Ngã ba biên mùa đào nở hoa

Mùa xuân ở vùng rừng núi A Pa Chải, cực Tây của Tổ quốc có gì đó lạ lắm khiến tôi vừa háo hức, vừa bồi hồi như người xa quê trở về với đất mẹ. Sáng sớm, trời se lạnh, sương mù bảng lảng; tới trưa, tiết trời ấm áp; sang chiều, cả vùng biên chìm trong sắc vàng mơ của nắng nhạt. Những cây đào khẳng khiu trong suốt mùa đông, giờ đã nhú chồi non, bung hoa đỏ hồng đón năm mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Anh Dũng

Tiếng kẻng báo thức của bộ đội đánh thức tôi sau một đêm ngon giấc tại phòng khách của Đồn Biên phòng A Pa Chải, BĐBP Điện Biên. Tác phong của những người lính bao giờ cũng nhanh nhẹn, chuẩn mực, đúng kế hoạch, vì vậy, 7 giờ, cán bộ, chiến sĩ thực hiện chuyến tuần tra biên giới đã sắp xếp hàng ngũ sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Nguyện vọng được lên mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc của tôi đã được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng A Pa Chải đồng ý từ hôm qua, tôi háo hức theo chân những người lính Biên phòng tiến bước qua cổng đồn đi về phía ngã ba biên giới.

Dọc đường biên là màu xanh ngút ngàn, điểm xuyết sắc vàng của những chùm hoa dã quỳ nở muộn. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những vạt lau bông trắng lay động như những làn sóng trước gió. Khung cảnh biên giới trở nên thơ mộng, huyền ảo. Những người lính bảo rằng, dân phượt hay gọi mốc ngã ba biên giới là mốc không số hoặc mốc số 0. Kỳ thực, chính xác phải gọi là mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Cột mốc này nằm trên đỉnh núi Khoang La San, cao trên 1.800m so với mực nước biển, thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Trước đây, mỗi lần đi kiểm tra cột mốc thiêng liêng này, những người lính Biên phòng phải cuốc bộ xuyên qua rừng già mất non nửa ngày. Đối với không ít người dân Việt Nam, lên được đỉnh núi này, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” được coi là đã khẳng định được ý chí, lòng quyết tâm của riêng mình. Còn đối với người lính Biên phòng, tuần tra đường biên, cột mốc đã là công việc thường xuyên và quen thuộc, dẫu cho đường đi có khúc khuỷu, gập ghềnh, dù trời nắng gắt hay mưa dầm suốt nhiều năm qua.

Mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc luôn là địa điểm mà nhiều người dân Việt Nam khát khao được đặt chân đến một lần. Ảnh: Tập Nguyễn

Bây giờ, công tác tuần tra mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc của người lính Biên phòng đã bớt khó khăn, vất vả hơn đôi chút nhờ có đường tuần tra biên giới đổ bê tông rộng chừng gần 1m có thể đi xe máy, nhưng phải là người thuộc đường và cứng tay lái mới đi được bởi nhiều đoạn dốc, cua gấp và trơn trượt. Gần cuối đường, chúng tôi phải đi bộ một đoạn vì có tảng đá lớn trên núi rơi xuống chắn ngang đường. Vượt qua 541 bậc thang, chúng tôi đã đặt chân tới điểm cực Tây Tổ quốc. Niềm tự hào vỡ òa trong tôi. Trước mắt tôi là cột mốc cao 2m được làm bằng đá granite với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia.

Tại chân mốc, chúng tôi gặp đoàn khách từ Hà Nội vừa mới tới, đang thực hiện nghi lễ chào cột mốc cất tiếng hát Quốc ca. Thật xúc động và thiêng liêng làm sao. Đối với những người khách từ thủ đô Hà Nội lên đây, hành trình “chinh phục” cột mốc kỳ vĩ tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mang lại thật nhiều ý nghĩa. “Thật khó để diễn tả hết được cảm xúc và niềm tự hào của tôi khi được đặt chân đến đây, tận tay chạm vào cột mốc thiêng liêng này” - chị Trần Thị Bích Liên chia sẻ.

