Nếp nhà, vai diễn và niềm tin tôn giáo

Tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại cho con cháu, sự dạy dỗ của thầy cô, tôi nghĩ tôn giáo đóng vai trò lớn để đóng góp cho sự tiến bộ, văn minh xã hội.

Tôi may mắn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật sân khấu. Có đến ba yếu tố giúp chị em chúng tôi hình thành nhân cách, kiểm soát hỉ nộ ái ố từ sớm. Thứ nhất, chúng tôi thừa hưởng sự giáo dục từ những người lớn nổi tiếng trong gia đình, thứ hai học được các bài học quý giá qua các vai diễn, tuồng tích và thứ ba là niềm tin tôn giáo.

Tú Sương là con gái thứ hai của đôi vợ chồng nghệ sĩ tuồng cổ Lê Văn Diện (tức NSƯT Trường Sơn) và Nguyễn Thanh Loan. Ba chị em Ngọc Nga, Tú Sương và Thanh Thảo đều theo nghiệp cải lương và là hậu duệ năm đời của nghệ nhân hát bội Vĩnh Xuân. Ảnh: TLNV

Tôi được ba mẹ dạy bảo đức hiếu thảo bằng chính gương sống của các người. Đối với ba, cho dù ông có lớn tuổi cỡ nào không biết, nổi tiếng cỡ nào chăng nữa thì đứng trước bà nội luôn luôn khoanh tay, một câu dạ hai câu thưa. Hễ ba mà làm bà giận là tự động nằm sấp xuống đất liền. Đó là những hình ảnh khó quên từ ba. Rồi cái cách mẹ chăm sóc bà cố Bầu Ngọc (vợ ông Bầu Thắng) khi đó đã hơn 100 tuổi. Tối nào cũng vậy, xong mọi công việc, mẹ đều dành thời gian dọn dẹp giường bệnh, đút cơm cho bà cố.

Hành động của ba mẹ như vậy đã ăn sâu vào nhận thức của chúng tôi mà không cần những lời dạy về chữ hiếu. Từ đó đến lúc tham gia nghệ thuật, làm gì cũng không qua chữ hiếu. Bạn có diễn giỏi, hát hay cỡ nào mà không có hiếu với cha mẹ thì không bao giờ đứng vững trong nghề được. Tiếp đến, nghề hát cho tôi một chiếc gương soi sắc nét qua các vai diễn. Tôi từ nhỏ đã thích diễn tất cả các loại vai, từ chánh tà, ác thiện đến giàu sang, nghèo khổ hay tể tướng, quân sĩ, tỳ nữ… tất cả các tính cách nhân vật đều là những bài học giá trị cho bản thân nghệ sĩ và khán giả. Đặc biệt con cái tôi sau này rất thích các nhân vật vừa hiếu thảo, vừa biết giúp dân, giúp nước hướng đến các điều thiện hảo do tôi thủ diễn.

NSƯT Trường Sơn và NS Thanh Loan trong vở "Tô Hiến Thành xử án". Ảnh Trung Ảnh/Người Lao Động

Mô hình nhóm Đồng ấu Bạch Long và sau này là Đoàn thanh thiếu niên đồng ấu Bạch Long mà tôi tham gia từ những ngày đầu đã hướng đến mục tiêu giáo dục gương hiếu hạnh, trung trinh, tiết liệt, đạo tam cang ngũ thường… cho các bạn nhỏ thông qua các tuồng tích. Các vai của tôi hồi nhỏ như Đỗ Hiếu Nhân trong vở cải lương thiếu nhi Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ, hay vai Cậu bé ngoan cường trong vở diễn cùng tên, đều là những tấm gương hiếu đễ, trung cang, cứu dân, cứu nước. Với phương châm “cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng cổ sánh văn minh” thì các giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương đã in sâu vào từng người làm nghề chúng tôi với những bài học nhân văn sâu sắc, tốt đẹp và rất cần được truyền đạt cho các thế hệ qua loại hình sân khấu.

Và cuối cùng tôi có cái duyên phước được học về đạo Phật. Bên cạnh nền nếp gia đình truyền lại cho con cháu, sự dạy dỗ của thầy cô, tôi nghĩ tôn giáo đóng vai trò lớn để đóng góp cho sự tiến bộ, văn minh xã hội. Cũng giống như giáo lý các đạo khác, khi quy y hiểu được luật nhân quả, số kiếp… giúp tôi hướng tới tình nghĩa nhiều hơn vật chất trong cuộc sống. Sự biến dạng nhân cách xuất hiện gần đây, thể hiện sự thiếu vắng đức tin và lãng quên các lời răn dạy “làm lành lánh dữ”.

Nghệ sĩ ưu tú Tú Sương

Duy Thông - Quốc Ngọc ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nep-nha-vai-dien-va-niem-tin-ton-giao-38048.html