Nền tảng cho phát triển bền vững

Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức New Zealand được tổ chức trang trọng theo cách thức truyền thống.

Lễ đón được chia làm hai phần, gồm: Lễ đón truyền thống của thổ dân Maori và lễ đón chính thức. Tại lễ đón truyền thống, Thủ lĩnh Maori (Kaikorero) và Trưởng Kaikaranga (Trưởng nghi lễ) đón, mời Thủ tướng Chính phủ và phu nhân vào khu vực tiến hành nghi lễ đón. Các chiến binh Maori múa vũ khí chào đón khách, sau đó đặt một chiếc dao gỗ xuống đất phía trước Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân. Thủ tướng Phạm Minh Chính từ từ nhặt dao gỗ lên và cầm trong suốt buổi lễ. Trong lúc nhặt dao gỗ, Thủ tướng Phạm Minh Chính không rời mắt khỏi chiến binh Maori. Bởi theo quan niệm truyền thống của thổ dân Maori, khi người khách cầm dao gỗ mà nhìn thẳng vào chiến binh thì thể hiện sự thân thiện, còn nếu không nhìn vào chiến binh Maori thì sẽ là thiếu tôn trọng và sẽ không được chào đón. Sau đó, chiến binh ra hiệu để đoàn có thể vào khu vực đón tiếp. Đội trưởng Kaikaranga nói lời chúc phúc và cầu nguyện. Nhóm múa truyền thống Maori biểu diễn màn múa dân tộc. Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân làm lễ Hongi (chạm mũi)-một nét đặc trưng của người Maori khi chào nhau.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon và phu nhân, Chủ tịch Quốc hội New Zealand Gerry Brownlee tại lễ đón chính thức. Ảnh: QĐND

Thổ dân Maori xuất hiện cách đây khoảng 1.200 năm trên vùng đất New Zealand trù phú. Chiến binh Maori được khâm phục bởi sự đoàn kết, dũng cảm, kiên cường. Mặc dù chỉ dùng những vũ khí thô sơ nhưng họ không chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào. Cho đến ngày nay, người Maori vẫn có một địa vị đặc biệt không những trong văn hóa mà còn trên cả lĩnh vực chính trị tại New Zealand. Văn hóa của người Maori là nét đặc sắc trong nền văn hóa New Zealand, tạo nên sức lôi cuốn đặc biệt đối với du khách.

Đất nước New Zealand tươi đẹp còn ẩn chứa trong mình bao điều kỳ thú từ thiên nhiên, văn hóa, con người. Có thể cảm nhận New Zealand coi việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa và đầu tư cho con người là nền tảng cho phát triển bền vững. Đây là một ví dụ tốt để Việt Nam nghiên cứu, rút ra bài học cần thiết cho mình.

Khách đến New Zealand nếu không tìm hiểu trước có thể cảm thấy phiền hà vì rất nhiều quy định, thủ tục trong xuất nhập cảnh. Danh sách các loại hành lý khách phải kê khai khi thực hiện thủ tục nhập cảnh rất dài, đặc biệt bị nghiêm cấm là các loại đồ tươi sống, các loại hạt, vỏ cây, mật ong, thịt... Những đồ khô như mì ăn liền cũng phải kê khai rất cẩn thận và để tránh phiền phức thì chỉ nên mang theo mì ăn liền chay, bất cứ loại nào có sốt thịt có thể bị tịch thu, thậm chí bị phạt. Đến cả những đôi giày chơi thể thao chuyên dụng nếu dính đất từ nơi khác đến cũng cần phải khai báo tỉ mỉ.

Những quy định tưởng chừng rất hà khắc và vô lý đó thực ra lại là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ không gian tự nhiên của New Zealand, tránh sự lai tạp thiếu kiểm soát. Là một quốc đảo nằm tại khu vực Tây Nam của Thái Bình Dương, New Zealand bao gồm hai vùng lãnh thổ chính là đảo Bắc, đảo Nam và khoảng hơn 600 đảo nhỏ, với tổng diện tích tự nhiên là 268.021km2, dân số chỉ có hơn 5,5 triệu người. Mật độ dân cư thấp, cùng một môi trường tự nhiên rất phong phú, đất đai trù phú là điều kiện để New Zealand phát triển ngành nông nghiệp, du lịch. New Zealand được biết tới là một quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao nhưng vẫn bảo tồn tốt tự nhiên và những nét văn hóa truyền thống. GDP bình quân đầu người tại New Zealand năm 2022 là khoảng 57.000USD/người. Tại New Zealand không thấy nhiều tòa nhà chọc trời, các cột ống khói khổng lồ của khu công nghiệp, nhưng New Zealand vẫn là nước công nghiệp phát triển.