Quay xuống núi, trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, tôi biết thêm thông tin, ngày càng có nhiều du khách từ các địa phương trên cả nước tới đây chỉ để được một lần nhìn thấy cột mốc biên cương, trong đó có những cụ già 70 tuổi hay em bé 4 tuổi từ thời vẫn còn phải đi đường rừng 4-5 tiếng đồng hồ. Điều đó khiến những người lính Biên phòng cảm thấy tự hào và có thêm động lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương bờ cõi.

Kể chuyện công tác, Thượng tá Nguyễn Đức Dũng chậm rãi cho biết, đơn vị quản lý địa bàn xã Sín Thầu, với đoạn biên giới dài hơn 38km, gồm 16 mốc quốc giới, trong đó có gần 21km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào và hơn 17,3km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc. “Khu vực biên giới rất hiểm trở, rừng già rậm rạp, vực sâu, núi cao, đường tuần tra dốc ngược rất khó đi. Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Chúng tôi không thể tuần tra thông tuyến mà phải đi tuần tra theo điểm. Dù vậy, mỗi lần đi tuần tra cũng phải mất 5-6 ngày” - anh Dũng chia sẻ. Cũng theo anh Dũng, điều đáng quý là đồng bào Hà Nhì có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt, luôn giúp đỡ, hỗ trợ BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới.

A Pa Chải giờ đã trở thành “điểm hẹn” của nhiều người và mỗi lần trở lại đều ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của cực Tây. Gần 30 năm trước, vùng đất ngã ba biên giới là nơi xa xôi, khó khăn, nghèo khổ bậc nhất cả nước. Khói thuốc phiện từng nhấn đồng bào Hà Nhì nơi đây chìm trong đói nghèo, lạc hậu trường kỳ. Thời điểm năm 1998, qua rà soát, cả xã Sín Thầu có tới hơn 300 người hút thuốc phiện, trên tổng số dân khoảng 1.000 người.

Ông Sừng Sừng Khai (đứng giữa) là một trong những người tiên phong thay đổi tập quán canh tác ở xã Sín Thầu. Ảnh: Bích Nguyên

Nhân chứng sống thời đó là ông Sừng Sừng Khai, ở bản A Pa Chải, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu kể lại: “Ngày đó, đồng bào nghiện thuốc phiện rất nhiều. Đời sống bà con đói khổ, tình hình an ninh trật tự phức tạp, xảy ra nhiều vụ trộm cắp vặt. Trước tình trạng đó, tôi bàn với đồn Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân cai nghiện cho dân”.

Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, đến năm 2000, Sín Thầu đã sạch khói thuốc phiện. Người dân bỏ dần tập quán săn bắn, khai thác sản vật rừng, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, đầu tiên là khai hoang ruộng trồng lúa nước, rồi nuôi gia súc tập trung... Ông Sừng Sừng Khai là một trong những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng này. Ông là người đầu tiên trồng lúa nước, đào ao thả cá, trồng các loại cây dược liệu có giá trị cao như sa nhân, quế, nuôi trâu bò tập trung.

Được sự quan tâm đầu từ của Nhà nước, cuộc sống của người Hà Nhì ở Sín Thầu đã bước sang trang mới. Năm 1998, có đường đất từ huyện Mường Tè lên A Pa Chải. Đến năm 2005, Sín Thầu có trường học, năm 2011 thì có đường nhựa lên tận trung tâm xã; có sóng điện thoại di động... Hệ thống trường học được xây dựng cơ bản.

Những yếu tố này đã làm đòn bẩy để Sín Thầu ngày một phát triển. Đến năm 2023, toàn xã Sín Thầu còn 74 hộ nghèo/373 hộ, chiếm hơn 20%, đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới. Điều đáng tự hào là Sín Thầu không có người di cư, không có truyền đạo trái phép, không có người phá rừng. Ở vùng đất này, số hộ làm kinh tế giỏi, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng như ông Sừng Sừng Khai, Chang Ván Sinh, Chu Khai Phà ngày càng nhiều lên. Xuân sớm, những câu chuyện vui về vùng đất ngã ba biên làm chúng tôi thấy ấm lòng, hứng khởi hơn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nga-ba-bien-mua-dao-no-hoa-post472342.html