Nga tuyên bố rắn, sẽ ra tay nếu Taliban tấn công Tajikistan

Nga tuyên bố sẵn sàng can thiệp để bảo vệ đồng minh Tajikistan nếu xảy ra bất cứ cuộc tấn công nào từ các nhóm vũ trang hồi giáo từ hướng Afghanistan.

"Nếu được yêu cầu, tất cả sự hỗ trợ cần thiết sẽ được cung cấp cho Tajikistan, trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và quan hệ song phương", hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko hôm 8/10/2021.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể được thành lập vào năm 1992, đây là một liên minh quân sự gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga.

Tổng thư kí Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, ông Stanislav Zas tuyên bố, tình hình ở khu vực phía bắc Afghanistan đang xấu đi, tiềm ẩn xung đột, bất ổn. CSTO sẽ hỗ trợ Tajikistan để bảo vệ biên giới của mình.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý, Moscow và Dushanbe là đồng minh theo Hiệp ước CSTO, và Nga cũng như các thành viên khác có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh theo Hiệp ước.

Tuyên bố Moscow sẽ can thiệp được Thứ trưởng Ngoại giao Rudenko đưa ra sau khi truyền thông Nga đưa tin Taliban, lực lượng nắm quyền ở Afghanistan, đã lập liên minh với một nhóm vũ trang Tajik ở sát biên giới Tajikistan.

Nhóm vũ trang này được cho là đang lên kế hoạch đưa các tay súng tấn công vào Tajikistan, một đồng minh của Nga trong khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Rudenko cho biết thêm rằng, Nga hy vọng Taliban sẽ giữ lời hứa về việc không tấn công các nước láng giềng.

Quan hệ Tajikistan và nước láng giềng Afghanistan đang căng thẳng sau khi Tổng thống Emomali Rakhmon từ chối công nhận chính quyền mới của Taliban ở Kabul.

Ông cũng chỉ trích chiến dịch Taliban tấn công lực lượng kháng chiến Afghanistan ở thung lũng Panjshir hồi tháng trước, và gây nên những thảm họa nhân đạo tại đây.

Để trả đũa, Taliban đã điều hàng nghìn tay súng cùng lượng lớn khí tài hạng nặng áp sát biên giới Tajikistan. Người phát ngôn của Taliban, Zabiullah Mujahid cho biết, Tajikistan sẽ phải trả giá vì can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan.

"Tajikistan can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi, cần phải có phản ứng cho những hành động như vậy", ông Zabiullah Mujahid khẳng định với hãng Al-Jazeera TV.

Các Phó Thủ tướng của chính quyền Taliban là Mullo Abdulghani Barodar và Abdusalom Hanafi, đe dọa sẽ có phản ứng mạnh mẽ với Tajikistan nếu tiếp tục "can thiệp vào công việc của họ".

Thậm chí Phát ngôn viên của Taliban tại Qatar là Mohammad Naeem Wardak cho biết: "Taliban có thể chiếm gọn Tajikistan chỉ trong vòng 24 giờ nếu nước ngoài không can thiệp".

Song song với việc điều quân, Taliban cũng đã trao quyền kiểm soát 5 huyện biên giới thuộc tỉnh Badakhshan cho Jamaat Ansarullah.

Được biết Jamaat Ansarullah là chỉ huy một nhóm khủng bố người Tajikistan theo chủ nghĩa hồi giáo cực đoan..

Với kho vũ khí khổng lồ thu được từ quân đội Afghanistan được Mỹ trang bị, có vẻ Taliban rất tự tin về sức mạnh của mình.

Giới quan sát nhận định, với quân số hiện tại của Taliban vào khoảng 100.000 quân, kết hợp với kho vũ khí mới bổ sung thu được từ chính quyền cũ, năng lực chiến đấu của nhóm này hơn hơn rất nhiều so với quân đội Tajikistan.

