Nét đẹp tục xông đất và hái lộc đầu xuân

Từ xưa đến nay, sau thời khắc giao thừa, 'xông đất' và 'hái lộc' đầu xuân là những tục lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều người quan niệm rằng, tìm được người xông đất tốt và hái lộc vào ngày đầu xuân sẽ giúp gia đình một năm mới mọi điều tốt lành, phúc lộc thọ toàn.

Gia đình anh Trịnh Xuân Tính (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đón người đến “xông đất” ngay sau thời khắc giao thừa.

Theo quan niệm dân gian, người “xông đất” chính là người bước đến nhà đầu tiên trong năm mới, với lời chúc tốt lành dành cho gia chủ. Để tìm hiểu về các tuổi phù hợp để xông đất trong năm mới Giáp Thìn 2024, một số người đã tham khảo thông tin trên một số website hoặc ý kiến của chuyên gia phong thủy. Theo cuốn “Tìm hiểu Văn hóa Phương Đông Âm dương đối lịch năm Giáp Thìn 2024” (Nhà xuất bản Thanh Hóa), tác giả Trần Đình Tuấn cho biết, cần tùy thuộc vào tuổi của gia chủ để lựa chọn nam hay nữ xông đất theo các tuổi khác nhau.

Với gia đình anh Trịnh Xuân Tính (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), người “xông đất” được xem như “sứ giả” mang đến may mắn, tài lộc, bình an trong năm mới. Bởi vậy, ngay từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 anh đã tham khảo tuổi xông đất phù hợp cho gia đình trong năm mới.

Thực tế, có rất nhiều gia đình “chọn tuổi” rất thận trọng, kỹ càng nhưng cũng có gia đình thì tự mình xông đất hay chỉ đơn giản chọn người đức độ, vui vẻ, nhiệt tình... Bởi họ quan niệm rằng, tục xông đất vốn là nét đẹp văn hóa cho nên việc chọn người, chọn tuổi chỉ mang tính chất tham khảo. Điều quan trọng là giữ cho cả gia chủ và người đến xông đất tinh thần thoải mái, tràn đầy niềm vui và cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Còn với gia đình chị Lương Thị Thúy, thôn Thành Huy, xã Đông Ninh (Đông Sơn), việc đến Phủ Vạn (Triệu Sơn) để hái lộc vào ngày đầu tiên của năm mới đã trở thành thông lệ. Chị Lương Thị Thúy cho biết: Ngay sau thời khắc giao thừa hoặc vào ngày mùng 1 Tết cả gia đình thường đến Phủ Vạn để hái lộc đầu xuân. Trước đây chị và mọi người khi đến đây thường hái một cành lộc non nhỏ mang về cắm vào bình hoa, với ý nghĩa xin lộc ở chốn linh thiêng, mang may mắn về nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây được qua theo dõi thông tin trên các kênh báo chí, và thực hiện nội quy di tích thì mọi người không hái cành, bẻ lộc cây nữa mà thay vào đó là mua hoa quả hay cành vàng lá ngọc để đem “lộc” về nhà trong ngày đầu năm mới.

Thực tế, trước đây nhận thức của một bộ phận người dân về tục “hái lộc đầu xuân” có phần sai lệch, thậm chí có phần tiêu cực. Trong đó, một số người cho rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều sẽ càng “đại cát, đại lợi”. Bởi vậy, không tránh khỏi tình trạng một số người dân mang cả dao đi “chặt lộc”, hay trèo cây bẻ cành để “chọn lộc” đẹp, đúng ý.

Người dân nô nức đến Phủ Vạn, xã Tiến Nông (Triệu Sơn) vãn cảnh, hái lộc đầu xuân trong ngày đầu năm mới.

Những năm gần đây nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa “hái lộc đầu xuân” và thực hiện nội quy, quy định tại các khu vực đền chùa, đền phủ hay các khu vực di tích, giờ đây tình trạng bẻ cành, chặt cây gần như đã được dẹp bỏ ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, tục “xông đất” hay “hái lộc đầu xuân” đều hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng của mỗi gia đình. Bởi vậy, mọi người, mọi nhà cần hiểu đúng, có cách ứng xử phù hợp để tục “xông đất” và “hái lộc đầu xuân” luôn được gìn giữ, phát huy trở thành thuần phong mỹ tục đặc sắc, mang đậm tính văn hóa của dân tộc.

Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/net-dep-tuc-xong-dat-va-hai-loc-dau-xuan/206638.htm