Nga cảnh báo khả năng tranh chấp 'thuộc địa' trên Mặt trăng

Nam cực của Mặt trăng, nơi được cho có băng nước, tiền đề để xây dựng các căn cứ của con người. Mặt trăng cũng có thể chứa các nguyên tố đất hiếm, hay những tài nguyên đặc biệt khác, là mục tiêu của các cường quốc không gian trong cuộc đua mới tới vệ tinh của Trái đất.

Nước, đất hiếm và hơn thế nữa!

Ngày 11/8, Trạm liên hành tinh tự động Luna-25 của Nga đã được phóng lên không gian từ sân bay vũ trụ Vostochny. Theo kế hoạch phi thuyền sẽ đáp xuống Nam cực của Mặt trăng, nơi có địa hình gập ghềnh, đầy những hố không nhận được ánh sáng Mặt trời.

Nếu đạt được mục tiêu, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một tàu vũ trụ của loài người hạ cánh thành công xuống Nam cực của Mặt trăng.

Nếu không có gì bất thường, dự kiến Luna-25 sẽ đáp xuống Mặt trăng vào ngày 21/8.

Tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu vũ trụ tự hành Luna-25 phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny, Nga sáng 11/8. Ảnh: Roscosmos.

Trong vòng một năm, tàu vũ trụ sẽ hoạt động trên bề mặt Mặt trăng, tìm kiếm băng và khoáng chất hữu ích trong khu vực Nam cực.

Vài năm về trước, các nhà khoa học nêu giả thiết rằng, chính ở các cực của Mặt trăng, những nơi mà ánh nắng Mặt trời không chiếu xuống, có thể tồn tại các lớp băng.

Từ băng đá có thể thu được nước, rồi từ nước có thể tách được khí ô xi. Cả hai đều là những điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất cho phép con người lưu lại lâu dài trên Mặt trăng và sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các chuyến du hành tới Sao Hỏa và các thiên thể khác.

Cơ quan vũ trụ Ấn Độ công bố những hình ảnh đầu tiên về Mặt trăng được chụp bởi tàu vũ trụ Chandrayaan-3, đã đi vào quỹ đạo Mặt trăng hôm 5/8. Nguồn: ISRO.

Hơn thế, hydro trong nước có thể được trích xuất để làm nhiên liệu cho tên lửa tại một căn cứ tương lai.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, bên trong Mặt trăng có chứa các nguyên tố đất hiếm, rất cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử.

Giờ đây, nhà cung cấp nguyên tố đất hiếm chính của thế giới là Trung Quốc. Nếu tổ chức khai thác các nguyên tố đất hiếm trên Mặt trăng chuyển về Trái đất, thì sự độc quyền của Trung Quốc đối với thứ nguyên liệu thô này sẽ biến mất!

Ngoài ra, các nghiên cứu ban đầu cho thấy, khả năng còn có những tài nguyên và khoáng chất đặc biệt khác vùi lấp dưới lớp bụi của Mặt trăng, chẳng hạn như chất đồng vị helium-3, có thể thay thế uranium tại các nhà máy điện hạt nhân

Sơ đồ đường đi của tàu đổ bộ Chandrayaan 3, Ấn Độ đang đến Mặt trăng. Nguồn: ISRO.

Đó là lý do tại sao Nam cực Mặt trăng trở thành mục tiêu trong các chương trình không gian của một số nước.

Không chỉ có Nga, nhiều quốc gia không gian khác cũng đang ráo riết đổ xô đến cực Nam của Mặt trăng.

Một tháng trước, vào ngày 14/7, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã khởi hành tới Mặt trăng, mang theo những thiết bị khoa học cũng như cỗ xe đổ bộ nhỏ 6 bánh để tiến hành thám hiểm bề mặt vệ tinh của Trái đất.

Theo kế hoạch, phi thuyền này sẽ đáp xuống Mặt trăng trong khoảng thời gian từ ngày 21 – 24/8, trùng thời gian hạ cánh của Luna-25 và cũng ở cực Nam.

Vùng cực Nam của Mặt trăng được cho chứa khoảng 600 tỉ kg nước đá. Ảnh: Getty.

Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) hy vọng Luna-25 sẽ đáp xuống cực Nam của Mặt trăng trước Chandrayaan-3 của Ấn Độ, quốc gia lần đầu tiên lên Mặt trăng vào tháng 11/2008 với Chandrayaan 1.

Cuộc chạy đua giữa Luna-25 và Chandrayaan-3 đã phản ánh mối quan tâm mới trong lĩnh vực thám hiểm không gian, cũng là khởi đầu một kỷ nguyên mới về thám hiểm Mặt trăng.

Nhiều quốc gia khác, như Mỹ, Israel, và Trung Quốc cũng như các công ty tư nhân, đang ráo riết nhắm đến việc phóng phi thuyền và những sứ mệnh đưa người tới Mặt trăng.

Mặt trước (mặt gần) của Mặt trăng luôn đối diện với Trái đất. Ảnh: Getty.

