

Tác giả bên siêu du thuyền Allure of the Seas. Ảnh: N.A

Ngày hôm sau nữa, tàu cập cảng đảo Puerto Costa Maya. Đây là một hòn đảo đẹp nổi tiếng của Mexico. Tại đây hiện rõ một cộng đồng cư dân biết làm du lịch với các siêu du thuyền đến từ nhiều quốc gia.

Ngay từ cổng chào đã xuất hiện các vũ công người Maya mặc trang phục sặc sỡ với những lông chim đủ màu sắc gắn trên đầu. Họ niềm nở, thân thiện đón chúng tôi, tất nhiên là phải chi tiền (tùy thích) để chụp ảnh chung với họ.

Trong khuôn viên làng du lịch rộng chừng vài chục mẫu Anh, có khoảng 100 gian hàng bán đủ các loại quà lưu niệm, từ chiếc mũ gắn lông chim sặc sỡ đến những chiếc bao dao, bao gậy golf làm bằng da, quần áo truyền thống… cho đến đồng hồ, kính đeo mắt… tha hồ cho du khách ngắm nghía, chọn lựa. Điều đáng nhớ là họ rất thông thạo tiếng Anh và rất thân thiện, mua hay không đều nở nụ cười thường trực trên môi…

Rồi tiếp tục là đảo lớn Cozumel trước khi tàu trở lại cập cảng Galveston kết thúc hải trình, để lại ấn tượng đẹp trong du khách về chuyến du lịch trên du thuyền lớn nhất thế giới. Được biết, ngoài hải trình trên vịnh Mexico và biển Caribbean, Tập đoàn Royal Caribbean International còn tổ chức các tuyến ngược lên vùng cực Bắc Alaska và cả Đại Tây Dương, Thái Bình Dương.

Có đi xứ người mới biết vùng biển nước ta cực kỳ đẹp, chẳng thua kém nơi đâu. Hy vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ có những du thuyền lớn đưa du khách tham quan từ Bắc chí Nam, từ Vịnh Hạ Long đến Mũi Cà Mau.

THANH PHONG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/ngam-bien-caribbean-tu-du-thuyen-lon-nhat-the-gioi-post264049.html