Nét duyên ngầm của ngõ nhỏ

Mỗi con ngõ có một nét đặc trưng, khiến người ta ghé qua đôi lần là nhớ mãi không quên. Vẻ đẹp ấy được bồi đắp bằng văn hóa nghìn năm của Hà Nội và tình yêu của bao người.

Phố phường Hà Nội trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ảnh: NLĐ.

[…]

Không có hồ nước mà tim ta sóng sánh. Thảng hoặc một mùi ngô nướng, khoai lùi thoáng bay từ đầu ngõ phố Huế làm ta chợt tỉnh với đời thường.

Nếu ngõ Tràng An là một không gian khép kín đầy bất ngờ thì ngõ Phất Lộc lại có nét khác rất riêng. Tôi từng có một bà chị nuôi sống trong ngõ Phất Lộc. Chị hơn tôi gần chục tuổi, người chẳng đẹp, giữa thị thành mà chị vẫn âm thầm, lẻ loi nên chị thường dồn âu yếm cho tôi. Chị ở trong ngôi nhà cổ, thấp, quá giang, câu đầu ám khói, tường vôi loang lở. Ngõ cổ hay người cổ mà chị lây chất âm thầm, hở chị Quỳ của em?

Ngõ Phất Lộc ăn thông từ Hàng Mắm sang phố Nguyễn Hữu Huân, thêm một nhánh ăn thông Lương Ngọc Quyến. Ông giám sinh họ Bùi, làng Phất Lộc, huyện Đông Quan, Thái Bình lên đây dựng lều trọ học. Rồi thành xóm thành làng, thành tên ngõ đã mấy đời, chỉ còn đền thờ và ngôi chùa cổ nhưng hoang phế nửa phần.

Kháng chiến chống Pháp, Phất Lộc là trung tâm của Khu Một, từng đón chào hoa đào Nhật Tân vào ăn Tết, từng uống lẫn cả whisky, Canhkina con Mèo với nước giếng, là thứ giải khát của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Dân tản cư còn đeo kiềng vàng, hoa hột nhưng ngủ trên cánh cửa bức bàn ngả ra, gối đầu bằng tay nải.

Không trầm tư không u uẩn. Đời thường đã xâm nhập khá nhiều vào Phất Lộc. Nhà đá rửa, ban công bên này sắp chạm vào ban công bên kia. Đầu ngõ đủ hàng quà: Bánh cuốn, cà phê, bún mọc, phở gà, cháo tim gan… cả chè chén “nước mưa” … Tiếng xe lên xuống cầu Chương Dương rất rõ. Ngõ Phất Lộc còn im lặng hoài niệm như thời chị tôi ở đó?

Tạt vào đây, xuyên qua ngõ chữ chi, nhà hai bên như vừa quen vừa lạ, phố chật người đông hòa cùng rêu phong cổ kính. Phất Lộc có vào tranh Bùi Xuân Phái không nhỉ? Ngõ sống mãi nhờ họa sĩ hay họa sĩ sẽ bất tử nhờ vào nét riêng biệt độc đáo của ngõ?

Cuốn tản văn Thú lang thang người Hà Nội của nhà văn Băng Sơn. Ảnh: H.H

Trụ cột trên nóc nhà, tường khấp khểnh nhấp nhô, nhà thò ra thụt vào, đường đi lắt léo, cái nậm rượu cửa chùa bằng xi măng đắp bẹt trông thẳng thì đầy rượu, trông nghiêng chỉ là mảnh bìa… đã thành một mảnh tâm hồn Hà Nội hào hoa mà anh dũng, lam lũ mà kiên cường, đắm say mà dữ dội…

Hà Nội còn bao nhiêu ngõ như Tràng An, Phất Lộc? Còn ai sửng sốt khi gặp ngõ như gặp hoa lạ giữa rừng, gặp người yêu xa lâu đúng lúc mình không chờ đợi?

Ngõ Tức Mặc có cây hoàng lan cổ thụ thơm suốt đêm thu. Ngõ Huế không có gì đặc biệt lắm, bị Mỹ ném bom tơi tả. Ngõ chợ Khâm Thiên lầy lội chật hẹp, vất vả lem luốc. Ngõ Văn Chương ngoắt ngoéo chằng chịt. Ngõ Sầm Công ồn ào, náo nhiệt bao nhiêu mùi xào nấu thì ngõ Liên Trì lại thanh vắng, đạm bạc bấy nhiêu, suốt ngày như ngủ mê mệt.

Người Hà Nội có lúc nào nhàn tản, tạm quên dằn vặt lo âu của đời thường lạm phát chóng mặt, quên những cơn sốt giá gạo, giá dầu, giá điện… tự cho mình thả hồn vào cái ngõ nhỏ để lắng cùng hồn kinh kỳ xưa cũ, cùng hồn nước trường tồn của quê hương nghìn năm văn vật… hẳn sẽ thấy mình giàu thêm cảm xúc, thương yêu thêm, nhân ái thêm, say đắm thêm…

[…]

Băng Sơn/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/net-duyen-ngam-cua-ngo-nho-post1461015.html