Quân đội thường trực của Tajikistan chỉ khoảng 9.000 binh sĩ, tuy hiện tại Dushanbe đã tăng cường quân số lên khoảng 30.000 binh sĩ, nhưng so với Taliban họ vẫ còn khá hạn chế.

Trang bị của không quân Tajikistan cũng rất khiêm tốn khi họ chỉ có 1 vận tải cơ An-26, 20 trực thăng đa năng Mi-8, 6 trực thăng tấn công Mi-24, cùng một số chiến đấu cơ hạng nhẹ L-39.

Lục quân Tajikistan có 253 xe tăng, 347 xe bọc thép các loại, 90 lựu pháo và 128 giàn phóng rocket.

Là một quốc gia mới tách ra khỏi Liên Xô với dân số chỉ khoảng 9 triệu người, nên tiềm lực quân sự Tajikistan hạn chế cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên tại quốc gia này lại đang có sự hiện diện quân sự của Nga tại căn cứ đồn trú 201, đây là một trong số những căn cứ quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài.

Trong trường hợp Taliban tấn công vào Tajikistan, chắc chắn Nga sẽ lệnh cho căn cứ 201 bảo vệ đồng minh theo điều khoản CSTO. Ngoài ra, ngăn chặn làn sóng các tay súng cực đoan xuất phát từ Afghanistan cũng là giữ an bình cho phía Nam nước Nga.

Ngay thời kiểm Taliban đang có bước tiến mạnh mẽ tại Afghanistan vào tháng 7/2021, Nga đã tăng cường hàng trăm khí tài mới trong đó chủ yếu là xe tăng T-72B3 và xe chiến đấu bộ binh BTR-82A cho căn cứ 201.

Tại căn cứ 201, Nga còn bố trí rất nhiều xe bọc thép chở quân BMP-2. Dòng xe này có sức chiến đấu đáng nể trên các địa hình phức tạp như tại biên giới Afghanistan-Tajikistan.

Tại căn cứ 201, Nga còn bố trí nhiều tổ hợp phòng không S-300PM, các hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa đạo đạo chiến thuật hoặc chiến đấu cơ của đối phương.

Các máy bay cường kích Su-25 là thành phần không thể thiếu tại căn cứ 201. Với khả năng tác chiến vượt trội, loại cường kích này sẽ xóa sổ các cứ điểm của đối phương, dù chúng được bố trí tại các cao điểm.

Nga cũng đang bố trí rất nhiều trực thăng tấn công Mi-24 tại căn cứ 201, các trực thăng này từng tham chiến tại Afghanistan giai đoạn 1979-1989.

Nhiều trực thăng đa năng Mi-8 cũng được Nga triển khai tại căn cứ 201. Ngoài việc vận tải chiến thuật, những chiến trực thăng này cũng có thể vũ trang hạng nhẹ khi cần thiết.

Ngoài ra, Nga trang bị cho căn cứ 201 rất nhiều tổ hợp pháo phóng loạt biệt danh "hỏa thần" BM-21 Grad.

Với sức công phá cực lớn, pháo phản lực được cho là dòng vũ khí phi hạt nhân nguy hiểm nhất hiện nay (Hình ảnh pháo phản lực BM-21 của Nga tập trận sát biên giới Afghanistan hồi đầu tháng 8-2021).

Bên cạnh các vũ khí có sức hủy diệt lớn, căn cứ 201 thường xuyên tổ chức huấn luyện trên thao trường thực tế, từ đó rèn luyện kỹ năng chiến đấu cho binh sĩ.

Với quân số thường trực khoảng 7.000 binh sĩ, căn cứ 201 của Nga có thể tung ra các đòn tấn công rất mãnh liệt vào đối phương.

Có thể nói, căn cứ 201 của Nga là rào cản lớn nhất khiến Taliban chùn bước không dám tấn công Tajikistan dù lực lượng này có sức mạnh quân sự lớn gấp nhiều lần đối phương.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nga-tuyen-bo-ran-se-ra-tay-neu-taliban-tan-cong-tajikistan-post482883.antd