Tháng 12/2018, Trung Quốc phóng tàu không gian Chang'e-4 (Hằng Nga 4), mục tiêu sẽ đặt một trạm thăm dò xuống hố thiên thạch Von Kármán, nằm ở phía Mặt trăng không bao giờ đối mặt với Trái đất (phía xa), được các nhà khoa học quan tâm vì là hố lâu đời nhất và lớn nhất trên Mặt Trăng - Lưu vực Nam Cực-Aitken. Hố thiên thạch này có thể được hình thành bởi tác động từ một thiên thạch khổng lồ hàng tỉ năm trước.

Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA dự kiến sẽ khởi động sứ mệnh Artemis III vào năm 2025 hoặc 2026, đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt trăng.

Tại Cực Nam Mặt trăng, Mặt trời rọi ở góc thấp khiến những hố va chạm không nhận được ánh sáng. Nguồn: NASA/ TTHL.

Đây sẽ là lần đầu tiên con người bước trên Mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng của NASA vào năm 1972.

Tiềm ẩn tranh chấp “thuộc địa”!

Mặc dù việc khám phá Mặt trăng của người Mỹ và người Trung Quốc có thể không bắt đầu được sớm như vậy, nhưng tại Mỹ có không ít nhân vật nóng nảy ngay từ bây giờ đã nhìn nhận mối quan hệ giữa các quốc gia trong không gian hoàn toàn từ góc độ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mới đây ông Bill Nelson, người đứng đầu NASA đã tuyên bố về “cuộc chạy đua trong không gian” giữa các quốc gia này, cảnh báo về khả năng sẽ có “ông lớn” đứng ra tuyên bố chủ quyền, ví như tình hình hiện tại ở Biển Đông.

Bất kỳ khu định cư nào trên Mặt trăng cũng sẽ phải được xây dựng ngầm dưới bề mặt để tránh được bức xạ vũ trụ. Ảnh: Getty.

“…Đương nhiên, tôi không mong muốn Trung Quốc đưa cư dân đến Nam Cực trước thiên hạ rồi tuyên bố nơi đây thuộc sở hữu của chúng tôi, hãy tránh xa, như họ đã làm với Trường Sa.”, ông Nelson nói.

Hãng thông tấn Nga Sputnik đặt vấn đề, không rõ lý do gì và dựa trên cơ sở nào, mà ông Nelson ngờ rằng Trung Quốc có ý định chiếm đoạt một phần của Mặt trăng.

Ngày 4/7/2020, Trung Quốc đã bác bỏ lời cảnh báo của NASA rằng nước này sẽ "kiểm soát" Mặt Trăng như một phần của chương trình quân sự.

Bắc Kinh cho rằng lời cảnh báo này là một 'sự bôi nhọ vô trách nhiệm', nói, nước này đã luôn kêu gọi xây dựng một cộng đồng các quốc gia ngoài không gian.

Mặt xa (mặt sau) của Mặt trăng có nhiều hố thiên thạch hơn mặt trước / Image Copyright.

Trung Quốc và Nga cũng như 110 quốc gia khác trên thế giới, đã ký Hiệp ước Không gian Vũ trụ (The Outer Space Treaty) vào năm 1967, trong đó quy định, không quốc gia nào có thể giữ quyền sở hữu đối với một thiên thể hoặc một phần của nó, nghiêm cấm sử dụng các thiên thể vào mục đích thử nghiệm bất kỳ loại vũ khí nào, nghiêm cấm tiến hành thao diễn quân sự hoặc tạo lập các căn cứ, công trình và cơ sở quân sự.

Chính giới Trung Quốc nhiều lần tuyên bố, họ sử dụng không gian phục vụ mục đích hòa bình; cho rằng khai thác các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng phải là công việc chung của toàn nhân loại. Theo Sputnik, Nga cũng nêu lập trường tương tự.

Trong khi theo Sputnik, Washington thường viện dẫn những nguyên tắc nêu trong một tài liệu khác do Mỹ biên soạn vào năm 2020, 53 năm sau Hiệp ước về vũ trụ OuterSpace Treaty. Tài liệu này có tên gọi là Hiệp ước Artemis, với chữ ký của Mỹ và 26 quốc gia khác trong lĩnh vực thám hiểm không gian.

Mỹ và các cường quốc không gian khác muốn thiết lập các căn cứ mà con người có thể ở lâu dài trên Mặt trăng. Nguồn: NASA.

Tài liệu này cho phép các công ty nhà nước và tư nhân khai thác khoáng sản có ích từ bề mặt của Mặt trăng và tạo lập ở đó những “khu vực an ninh tạm thời”, nơi người khác sẽ không được phép tiếp cận.

Như vậy, Sputnik kết luận, chính người Mỹ chứ đâu phải người Trung Quốc hay người Nga sửa soạn thiết lập thuộc địa riêng trên Mặt trăng, phớt lờ lợi ích của toàn nhân loại (!?).

Trong môi trường quốc tế ngày nay, khi các chuẩn mực pháp luật và nguyên tắc đạo đức được thừa nhận rộng rãi lại đang sụp đổ, thì cuộc chiến giành quyền sở hữu Mặt trăng dường như không còn là bất khả thi, Sputnik nhận định.

Văn Phong (theo Sputnik)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-canh-bao-kha-nang-tranh-chap-thuoc-dia-tren-mat-trang-144287.html