Ngả nghiêng ở Phiêng Lơi

Chính bởi sự hấp dẫn của cảnh đẹp thu hút du khách, sự nồng ấm, thân tình rất đỗi chuyên nghiệp của người Thái nơi đây đã giúp Phiêng Lơi trở thành điểm du lịch cộng đồng lý tưởng trong số 12 bản văn hóa du lịch cần khám phá khi du khách đến với tỉnh Điện Biên.

Những ngày cuối tháng 3, lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất Điện Biên. Sau một ngày mệt nhoài ngồi xe và tác nghiệp, chúng tôi được các đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ dẫn đi thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn hóa, văn nghệ ở bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ).

Bản Phiêng Lơi có diện tích tự nhiên trên 110ha, diện tích canh tác khoảng gần 60ha. Bản hiện có trên 60 hộ và gân 300 nhân khẩu, 100% dân cư là dân tộc Thái.

Trên đường vào bản, dưới ánh nắng rớt lại cuối cùng của hoàng hôn, bản Phiêng Lơi hiện ra thật đẹp và gần gũi. Bản nằm gọn bên hai bờ sông Nậm Rốm xanh trong, hiền hòa chảy. Vừa đi, chúng tôi vừa ngước nhìn thấp thoáng phía xa là những ngôi nhà sàn của người Thái đen còn giữ nguyên nét kiến trúc truyền thống.

Thấy tôi thắc mắc ý nghĩa tên gọi của bản, một thiếu nữ người Thái lý giải: “Phiêng” có nghĩa là vị trí bằng phẳng, còn “Lơi” là cách nói lệch đi của từ "lâu đời". Cái tên Phiêng Lơi có nghĩa là ước mong của người dân nơi đây về một cuộc sống ổn định lâu dài. Tôi gật gù, hóa ra cái tên Phiêng Lơi có ý nghĩa thật đẹp.

Ngoài vị trí thuận tiện về giao thông khi nằm cạnh Quốc lộ 279, bản du lịch văn hóa Phiêng Lơi tiếp giáp với nhiều các di tích lịch sử như: Di tích đường kéo pháo, trận địa pháo H6, trận địa pháo phòng không và trận địa pháo 105 ly (mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954). Hơn nữa, ở đây còn bảo tồn những loại trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trò chơi dân gian; ẩm thực và nghề dệt truyền thống của người Thái… tạo nên tập quán sinh hoạt đặc trưng.

Nhà nghỉ cộng đồng tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) chuẩn bị phòng ngủ, sẵn sàng phục vụ du khách.

Nhận rõ tiềm năng lợi thế đó, 20 năm trước, UBND tỉnh Điện Biên đã triển khai hỗ trợ một số bản, trong đó có Phiêng Lơi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thành lập đội văn nghệ quần chúng, mở lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch. Hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều hộ đã chủ động và tham gia cải tạo nhà ở, khôi phục các nghề sản xuất hàng thủ công truyền thống, tham gia đón và phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Cũng theo ông Trường, hiện nay, tại bản có 2 hộ kinh doanh ẩm thực, 2 hộ kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng, mỗi hộ có thể đón được từ 10-15 du khách. Số lượng khách du lịch đến bản tăng mạnh dịp Lễ hội Hoa ban và ngày lễ 30-4, 1-5. Các hộ dân Phiêng Lơi còn liên kết với 5 hộ dân của bản Púng Tôm ở cùng xã thực hiện dịch vụ homestay để đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của du khách.

Nét văn hóa ẩm thực Tây Bắc độc đáo

Bữa tối hôm ấy ở Phiêng Lơi, đoàn chúng tôi được thưởng thức hầu hết các món đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc: Cá suối, lạp chín, măng rừng, thịt gói lá nướng, thịt trâu nướng, xôi nếp cẩm, canh chua lá vón vén… Chị Thanh Nga, chủ nhà hàng ẩm thực Phiêng Lơi vồn vã mời thưởng thức loại rượu nếp do chính gia chủ chưng cất, dành để tiếp những đoàn khách quý đến nhà, không quên giới thiệu: Đây đều là những sản vật của núi rừng, do người dân địa phương sản xuất, chế biến theo truyền thống của người Thái.

Những món ăn đậm chất núi rừng Tây Bắc ở bản du lịch cộng đồng Phiêng Lơi.

Trong bữa ăn, ngoài món nộm, nguyên liệu chính là nụ và ngọn cây hoa ban cùng với cỏ bợ, rau má… chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bát canh chua được nấu bằng lá vón vén. Canh được nấu từ loại lá chua mọc ven suối, đặc sản rất riêng của đồng bào Thái, ăn bùi bùi sần sật, tạo nên một hương vị thanh mát và có tác dụng “giải rượu” rất tốt.

Ngoài ẩm thực, dịch vụ homestay, Đội văn nghệ truyền thống của Phiêng Lơi hiện có gần 20 người, trong đó có 10 thành viên cốt cán cũng để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách. Trong men rượu Tây Bắc nồng nàn, chúng tôi được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc của những thiếu nữ Thái đen xinh xắn, duyên dáng. Lời ca, tiếng nhạc hòa quện, như mối gắn kết thân thiết, chẳng hề phân biệt khách xa, chủ gần.

Du khách trải nghiệm uống rượu thác.

Khi tôi đang mải miết ngắm nhìn điệu múa xòe duyên dáng của đồng bào Thái, một đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ ghé tai nói nhỏ: Nay bạn cứ thỏa sức ngả nghiêng với Phiêng Lơi đi nhé. Có dịp trở lại Điện Biên, tớ dẫn bạn đi ban ngày, ngắm cả bản mới thấy hết vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc nơi đây…

Một lần thôi đến Phiêng Lơi, tôi càng yêu hơn nét văn hóa độc đáo, truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Màn uống rượu thác và khúc hoan ca nối vòng tay lớn vòng quanh lửa trại, hay nhịp gõ của điệu nhảy sạp theo bước chân líu ríu ngượng nghịu ban đầu ở Phiêng Lơi làm chúng tôi vấn vít mãi không rời. Có lẽ chính bởi cảnh đẹp thu hút du khách, sự nồng ấm, thân tình rất đỗi chuyên nghiệp của người Thái nơi đây đã giúp Phiêng Lơi trở thành điểm du lịch cộng đồng lý tưởng trong số 12 bản văn hóa du lịch cần khám phá khi du khách đến với tỉnh Điện Biên. Và chắc chắn, tôi sẽ trở lại Phiêng Lơi cùng gia đình, người thân trong một dịp không xa…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202404/nga-nghieng-o-phieng-loi-4b12c7d/