Nên uống lá xạ đen tươi hay khô?

Ở Việt Nam, từ xa xưa xạ đen đã được sử dụng làm thuốc Đông y để điều trị nhiều bệnh... Tuy nhiên, nhiều người không hiểu xạ đen uống tươi hay khô tốt hơn. Câu trả lời sẽ có trong bài viết.

1. Tiềm năng chữa bệnh của xạ đen

Xạ đen (Celastrus hinsii Benth.) thuộc họ Dây gối (Celastraceae), được tìm thấy ở nhiều nước như Việt Nam, Lào, Thái Lan và Nam Mỹ. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, xạ đen chứa nhiều hợp chất quý như axit rosmarinic, terpenoid, alkaloid, phenolics và flavonoid. Việc sử dụng loại cây này làm thuốc dân gian chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của con người trong lịch sử lâu đời của nó. Xạ đen hiện vẫn đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu.

TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, các hợp chất phenolic được phân lập từ chiết xuất methanol, từ lá xạ đen khô đã được chứng minh là có hoạt tính chống oxy hóa, chống lại quá trình tự oxy hóa. Việc xác định hoạt tính chống oxy hóa rất quan trọng trong việc đánh giá tiềm năng chữa bệnh và dược phẩm của cây thuốc.

Ngoài ra, xạ đen là nguồn cung cấp flavonoid tiềm năng với các hoạt tính sinh học. Trong những năm gần đây, flavonoid phân lập từ các nguồn tự nhiên đã được chứng minh là mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể nhờ hoạt động chống oxy hóa, chống viêm, mát gan, giải độc...

Tác dụng chữa bệnh của xạ đen hiện vẫn đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng α-amyrin và β-amyrin là những hợp chất chiếm ưu thế trong cây xạ đen. α-amyrin và β-amyrin được biết đến rộng rãi như một hỗn hợp tự nhiên của triterpenes. Tiềm năng dược lý của chúng đã được báo cáo trong các nghiên cứu, bao gồm tác dụng chống ung thư, kháng vi sinh vật, chống viêm, giải lo âu, tác dụng bảo vệ gan, chống lại bệnh gout, chống tăng sắc tố da, chống đái tháo đường. Ngoài ra, chiết xuất xạ đen còn được sử dụng để chống côn trùng và ức chế sâu bệnh trong nông nghiệp.

Theo y học cổ truyền, xạ đen có vị đắng, tính hàn, là vị thuốc có nhiều công dụng. Xạ đen còn được dùng trong điều trị mụn nhọt, tiêu ung thũng, tiêu viêm, giải độc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

2. Dùng xạ đen tươi hay khô thì tốt?

Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang xạ đen có thể dùng tươi hay khô đều được. Tuy nhiên điều quan trọng là từ quá trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản phải đảm bảo theo yêu cầu để xạ đen có được hoạt chất tốt nhất từ đó phát huy được hết công dụng của xạ đen.

Cũng theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang , xạ đen là loại dược liệu có thể sử dụng được cả thân, cành và lá. Như đã nói ở trên, để có được tác dụng tốt nhất thì nguồn dược liệu đóng vai trò quan trọng: Đúng loài thực vật, thu hái xạ đen đúng thời điểm (mùa thu đông, sáng sớm khi sương chưa tan hết), thu hái tự nhiên trong rừng hoặc tại vùng trồng sạch và phải được sơ chế làm khô sau khi thu hái không quá 24 giờ với phương pháp phù hợp. Việc sử dụng lá xạ đen tươi hay khô (điều kiện dược liệu chất lượng) không khác nhau về tác dụng. Do đó, để tiện lợi cho việc sử dụng, lưu trữ lâu dài chúng ta nên lựa chọn xạ đen khô tại cơ sở uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.

Mặc dù vậy, việc dùng xạ đen tươi hay khô còn tùy thuộc vào từng bài thuốc, liều dùng và cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn liều dùng phù hợp. Thông thường xạ đen dùng sẽ tương ứng từ 10 – 15g dược liệu khô), tuy nhiên tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70g/ngày.

Nếu muốn sử dụng xạ đen tươi thì chỉ tiện lợi khi trồng được cây xạ đen. Tuy nhiên, cây xạ đen có được hoạt chất tốt khi được trồng ở nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Việc trồng cây xạ đen trong chậu ở các gia đình có thể không đảm bảo được sự sinh trưởng, phát triển và tích lũy hoạt chất của cây.

Những lưu ý quan trọng khi sử dụng và chế biến xạ đen

Vị thuốc xạ đen được người dân sử dụng dưới nhiều dạng như dạng thuốc sắc, cao và trà. Để tiện sử dụng, lá xạ đen có thể được chế biến thành trà thảo mộc khô. Trong quá trình sản xuất trà, phải chần để vô hoạt enzym và giữ được màu xanh; khử nước đến độ ẩm thấp để bảo quản được lâu dài. Tuy nhiên, các phương pháp xử lý nhiệt này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần có hoạt tính sinh học. Điều quan trọng là phải tìm ra các thông số tối ưu trong các bước chần và sấy khô để bảo toàn được hàm lượng phenolic và khả năng chống oxy hóa cao nhất.

Xạ đen có thể dùng tươi hoặc khô, điều quan trọng là thu hái đúng thời điểm để có hoạt chất cao nhất.

Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, việc chần nước nóng ở 90°C trong vòng 45 giây, sấy đối lưu ở 45°C trong vòng 16 giờ, giữ lại được nhiều hàm lượng phenolic tổng số, hàm lượng flavonoid. Xử lý lá xạ đen tươi thành khô theo phương pháp trên sẽ giúp lưu trữ và bảo quản tốt hơn, người tiêu dùng có nhiều cơ hội cải thiện sức khỏe hơn thông qua việc tiêu thụ lá xạ đen khô hàng ngày.

Ngoài ra, lá xạ đen cũng thường được kết hợp với các loại thảo mộc là để tạo thành các công thức trà khác nhau như: Trà xanh, trà hoa vàng, cà gai leo, cỏ ngọt, tâm sen, giảo cổ lam, thìa canh… tùy thuộc vào mục đích chăm sóc sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính.

Viêm mũi dị ứng khi giao mùa.

Thu Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nen-uong-la-xa-den-tuoi-hay-kho-169231010184209576.htm