Ngã ba Cò Nòi 'túi bom' trên cung đường lên cứ điểm Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là điểm nút giao thông quan trọng trong các mũi tiến quân, tiếp tế của quân ta cho chiến trường nên thực dân Pháp bắn phá ác liệt.

Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nơi đây 70 năm về trước là một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi lịch sử, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Sơn La, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngã ba Cò Nòi được chọn quy hoạch trở thành một địa danh lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 2000, tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong; ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đón nhân dân vào tham quan, tưởng niệm.

Tượng đài di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi khắc ghi lại mốc son lịch sử hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia ngày 29 tháng 4 năm 2004,

Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng vận chuyển vũ khí, lương thực, dân công từ Yên Bái sang, từ đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ đều phải qua điểm nút ngã ba trọng điểm này. Với quyết tâm bảo vệ thông suốt con đường huyết mạch, hơn 18.200 lượt thanh niên xung phong được huy động từ khắp các địa phương đã lên đường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, thường trực tại ngã ba Cò Nòi khoảng 1.000 người thuộc Đội 34 và Đội 40.

Tại đây, trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày khoảng 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom Napan, bom bướm đã được ném xuống đây. Quá trình phục vụ chiến dịch đã có hơn 100 thanh niên xung phong thuộc hai Đội 34 và 40, cùng nhiều người dân địa phương hy sinh anh dũng.

Ông Lò Văn Pọm, dân quân du kích tại ngã ba Cò Nòi (giai đoạn 1952-1954) vẫn nhớ như in những ngày đêm chiến đấu kiên cường và cả những phút giây chứng kiến đồng đội hy sinh. Ông Pọm nhớ nhất ngày 13/3/1954 là ngày đầu tiên và cũng là ngày địch đánh phá ác liệt nhất, đã có rất nhiều đồng đội của ông hy sinh.

Dâng hương tưởng nhớ đồng đội tại Đài Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Ngã ba Cò Nòi là một cửa ải, tất cả những người ra trận đều phải vượt qua”. Chính vì vậy, ngã ba Cò Nòi đã trở thành “túi bom”, một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không lực Pháp trên địa bàn Sơn La. Chúng cho rằng việc ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt của hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Điện Biên Phủ là vấn đề sống còn của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ngã ba Cò Nòi sẽ mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc xã Cò Nòi nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, viết tiếp những bản hùng ca trong thời bình.

Những ngày này, trên cung đường dẫn về Tây Bắc, du khách thường dừng chân ở Ngã ba Cò Nòi để thắp hương, tưởng nhớ công lao của các cựu thanh niên xung phong đã ngã xuống vì Tổ quốc. Nơi đây, dưới mưa bom, lửa đạn, họ đã hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Hà Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nga-ba-co-noi-tui-bom-tren-cung-duong-len-cu-diem-dien-bien-phu-192240416145217074.htm