Nga tiếp tục kiếm hàng trăm triệu USD từ Mỹ giữa các lệnh trừng phạt

Các lệnh trừng phạt không khiến Mỹ ngừng mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga, qua đó giúp Moskva kiếm được hàng trăm triệu USD.

Mỹ và đồng minh đã áp đặt vô số các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với hy vọng sẽ "đánh sập" nền kinh tế Nga, do vậy thật ngạc nhiên khi biết Washington vẫn tích cực nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Moskva.

Nhà báo Anna Skinner viết trên trang Newsweek, cho biết, bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay, Mỹ vẫn duy trì quan hệ thương mại với Liên bang Nga khi mua lượng nhiên liệu hạt nhân trị giá hàng trăm triệu USD.

“Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu lượng nhiên liệu hạt nhân trị giá hàng trăm triệu đô la từ Liên bang Nga”, chuyên gia phân tích của ấn phẩm Newsweek lưu ý.

Theo nhận xét, làm giàu Uranium yêu cầu quy trình yêu cầu chuyên môn cao, do vậy chỉ có thể thực hiện được ở một vài nước trong đó có Nga. Quốc gia này có trữ lượng quặng Uranium lớn và rất thành công trong việc xuất khẩu nguyên liệu đã tinh chế.

Cần lưu ý rằng ngoài Nga thì các cơ sở làm giàu Uranium còn có trên lãnh thổ Canada, Trung Quốc và Pháp, tuy vậy chỉ Nga mới có cơ sở hạ tầng tốt nhất cho quy trình công nghệ phức tạp nói trên.

Nga hiện sản xuất nhiên liệu hạt nhân không chỉ cho nhu cầu bản thân mà còn để xuất khẩu. Một trong những khách hàng lớn nhất của họ chính là Mỹ khi Washington chi tới gần 1 tỷ USD mỗi năm cho việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga.

“Mỹ sở hữu tổng cộng 93 lò phản ứng hạt nhân, tạo ra 20% sản lượng điện quốc gia, trong đó 25% nhiên liệu hạt nhân cần thiết để vận hành đến từ Tập đoàn Rosatom của Nga”, tác giả bài viết trên tờ Newsweek cho biết.

Như vậy, một mặt Mỹ kêu gọi đồng minh cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, nhưng ở chiều ngược lại, Washington vẫn chi hàng trăm triệu đô la để mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga, hành động này rõ ràng không làm các đối tác phương Tây hài lòng.

Ngoài ra cần nói thêm đó là đề nghị của một số nước EU nhằm đưa nhiên liệu hạt nhân Nga vào gói trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu đã bị từ chối do quan điểm của đồng minh thân cận với Moskva, đó chính là Hungary.

Theo thông báo, Budapest phản đối việc đưa ra bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom, bao gồm cả việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.

Ngoài ra theo Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế đối ngoại Hungary - ông Péter Szijjarto, Rosatom là một trong những công ty lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp hạt nhân nên các biện pháp trừng phạt chống lại tập đoàn này có thể đe dọa an ninh hạt nhân toàn cầu.

Nhà ngoại giao nhấn mạnh Budapest sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đồng thời, một số nước châu Âu cũng đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Nga.

Cần nhấn mạnh là phương Tây vẫn nói về sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, nhưng không ai nhắc tới mức độ phụ thuộc của Mỹ và EU vào nhiên liệu hạt nhân của Nga, trong khi đây cũng là vấn đề rất cần được bàn thảo.

Các thỏa thuận tài chính hào phóng mà Nga đề xuất đã khiến Moskva trở thành một nhà cung cấp hấp dẫn trong số các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-tiep-tuc-kiem-hang-tram-trieu-usd-tu-my-giua-cac-lenh-trung-phat-post539742.antd