Ngành nông nghiệp New Zealand thực sự là một ngành nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, với tiêu chuẩn phát thải carbon ở mức rất thấp. Tại Auckland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand, đây là nơi cho ra đời nhiều giống cây trồng rất độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thủ tướng và các thành viên trong đoàn công tác được mời mỗi người ăn một trái kiwi do Trung tâm vừa lai tạo thành công. Loại kiwi mới này có vị ngọt thanh, hứa hẹn sẽ là một sản phẩm hút khách trên thị trường. Điều đặc biệt là trung tâm nói trên đã phối hợp với người nông dân, các nhà khoa học, các công ty thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ để có các dự án nhằm tăng sản lượng, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh của các cây trồng tại Việt Nam. Trong đó, các giống chanh dây và thanh long mới đã được Trung tâm phối hợp với các đối tác Việt Nam để nhân giống, thương mại hóa... Tất cả các dự án trên hứa hẹn sẽ tạo ra hiệu quả sản xuất, hiệu quả thương mại cao hơn cho nông sản, mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân. Với việc hợp tác với New Zealand, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể sẽ được gợi ý các cách thức trong việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch, phát thải thấp, giải bài toán bảo vệ cây trồng, nâng cao giá trị của nông sản.

Cùng với đó, hợp tác về giáo dục giữa hai quốc gia là một lĩnh vực còn rất nhiều dư địa. Bằng tốt nghiệp từ các trường đại học ở New Zealand có uy tín, được các nhà tuyển dụng toàn cầu đánh giá cao. Giáo viên tại các trường đại học ở New Zealand thường là những nhà nghiên cứu, điều này giúp người học được cập nhật những kiến thức mới nhất.

Hiện có hơn 2.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại New Zealand. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Neil Quigley, Hiệu trưởng Trường Đại học Waikato kiêm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand cho rằng, Việt Nam có dân số trẻ, do đó giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, nhất là khi thế giới đang ngày càng có nhiều công nghệ mới. Ngay trong chuyến thăm, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã có Thỏa thuận hợp tác với cơ quan giáo dục New Zealand giai đoạn 2023-2026. Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện mong muốn hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia nên đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, công nghệ thông tin.

Một vấn đề khiến việc giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và New Zealand còn nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua là khoảng cách địa lý quá xa giữa hai quốc gia. Chính điều này làm cho nông sản Việt Nam khi tới được New Zealand sẽ bị giảm chất lượng, hoặc bị đội giá thành lên quá cao, không thể cạnh tranh được. Cùng với đó là chính sách thị thực của bạn còn khá chặt, khiến lao động Việt Nam muốn vào làm việc tại New Zealand còn đối mặt với nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, trong hội đàm với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nối lại đường bay thẳng giữa Việt Nam và New Zealand đã bị gián đoạn từ hồi dịch Covid-19 tới nay. Đồng thời, tăng tốc trong hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.

Trong thời gian thăm New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ xúc động với cán bộ Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand. Buổi gặp mặt trở thành một buổi sẻ chia, tâm tình của những người con xa quê. Thủ tướng chăm chú lắng nghe về tình hình chung của bà con đang sinh sống, học tập, làm việc tại New Zealand, đồng thời trả lời mọi câu hỏi, mọi thắc mắc của bà con. Thủ tướng cho rằng, người Việt Nam ở đâu cũng được, miễn là lo được cho bản thân mình, cho gia đình mình và luôn hướng về quê hương. Nhiều ý kiến tại buổi gặp gỡ cho thấy, người Việt Nam ta yêu quê hương tha thiết, dù ở đâu cũng hướng về quê hương, muốn cống hiến, muốn đóng góp, làm những điều tốt đẹp cho quê hương. Đáp lại tình cảm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Ngoại giao và các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phải luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của đồng bào ta ở nước sở tại, coi việc của đồng bào như việc của mình. Mối quan hệ hai chiều ấy tạo ra sợi dây gắn kết bền chắc giữa người trong nước và người ngoài nước, thể hiện tinh thần đại đoàn kết Việt Nam.

Như vậy, đến hết ngày 11-3 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hoàn thành chương trình chuyến công tác tại Australia và New Zealand. Chuyến đi đã góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển mới cho đất nước ta trong thời gian tới.

Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân HỒ QUANG PHƯƠNG (từ thủ đô Wellington, New Zealand)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nen-tang-cho-phat-trien-ben-vung-768240