Vụ học sinh bóp cổ cô giáo: Không nên đuổi học sinh

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng – ngôi trường mà người trong nghề vẫn truyền tai nhau là 'kinh hoàng', bởi quy tụ nhiều học sinh có cá tính mạnh.

TS Nguyễn Tùng Lâm không ủng hộ việc các trường áp dụng hình thức kỷ luật đuổi học với học sinh.

Gần 30 năm trước, TS Nguyễn Tùng Lâm đã nảy ra ý tưởng thành lập một trường dân lập thu nhận học sinh không đủ điều kiện vào trường công lập, hoặc đang học ở các trường công lập nhưng vì một lý do nào đó bị các nhà trường từ chối (tức là bị đuổi học) để mình giáo dục.

Ông theo đuổi triết lý giáo dục nhân văn: Không bao giờ đuổi học sinh hư, bằng mọi giá cảm hóa chúng, bằng tất cả sự tận tâm của người thầy. Ông coi ngôi trường của mình là “rào chắn”, không để những học sinh hư bị đẩy ra ngoài xã hội, để đảm bảo: Tất cả trẻ em đều có quyền được đi học, được giáo dục.

TS Lâm không ủng hộ những hình thức đuổi học với học sinh vi phạm nội quy, có kết quả học tập kém, bởi theo quan niệm của ông, không có học sinh hư, chỉ có học sinh chưa ngoan và người thầy, cha mẹ chưa tìm được cách giáo dục phù hợp.

Nói về vụ việc đang làm nóng dư luận xã hội, khi một học sinh bóp cổ cô giáo Bến Tre, TS Lâm cho rằng hành động của học sinh đáng bị lên án. Em đã quá nóng nảy và có hành động bột phát. Tuy nhiên, nhà trường không nên đuổi học một học sinh cá biệt, bởi trường học vẫn là môi trường giáo dục tốt và an toàn nhất giúp học sinh nên người.

Tại ngôi trường của mình, TS Lâm từng gặp phải nhiều tình huống đặc biệt, bởi học sinh của trường có cá tính rất mạnh, nhưng ông không áp dụng biện pháp đuổi học.

Với những trường hợp này, ông luôn tìm cách cảm hóa, bằng việc nói chuyện nhiều hơn với học sinh, lắng nghe em chia sẻ để tìm cách khơi gợi nhu cầu học tập, hay biết nguyên nhân gì khiến em có hành động như vậy.

Ông kể, từng có học sinh cá tính mạnh đến mức, sau khi thầy khuyên răn, đã về nhà chặt đứt một đốt ngón tay, hôm sau mang đến trường để thề với thầy sẽ quyết tâm thay đổi. Sau này không chỉ thi đỗ tốt nghiệp mà cậu còn đỗ 2 trường đại học, sự nghiệp thành đạt.

“Với học sinh có cá tính, nguyên tắc đầu tiên là giáo viên phải tôn trọng học sinh. Vì mỗi một em có tính cách riêng, có điều kiện phát triển riêng, tố chất riêng, giáo viên hoàn toàn phải tôn trọng những cá tính riêng biệt đó. Chúng ta gói bốn năm chục em vào một lớp, rồi yêu cầu tất cả đều phải trở thành người như chúng ta muốn, điều đó khó lắm.

Tôi vẫn khuyên giáo viên ở trường tôi là không nên đối đầu với học sinh, vì càng đối đầu càng làm học sinh xa cách chúng ta. Để giáo dục thành công được một con người, thật sự rất kỳ công, đòi hỏi những người làm nghề giáo dục phải thực sự kiên nhẫn” – TS Lâm tâm sự.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/vu-hoc-sinh-bop-co-co-giao-khong-nen-duoi-hoc-sinh-595764.ldo