Nga có cách dễ dàng đánh lừa 'Sát thủ S-400' của Mỹ?

'Sát thủ S-400' của Mỹ sẽ không thể gây khó cho Quân đội Nga, đây là những gì được chuyên gia quân sự Yuri Knutov tuyên bố với tờ PolitRussia.

"Sát thủ S-400" của Mỹ - tên lửa chống radar AGM-88G (AARGM-ER) bị nhận xét sẽ không thể phát huy tác dụng như dự kiến khi Nga đã tìm ra cách để đánh lừa nó một cách dễ dàng.

Tên lửa chống radar tầm xa của Mỹ AGM-88G Advanced Anti-Radiation Guided Missile-Extended Range (AARGM-ER) theo thông báo đã bắn trúng mục tiêu trên mặt đất trong một vụ thử nghiệm diễn ra vào ngày 21/1.

AARGM-ER được phóng từ tiêm kích F/A-18 Super Hornet, sau đó nó đã xác định thành công và đánh trúng một trạm radar trên mặt đất mô phỏng bức xạ từ hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga.

Trên thực tế, AARGM-ER là một vũ khí hàng không thông minh, đầu tiên phát hiện bức xạ từ phương tiện vô tuyến điện tử (RES) của đối phương, sau đó tấn công đài radar của hệ thống tên lửa phòng không bằng đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao.

Tên lửa AARGM-ER sẽ trở thành một trong những thành phần thuộc kho vũ khí của Hải quân Mỹ, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho máy bay khi hoạt động trong khu vực được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tích hợp.

Tuy nhiên chuyên gia quân sự, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga - Đại tá về hưu Yuri Knutov lại cho rằng trên thực tế, "sát thủ S-400" do Mỹ tích cực quảng cáo về cơ bản không có gì mới.

Rốt cuộc, các loại đạn chống radar như vậy đã được sản xuất ở Mỹ trong một thời gian rất dài. Điều này có nghĩa là các chuyên gia Nga đã cố gắng nghiên cứu nguyên lý hoạt động của chúng từ lâu.

“Mỹ đã phát triển những tên lửa như vậy kể từ thời chiến tranh Việt Nam, chúng được thiết kế để phá hủy các đài radar và trạm dẫn đường cho tên lửa".

"Khi đó họ có tên lửa AGM-45 Shrike - vũ khí mà chúng tôi đã tìm ra cách đánh lừa rất dễ dàng khi chỉ cần tắt nguồn bức xạ radar trên thiết bị, và sau đó đạn tấn công chỉ đơn giản là tiếp tục bay đi".

"Tất nhiên sau đó họ đã khắc phục được sự cố này và tên lửa đã biết cách nhớ vị trí của nguồn phát tín hiệu ban đầu để đánh trúng mục tiêu ngay cả khi nó đã tắt. Nhưng ngay cả như vậy, chúng tôi đã tìm ra một cách để dễ dàng đánh lừa những tên lửa nói trên".

"Chúng tôi chỉ đơn giản là đặt các trạm phát cũ đã ngừng hoạt động để chịu cuộc tấn công và hy sinh chúng. Chúng tôi có thể làm điều này ngay bây giờ, trong trường hợp đó AGM-88G sẽ mất tác dụng”, chuyên gia Knutov giải thích.

Thật vậy, ngay cả khi đối phương tắt nguồn bức xạ trong quá trình tên lửa bay, đầu dò của AARGM-ER vẫn ghi nhớ tọa độ của mục tiêu và tên lửa tiếp tục bay tới. Hơn nữa, cú đánh được thực hiện với độ lệch chỉ vài mét.

Không chỉ có vậy, nhờ khả năng kết nối thông tin, máy bay Mỹ có thể phóng tên lửa AARGM-ER ngay cả trước khi chúng phát hiện mục tiêu, đồng thời dựa vào thông tin được truyền từ một nguồn khác.

Vì vậy nếu không chuẩn bị trước cho một cuộc tấn công như trên thì mánh khóe với một hệ thống phòng không cũ đã ngừng hoạt động có thể vô tác dụng. Nhưng trong trường hợp này, AGM-88G thực tế vẫn không có cơ hội tiêu diệt các hệ thống phòng không đời mới của Nga.

“Nói chung, nếu cho rằng tên lửa AGM-88G là 'sát thủ S-400' thì có nghĩa là ngoài S-400, không có vật cản nào đối với đường đạn. Trên thực tế, chúng tôi đã tạo ra một hệ thống phòng không tích hợp, nhiều lớp, bao gồm các hệ thống tầm ngắn, tầm trung và tầm xa".

"Ngoài ra phải nói rằng nếu người Mỹ đang nghiên cứu tên lửa, thì ở Israel, 'sát thủ S-400' có nghĩa là máy bay không người lái của riêng họ. Nhưng chúng tôi đã có cách đối phó với những UAV này ở Syria".

"Tại đó, chúng bị bắn hạ với độ chính xác tuyệt đối bởi hệ thống tên lửa phòng không Pantsir - 'cận vệ' của S-400. Hơn nữa như thực tế đã chỉ ra, nó thậm chí còn bắn hạ tên lửa được phóng với mật độ như đạn rocket Katyusha", ông Knutov nói.

Tuy nhiên cần nhắc lại, những tuyên bố của chuyên gia quân sự Nga chưa từng được kiểm chứng về độ hiệu quả, cho nên chưa thể khẳng định Moskva sẽ dễ dàng đánh lừa "sát thủ S-400" của Mỹ.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-co-cach-de-dang-danh-lua-sat-thu-s-400-cua-my-post495232.antd