Nếu Huyền Như bị khởi tố tội tham ô, Vietinbank có gánh chịu thiệt hại của khách hàng?

Mới đây, TAND TP.HCM đã đề nghị định lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như là tham ô, chứ không phải lừa đảo như trước đây. Trong trường hợp này, Vietinbank sẽ là đơn vị đứng ra gánh chịu các thiệt hại của khách hàng, chứ không phải cá nhân bị cáo này.

Có thể nhận thấy, thời gian gần đây có rất nhiều vụ án liên quan đến các tội danh về tham ô và những tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bị trả hồ sơ điều tra lại, hoặc khởi tố bổ sung tội danh. Đại án Hà Văn Thắm và Huỳnh Thị Huyền Như là 2 vụ điển hình cho việc này.

Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, rất khó để xác định chính xác tội danh thuộc các nhóm tội này, vì dấu hiệu vi phạm rất giống nhau. Dù vậy, CQĐT và các cơ quan liên quan buộc phải xác định đúng tội danh, vì mức án rất khác nhau. Quan trọng hơn là trách nhiệm cuối cùng của vụ án, thuộc về ai và trách nhiệm giải quyết đền bù, thiệt hại thuộc về ai, cần phải xác định rõ.

TAND TP.HCM đã đề nghị định lại tội danh của siêu lừa Huyền Như (Ảnh: VTC)

“Siêu lừa” Huyền Như từng bị khởi tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền 1.085 tỷ đồng của 5 công ty gồm: CTCP Chứng khoán Phương Đông; Công ty Chứng khoán Saigonbank – Berjaya; Công ty An Lộc; Công ty Hưng Yên; Tổng Công ty Bảo hiểm Toàn cầu. Với tội danh này, Huyền Như bị xử mức án tù chung thân. Và, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của vụ án thuộc về Huyền Như. Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia pháp lý đã phản đối việc truy tố tội danh lừa đảo đối với Huyền Như, mà lẽ ra bị cáo này phải bị truy tố tội tham ô. Khi đó, Vietinbank phải là đơn vị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các khách hàng đã gửi tiền.

Luật pháp Việt Nam đã quy định rất rõ sự khác nhau giữa tội danh “lừa đảo” và “tham ô”, về cả mức án lẫn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, BLHS quy định, mức án cao nhất đối với tội tham ô là tử hình, đối với tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là chung thân. Các tội danh khác như cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Riêng việc bồi thường thiệt hại là một vấn đề cực kỳ quan trọng bởi hậu quả của hành vi tham ô là hết sức nghiêm trọng.

Các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, đối với vụ án Huyền Như, nếu bị cáo này bị truy tố tội danh tham ô, thì Vietinbank chính là đơn vị phải có trách nhiệm bồi thường các khoảng thiệt hại đã gây ra cho khách hàng (khoảng 4.000 tỷ đồng).

Được biết, tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý với giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/neu-huyen-nhu-bi-khoi-to-toi-tham-o-vietinbank-co-ganh-chiu-thiet-hai-cua-khach-hang-d59361.html