Nếu chọn sai ngành học thì phải làm sao?

Theo chuyên gia giáo dục, lựa chọn ngành học và trường đại học để theo đuổi là quyết định vô cùng quan trọng, cần phải cẩn thận, nghiêm túc, lý trí khi lựa chọn nó và hết mình với điều đó.

Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự.

Mỗi năm có khoảng 600.000 thí sinh trúng tuyển vào đại học, nhưng 20% không nhập học, 5-7% sau đó phải đăng ký lại, cho thấy nhiều thí sinh đã chọn sai ngành, sai trường.

Không hứng thú học tập

Hiện nay, nhiều thí sinh có xu hướng lựa chọn ngành học theo phong trào, theo nguyện vọng của bố mẹ, người thân hoặc đơn giản là thấy bạn mình chọn ngành học đó nên cũng chọn theo. Cũng có những em lựa chọn ngành theo xu hướng mà không quan tâm tới điều kiện gia đình, đam mê, sở thích của bản thân; không tìm hiểu từ trước, đến giai đoạn nước rút thì vội vàng chọn bừa, chọn đại…

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024.

Nguyễn Quang (sinh viên năm hai Trường ĐH GTVT) chia sẻ, khi còn học cấp phổ thông, em chọn ngành học theo phong trào, không có định hướng. "Sau khi học xong năm thứ nhất và giờ thì em tự thấy ngành mình học không phù hợp và không có hứng thú. Em đang phân vân và lo lắng không biết có nên đổi sang ngành học khác không hay vẫn cố tiếp tục học ngành này tới khi ra trường. Nếu đổi ngành học thì sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc".

Em Trần Gia Bách, học sinh lớp 12 Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Em rất hoang mang khi lựa chọn ngành học và trường học. Em sợ nếu lựa chọn ngành theo sở thích thì sau này cơ hội việc làm không rộng mở. Nhưng nếu chạy theo nhu cầu của xã hội, em sợ không phù hợp bản thân, không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc.

Một điều nữa làm em khá lo lắng, đó là nếu đã chọn lựa ngành học cẩn thận, nghiêm túc rồi mà khi vào học mới nhận ra mình chọn sai hoặc ra trường lại phải đi làm trái ngành thì sao".

"Đừng quá lo lắng"

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho biết, nói chung, lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn công việc để theo đuổi học tập, phấn đấu và cống hiến là vô cùng quan trọng. Mỗi người đều phải làm việc tới 20-30 năm mới có thể nghỉ hưu, mỗi ngày làm việc lại tối thiểu 8 tiếng,... nên công việc chiếm một phần rất lớn của cuộc đời.

"Các em không thể hạnh phúc nếu gắn bó lâu dài với một thứ mà các em không phù hợp hay ghét bỏ. Việc các em chọn làm nghề gì, trở thành người như thế nào cũng sẽ quyết định định vị của các em trong xã hội là gì. Thế nên, lựa chọn ngành nghề và trường đại học để theo đuổi là quyết định vô cùng quan trọng, cần phải cẩn thận, nghiêm túc, lý trí khi lựa chọn nó và hết mình với điều đó".

Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, cuộc đời không phải lúc nào cũng đi theo một đường thẳng như ta muốn. Cho dù các em có cẩn thận tới đâu thì trên con đường đã vạch ra ấy vẫn có những trắc trở, khó khăn; có những lúc thấy chán, thấy nản, thấy yếu lòng, thấy mọi thứ khác với tưởng tượng ban đầu...

"Chuyện đó hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng nhất là các em phải xây dựng cho mình một thái độ sống tích cực và bản lĩnh để vượt qua khó khăn và nếu không vượt qua được thì sẵn sàng mở lòng mình để đón nhận cơ hội khác khi nó tới. Luôn hết mình, nghiêm cẩn trong lựa chọn. Nhưng chọn rồi thì sẵn sàng chọn lại nếu thời cơ tới. Đừng quá lo lắng", thầy Ngọc khuyên.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết, đại học là một con đường trong rất nhiều con đường khác nhau của cuộc sống. Điều đó có nghĩa, nếu sinh viên chọn sai ngành cũng không phải là dấu chấm hết và không nên quá bi quan. "Trường hợp sinh viên không thể chuyển ngành trong trường hay hệ thống các trường, các sinh viên đó có thể thi với khóa sau, bắt đầu lại.

Để thành công, chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15%. Vì thế nếu sinh viên cho rằng mình chọn nhầm ngành, sinh viên có thể cố gắng học tốt ở ngành đó. Còn lại hãy trau dồi 85% thái độ sống và kỹ năng toàn diện để sau này, ra ngoài xã hội vẫn làm tốt ở ngành, nghề khác".

PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cho rằng, sinh viên không nên có suy nghĩ việc lựa chọn ngành nghề là một sự "đặt cược". Bởi lựa chọn ở thời điểm này có thể đúng nhưng sau khi có thêm thông tin, sinh viên lại thấy không hợp. "Điều đó không phải là bi kịch. Chúng ta còn cả tuổi trẻ phía trước. Quan trọng là các bạn có chấp nhận sự thất bại hay không".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/neu-chon-sai-nganh-hoc-thi-phai-lam-sao-169240319121338797.htm