Nga cung cấp bằng chứng trấn an và xoa dịu OPEC+

Các nguồn tin của OPEC+ và công ty theo dõi tàu cho Reuters biết: Nga đã cam kết tiết lộ thêm dữ liệu về lọc dầu và xuất khẩu nhiên liệu trong nước sau khi nhận được yêu cầu của OPEC+ về việc thể hiện minh bạch thông tin của những chuyến hàng nhiên liệu được gửi đi từ nhiều điểm xuất khẩu trên khắp đất nước rộng lớn.

Một tàu chở dầu của Nga

Nga là thành viên duy nhất đóng góp vào chính sách thu hẹp nguồn cung tự nguyện của OPEC+ thông qua hình thức cắt giảm xuất khẩu thay vì cắt giảm sản lượng. Do đó, các nhà phân tích thị trường đã chật vật trong việc xác minh chính xác sản lượng mà Moscow đã cho cắt giảm.

OPEC+ đã ủy nhiệm cho 6 cơ quan tư vấn theo dõi tàu và cơ quan báo giá để làm việc với Moscow về vấn đề này. Theo ba nguồn tin nói với Reuters, trong buổi họp với những cơ quan trên vào tuần trước, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin đã đưa ra đề nghị cung cấp thêm thông tin.

Cụ thể, khi trao đổi với các công ty S&P Global Platts, Argus Media, Energy Intelligence, Wood Mackenzie, Rystad và Kpler, ông Sorokin tuyên bố Moscow sẽ cung cấp thêm dữ liệu về sản lượng dầu thô, tồn kho và sản lượng nhiên liệu thu được từ hoạt động lọc dầu nhằm đưa ra bức tranh toàn diện hơn.

Một trong những nguồn tin nói: “Sorokin đang cố gắng thuyết phục các dịch vụ theo dõi thông tin rằng Nga tuân thủ đầy đủ thỏa thuận”.

Cuộc họp đã diễn ra vào ngày 28/11. Thông tin chi tiết về nội dung vẫn chưa được công bố đầy đủ.

Ông Sorokin đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Rystad cho biết Reuters biết, họ là một trong những nguồn thông tin phụ được OPEC lựa chọn. Họ đã có sẵn dữ liệu ước tính cho tổ chức nghiên cứu của OPEC. Mặt khác, Argus, Woodmac và Kpler từ chối bình luận, trong khi Energy Intelligence và S&P Global Platts chưa trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt vào Moscow với lý do khơi mào cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã phân loại dữ liệu khai thác và xuất khẩu dầu của mình.

Các quan chức Nga cho biết, nước này không nên tiết lộ những thông tin có thể giúp “kẻ thù của họ ở phương Tây” dễ dàng theo dõi và trừng phạt các chuyến hàng của Nga hơn.

Nga là nước xuất khẩu dầu và nhiên liệu lớn thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau Ả Rập Xê-út, với tổng sản lượng rơi vào khoảng 6-7 triệu thùng/ngày.

Nhiệm vụ khó khăn

Ngay trước cả khi trở thành bí mật quốc gia, kiểm kê nhiên liệu ở Nga đã là một công việc phức tạp, vì nước này sử dụng hàng chục bến tàu, kho cảng và cửa khẩu biên giới khác nhau để xuất khẩu nhiều loại nhiên liệu khác nhau.

Nga có khoảng 30 nhà máy lọc dầu lớn và 80 nhà máy lọc dầu nhỏ, cùng nhau xử lý hơn 5 triệu thùng dầu thô/ngày.

Vào tuần trước, chỉ vài hôm trước ngày 30/11, OPEC+ đã trì hoãn cuộc họp. Các nguồn tin cho biết nội bộ đã xảy ra bất đồng về mức khai thác của một số thành viên, bao gồm Nigeria và Angola. Cuối cùng, OPEC+ đã đồng ý đẩy mạnh cắt giảm thêm với mức 6 triệu thùng/ngày, tức 6% sản lượng toàn cầu.

Theo thỏa thuận trước đó với OPEC+, Nga cam kết giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày cho đến cuối năm 2023. Thỏa thuận mới nhất yêu cầu Nga cắt giảm xuất khẩu nhiên liệu thêm 200.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: OPEC+ muốn Moscow đảm bảo thêm rằng họ sẽ thực hiện đúng cam kết của mình. Ông nói Nga sẽ họp với các công ty theo dõi tàu hàng tháng để cung cấp dữ liệu, nhưng không nói rõ thêm thông tin chi tiết.

Theo Hoàng tử Abdulaziz, ông muốn Nga cắt giảm sản lượng dầu hơn là cắt giảm xuất khẩu.

Dù vậy, ông hiểu rõ những thách thức mà Nga đang phải đối mặt nếu phải cắt giảm sản lượng dầu trong những tháng mùa đông, vì cắt giảm khai thác trong môi trường có nhiệt độ đóng băng sẽ làm hư hại các vỉa chứa dầu.

Vào tháng 6 vừa qua, ông Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, là người đầu tiên công khai đề xuất ý tưởng xuất khẩu thay vì cắt giảm sản lượng.

Nhà phân tích Ronald Smith của BCS Global Markets nói: “Bản thân OPEC có thành tích kém về mặt giữ vững mức khai thác trong những năm 1980 và 1990”. Cũng theo ông, Ả Rập Xê-út thường xuyên là nước “đảm đương gánh nặng cắt giảm khai thác”.

Ông nói thêm: “Không có gì ngạc nhiên khi Ả Rập Xê-út muốn xác nhận rằng Nga, nước thành viên lớn có năng lực khai thác đứng thứ hai trong OPEC+, đang khai thác và xuất khẩu dầu đúng theo sản lượng mà họ tuyên bố”.

Theo tính toán của Reuters, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2023, tổng lượng xuất khẩu sản phẩm dầu của Nga đạt 98,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 2 triệu thùng/ngày.

Sau khi Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga, quốc gia này đã chuyển hướng xuất khẩu dầu diesel và các nhiên liệu khác sang Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Tây Phi và Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, những nơi có các nhà máy lọc dầu lớn của riêng họ, đã trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu của châu Âu. Các nước này thường pha trộn nhiên liệu của họ với nhiên liệu từ Nga, hoặc với những sản phẩm tinh chế làm từ dầu của Nga.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-cung-cap-bang-chung-tran-an-va-xoa-diu-opec-701359.html