Nét đẹp 'tranh thủ ngược'

Trong các dịp lễ, tết hay những lúc đơn vị đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp các đơn vị ít về thăm gia đình, hậu phương. Lấy chồng bộ đội, ấy vậy là những người vợ lính lặn lội đường xa, tay xách, nách mang 'tranh thủ ngược' lên đơn vị thăm chồng…

Dịp 8-3 này, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Ánh không cùng các thầy, cô Trường mẫu giáo xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định đi picnic, mà tranh thủ dịp cuối tuần cùng con trai nhỏ lên đơn vị thăm chồng là Đại úy Đinh Văn Phư - Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Như mọi lần, mới hơn 5 giờ sáng, chị tất bật thu xếp quần áo, đồ ăn thức uống cho con trai, gói vội con gà, cân thịt đã chuẩn bị từ tối hôm trước kịp chuyến xe sớm lên đơn vị thăm chồng.

Gia đình Đại úy Đinh Văn Phư.

Đón vợ lên thăm không phải là lần đầu, nhưng Đại úy Đinh Văn Phư vẫn thấy hồi hộp, phấn chấn hẳn lên. Hôm nay, căn phòng của anh được bài trí lãng mạn hơn bởi có thêm lọ hồng nhung cạnh khung ảnh gia đình ba người cười tươi, đặt ngay ngắn trên bàn làm việc ngay từ sáng sớm. Ra tận cổng đơn vị đón vợ và con, trong mắt anh ánh lên niềm vui và phấn khởi. Vừa bước xuống xe bé trai Đinh Thái Tuấn (5 tuổi) đã vội vã chạy đến ôm chầm ba, lấy mũ có ngôi sao sáng ngời đội lên đầu mình, người cha nhấc bổng bé lên và nói như reo “anh bạn nhỏ của ba đây rồi” trong niềm hạnh phúc của người vợ trẻ. Chứng kiến cảnh vợ chồng gặp nhau, trong tôi trào dâng niềm hạnh phúc khó tả. Bởi tôi hiểu, với những người phụ nữ khác, vào những ngày lễ, tết được cùng chồng con đi du lịch, uống cà phê, mua sắm, thăm ông bà nội ngoại hai bên, còn cánh vợ bộ đội, nói vui như lính là những lần “tranh thủ ngược” lên đơn vị thăm chồng...

Hôm nay, bữa cơm của đơn vị tươm tất hơn, không chỉ đầy đủ các sản phẩm tăng gia như thịt heo luộc, măng tre xào ngan, rau mồng tơi xào tỏi, cá chép kho dưa, canh bầu nấu với tép... mà ngon hơn hẳn bởi bàn tay tham gia chế biến của cô giáo Nguyễn Thị Ánh và đĩa thịt gà, thịt bê non mang từ quê lên. Trong câu chuyện với chị được biết, từ ngày yêu và lấy anh Phư, chị đã học cách sống tự lập để lo toan gánh vác mọi công việc gia đình, chu toàn cả 2 bên nội, ngoại. Những lúc con đau ốm, sốt cao, không có anh ở bên cạnh, nhưng chị đã cố gắng vượt qua và luôn động viên anh yên tâm công tác, xong nhiệm vụ lại tranh thủ về thăm gia đình.

Niềm vui của chiến sĩ bên bạn gái.

“Từ ngày về chung một nhà, gia đình tôi chưa có dịp đi du lịch xa cùng nhau, bù vào đấy thì có những ngày bên nhau ở đơn vị. Với anh đơn vị là nhà, còn với mẹ con tôi, nơi nào có anh, nơi đấy là nhà. Dịp lễ, tết, nếu anh không về được vì nhiệm vụ thì mẹ con tôi sẽ lên thăm anh và đơn vị, có sao đâu”, lời tâm sự của chị Ánh thật đơn sơ, giản dị, chân thành mà chan chứa tình yêu thương. Đây cũng như là lời nhắn gửi tới những phụ nữ đang là vợ, sẽ là vợ bộ đội khi xác định lấy chồng là bộ đội thì phải biết học cách vui vẻ với việc chăm con một mình và gánh vác công việc gia đình mỗi khi không có chồng bên cạnh; và sẽ luôn là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Vì bố mình là bộ đội con ơi/ Buổi chiều muộn, mẹ xin con đừng khóc/ Giờ tan sở, mẹ guồng xe thần tốc/ Đón con về, vẫn kịp trước hoàng hôn! Gia đình ta bố là một quân nhân/ Trên mũ bố có ngôi sao ngời sáng/ Mẹ và con ngắm bố qua khung ảnh/ Cả ba người đều rạng rỡ niềm vui. Bài thơ “Vì bố là bộ đội” của nhà thơ Nguyễn Đức Dũng được cô giáo Nguyễn Thị Ánh đọc tặng Đại úy Đinh Văn Phư và đồng đội trước lúc ra về, là lời hứa, tình yêu, sự quý trọng, niềm tự hào vì có chồng bộ đội, được làm dâu Bác Hồ.

Bài và ảnh: LÊ TÂY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/net-dep-tranh-thu-nguoc-767843