Nga đang lấp đầy khoảng trống phương Tây để lại ở Sahel

Trên chiến trường giành ảnh hưởng của các cường quốc ở Niger và các nước láng giềng khu vực Sahel, Nga đang ghi được những điểm ấn tượng.

Máy bay chở hàng quân sự Il-76 của Nga chở lực lượng và thiết bị tới Niger hôm 10/4. Ảnh: RTN/Twitter

Đất nước của ông có thể nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới nhưng Tướng Salifou Mody, Bộ trưởng Quốc phòng Niger, là một người rất có sức thu hút. Ngày 4/12 năm ngoái, Tướng Mody đã đón tiếp Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Tướng Yunus-Bek Yevkurov tại thủ đô Niamey. Hai tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đến gặp ông. Những cuộc gặp đó diễn ra trong khi chính phủ quân sự Niger, ra đời sau cuộc đảo chính vào tháng 7/2023, vẫn đang giam giữ tổng thống dân cử bị phế truất Mohamed Bazoum và vợ ông.

Lúc này, trên chiến trường giành ảnh hưởng của các cường quốc ở Niger và các nước láng giềng khu vực Sahel, Nga đang ghi được những điểm ấn tượng.

Giới cầm quyền Niger ngày càng kén chọn đối với các vị khách nước ngoài. Vào tháng 3, một phái đoàn cấp cao của Mỹ do trợ lý ngoại trưởng Molly Phee dẫn đầu, cùng đồng cấp ở Lầu Năm Góc Celeste Wallander và Tướng Michael Langley thuộc Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ đã đến Niger trong sự lạnh nhạt của nước chủ nhà. Các quan chức Mỹ háo hức nói về tương lai của hai căn cứ quân sự mà họ duy trì ở Niger, thậm chí còn định ở Niamey lâu hơn, nhưng vô ích. Hai ngày sau khi họ rời đi, Washington biết được từ một bài đăng trên Facebook rằng Niger đã chấm dứt thỏa thuận song phương được ký năm 2012 cho phép khoảng 1.000 quân nhân Mỹ hoạt động tại nước này.

Một phát ngôn viên của chính quyền Niger đã giải thích chi tiết trong một tuyên bố trên truyền hình. Ông nói, phái đoàn Mỹ đã thể hiện “thái độ trịch thượng” và muốn “khước từ chủ quyền của Niger về lựa chọn đối tác của mình và các loại hình quan hệ đối tác có khả năng giúp nước này thực sự chống khủng bố”.

Các quan chức Mỹ cũng xác nhận phái đoàn của họ đã bày tỏ quan ngại về mối quan hệ của Niger với Nga và Iran. Hơn một tuần sau, Moskva thông báo rằng người đứng đầu chính quyền Niger, Tướng Abdourahamane Tiani, người từ chối gặp giới chức Mỹ, đã điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin về việc “tăng cường hợp tác an ninh”.

Hôm 10/4, Đài truyền hình nhà nước Niger RTN đưa tin, các huấn luyện viên quân sự và nhân sự của Bộ Quốc phòng Nga cùng các hệ thống phòng không đã đến Niger. Trong chương trình phát sóng ngày 11/4, RTN chiếu cảnh một máy bay quân sự đang dỡ hàng trong khi những người mặc quân phục đứng quan sát. Theo RTN, việc triển khai này được thực hiện theo một thỏa thuận gần đây giữa chính quyền quân sự Niger và Nga nhằm tăng cường hợp tác, trong đó có hỗ trợ quân đội Niger huấn luyện chống khủng bố. Ngoài triển khai nhân sự, Nga đã đồng ý lắp đặt hệ thống phòng không ở Niger, giúp bảo vệ không phận nước này.

RTN cũng đề cập cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với lãnh đạo chính quyền quân sự Niger hồi tháng 3, trong đó hai bên thống nhất tăng cường hợp tác về nhiều mặt.

Không chỉ Niger, các nhà ngoại giao châu Âu ở Moskva đã mô tả, có một loạt các nhà lãnh đạo từ châu Phi liên tục đến thăm Điện Kremlin. Đặc biệt, một trong số họ đã không được chú ý ở Paris. Gặp ông Putin vào cuối tháng 1, Tổng thống Chad, Mahamat Idriss Déby, tự giới thiệu mình là người đứng đầu một “đất nước anh em” với Nga. Déby được cho là đồng minh cuối cùng của Pháp ở Sahel và Chad là trụ cột của cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.

Đối với Pháp, cường quốc thuộc địa trước đây, thái độ của các nước châu Phi là một trải nghiệm khó chịu. Bị đề nghị rời khỏi Mali, rồi bị đuổi khỏi Burkina Faso, các lực lượng Pháp tiếp đó đã phải tiến hành một cuộc rút lui phức tạp khỏi Niger. Việc rút 1.500 quân và trang thiết bị của họ vượt chặng đường hơn 1.600km để đến N’Djamena, qua một số khu vực do các nhóm “thánh chiến kiểm soát”, là một thách thức về hậu cần mà Pháp đã lặng lẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2023.

Lực lượng Pháp rời Niamey, Niger vào tháng 12/2023. Ảnh: Getty Images

Sau khi nhận ra một cách khó khăn rằng lập trường không khoan nhượng của họ với chính quyền ở Niger không mang lại kết quả gì, người Pháp tiếp tục thất vọng nhận ra sai lầm của Mỹ ở Niamey. Washington đã thử một chiến thuật khác, đợi tới hai tháng mới thừa nhận chính quyền quân sự ở Niamey. Nhưng bất kể cách tiếp cận nào, mọi người đều thấy rõ nguy cơ: bất kỳ khoảng trống nào do các lực lượng phương Tây để lại ở vùng Sahel cũng sẽ được Nga lấp đầy.

Các nhà quan sát lưu ý rằng sự hiện diện của Nga ở châu Phi đang được mở rộng và tổ chức lại trong “kỷ nguyên hậu Prigozhin” (với lực lượng quân sự tư nhân Wagner). Châu Phi là vùng đất quen thuộc của Tướng Yevgurov: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên có các chuyến đi tới lục địa này, và thường đi cùng với Tướng Andrei Averyanov thuộc cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga.

Vậy cuối cùng các lực lượng phương Tây nên ở lại hay nên đi? Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ hiện đang phải đối mặt. Khoảng 120 lính Đức vẫn còn ở Niger, nơi họ hợp tác với người Pháp và người Mỹ. Bây giờ người Pháp đã ra đi, người Mỹ đang trong tình trạng lấp lửng, người Nga phô diễn sức mạnh của mình và những người Đức ít ỏi tự hỏi liệu họ có thể tự mình bảo vệ sườn phía nam của châu Âu khỏi mối đe dọa hỗn loạn ở Sahel hay không.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Financial Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-dang-lap-day-khoang-trong-phuong-tay-de-lai-o-sahel-20240413131315521.htm