Nga đặt điều khoản mới về trao đổi tài sản đóng băng với phương Tây

Động thái mới của Nga cho phép các nhà đầu tư chứng khoán thu hồi lại tài sản bị đóng băng kể từ cuộc chiến tại Ukraine.

Moscow đã đặt ra các điều khoản cho đề xuất hoán đổi tài sản bị đóng băng của Nga và các nhà đầu tư phương Tây, cho phép mỗi bên lấy lại giá trị đã mất sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Quyết định trên được Bộ Tài chính Nga công bố vào thứ Hai, kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản số lượng cổ phiếu chứng khoán châu Âu giá trị khoảng 100 tỷ rúp (1.1 tỷ USD), chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư bán lẻ Nga, bằng cách cho phép nhà đầu tư phương Tây mua chúng bằng chính chứng chỉ quỹ bị mắc kẹt của họ.

Việc trao đổi các cổ phiếu bị mắc kẹt là bước đầu tiên trong kế hoạch bồi thường cho 3.5 triệu nhà đầu tư bán lẻ Nga, những người nắm giữ tổng cộng 1.5 nghìn tỷ rúp (16.5 tỷ USD) tài sản ở các nước phương Tây, theo sắc lệnh được Putin ký kết vào năm ngoái.

Các tài sản phương Tây được cung cấp chủ yếu là cổ phiếu và chứng nhận ký quỹ trong các cổ phiếu blue-chip được nắm giữ thông qua tài khoản tại những công ty môi giới Nga và bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt. Bộ Tài chính Nga đã bổ nhiệm công ty Investitsionnaya Palata, vốn không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, để triển khai quá trình này.

Công ty môi giới ít tên tuổi này có trụ sở tại Voronezh, một thành phố nằm ở vùng trung tâm nông nghiệp phía nam của Nga, cho biết tài sản do họ quản lý đã tăng hơn 50 lần vào năm 2022, sau khi các công ty môi giới chứng khoán Nga bị trừng phạt và buộc phải thu hẹp hoạt động.

Theo Investitsionnaya Palata, các nhà đầu tư bán lẻ Nga có thể gửi đề nghị hoán đổi chứng khoán phương Tây từ ngày 25 tháng 3. Các nhà đầu tư phương Tây có thể đấu giá chúng từ ngày 3 tháng 6 bằng các quỹ từ tài khoản “loại C”, vốn thường không được phép chuyển ra ngoài nước Nga, mặc dù không rõ liệu các nhà quản lý phương Tây có cho phép họ tham gia vào chương trình này hay không.

Theo hãng tin Interfax, Nga nắm giữ khoảng 600 tỷ rúp tài sản phương Tây bị đóng băng trên các tài khoản này. Chúng bao gồm tài sản của các tổ chức như trái phiếu Chính phủ Nga cũng như chứng khoán tư nhân và lợi nhuận mà các công ty phương Tây tạo ra ở Nga sau cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine hai năm trước.

Theo Bộ Tài chính, các nhà đầu tư Nga sẽ không được phép bán quá 100.000 rúp giá trị tài sản phương Tây mỗi người. Ngân hàng TƯ Nga cho biết khoảng 2,5 triệu nhà đầu tư bán lẻ nắm giữ chứng khoán phương Tây dưới ngưỡng đó. Bộ Tài chính đặt ra hạn chót hoàn thành các giao dịch là ngày 1 tháng 9.

Đầu tư tư nhân đã tăng vọt ở Nga nhờ các chính sách khuyến khích từ cơ quan tài chính, ngân hàng và công ty môi giới nhằm mở rộng thị trường. Hiện ước tính có khoảng 30 triệu nhà đầu tư cá nhân trong nước. Khoản đầu tư của người Nga vào cổ phiếu nước ngoài của các công ty như Apple, Netflix và Amazon đã tăng đáng kể, từ vài tỷ rúp vào năm 2019 lên gần 1 nghìn tỷ rúp vào đầu năm 2022.

Sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, một số nhà đầu tư bán lẻ ban đầu yêu cầu bồi thường hoặc hủy đóng băng tài sản. Đổi lại, các nhà đầu tư nước ngoài theo truyền thống nắm giữ một phần lớn tài sản chủ quyền của Moscow - vào thời điểm đỉnh cao năm 2020, họ chiếm khoảng 35% nợ chính phủ Nga, theo ước tính của ngân hàng trung ương.

Mỹ đã thúc đẩy các đồng minh G7 tịch thu tài sản chủ quyền của Nga, chủ yếu bao gồm khoảng 190 tỷ euro được nắm giữ tại kho lưu ký Euroclear có trụ sở tại Bỉ, và sử dụng chúng để tài trợ cho quân đội Ukraine. Nhưng nhiều nước EU không ủng hộ đề xuất trên.

Những bất đồng về biện pháp cung cấp tài sản cho Ukraine một cách hợp pháp và lo ngại về việc Moscow trả đũa đã khiến các nước EU tập trung vào việc sử dụng lợi nhuận từ những tài sản đó, với lãi suất khoảng 3 tỷ euro mỗi năm, để tài trợ cho Kiev. Theo các quan chức EU, Euroclear hiện đang phải đối mặt với hơn 100 vụ kiện ở Nga liên quan đến tài sản bị bất động hóa theo các lệnh trừng phạt của EU. Đồng thời, theo các quan chức, 33 tỷ euro tài sản phương Tây đã bị bất động hóa tại Trung tâm Lưu ký Quốc gia của Nga.

Các quan chức Ngân hàng TƯ Nga tuyên bố rằng có thể mở rộng đối tượng nhà đầu tư phương Tây tham gia vào chương trình hoán đổi. Nhưng ngân hàng trung ương không có bất kỳ liên lạc nào với các đối tác của mình về việc hoán đổi và ngụ ý rằng các nhà đầu tư nắm giữ quỹ bị mắc kẹt ở Nga sẽ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo phương Tây cho phép họ tham gia vào chương trình này.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-dat-dieu-khoan-moi-ve-trao-doi-tai-san-dong-bang-voi-phuong-tay.html