Nền pháp quyền Mỹ lung lay sau phán quyết tranh cãi về quyền phá thai

Trao đổi với Zing, một số chuyên gia luật cho rằng việc lật ngược Roe v. Wade đã đi ngược lại nguyên tắc 'stare decisis' vốn có vai trò thiết yếu trong hệ thống pháp lý Mỹ.

Như thợ xây nhà đặt từng viên gạch, thẩm phán ở Mỹ xây dựng pháp luật qua từng phán quyết.

Và để đảm bảo sự ổn định của “căn nhà” pháp lý ấy, mỗi phán quyết mới sẽ cần tuân thủ những tiền lệ trước. Đây cũng chính là nội dung của nguyên tắc stare decisis, nền tảng của các nước theo hệ thống pháp luật án lệ như Mỹ.

Nhưng hôm 24/6, Tòa Tối cao Mỹ có bước đi gây tranh cãi khi ra phán quyết Dobbs v. Jackson để lật ngược án lệ Roe v. Wade với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống, qua đó cho phép các tiểu bang có quyền cấm phá thai.

Giáo sư luật Caroline Mala Corbin thuộc Trường luật Đại học Miami. Ảnh: Trường luật Đại học Miami.

Việc xóa bỏ tiền lệ từng tồn tại gần 50 năm khiến nhiều người đặt câu hỏi đối với tính toàn vẹn của nguyên tắc stare decisis và sự tuân thủ của tòa án cấp cao nhất nước Mỹ đối với những tiền lệ khác.

“Tòa Tối cao Mỹ không chỉ bỏ qua tiền lệ, họ còn bỏ qua quy tắc lật ngược tiền lệ”, giáo sư luật Caroline Mala Corbin thuộc Trường luật Đại học Miami, nói với Zing.

Và không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, quyết định ấy còn làm suy giảm uy tín của thiết chế tòa án tối cao, theo giáo sư luật Jennifer Drobac thuộc Trường luật McKinney, Đại học Indiana.

Tiền lệ là thành tố thiết yếu

- Nguyên tắc stare decisis có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống pháp lý Mỹ?

- Giáo sư Corbin: Stare decisis là một thành tố thiết yếu trong nền pháp quyền Mỹ. Nó quy định tiền lệ sẽ chiếm ưu tiên trừ khi có các căn cứ về mặt nguyên tắc để tòa án đưa ra phán quyết khác đi.

Đúng là cũng đã có tiền lệ quy định về thời điểm cần lật ngược một phán quyết. Nhưng Tòa Tối cao Mỹ vừa qua đã không chỉ bỏ qua tiền lệ mà họ còn bỏ qua quy tắc lật ngược tiền lệ.

Giáo sư luật Jennifer Drobac thuộc Trường luật McKinney, Đại học Indiana. Ảnh: Đại học Indiana.

- Giáo sư Drobac: Stare decisis rất quan trọng trong truyền thống pháp lý Mỹ. Theo nguyên tắc stare decisis, chúng ta sẽ tuân thủ những tiền lệ đã được quyết định, trừ khi có những thay đổi quan trọng, cơ bản hoặc đáng kể khiến chúng ta cần xem xét lại quyết định trước đó.

Trong hệ thống Thông luật, như Mỹ, khi tòa án ra quyết định, thẩm phán sẽ trình bày lập luận dẫn đến quyết định ấy. Làm như vậy là để các lập luận ấy có thể được áp dụng vào các tình huống khác tương tự trong tương lai.

Nhưng không may là bạn không thể luôn luôn dự đoán điều gì sẽ xảy ra. (Khi soạn hiến pháp), những nhà khai sinh ra nước Mỹ không dự đoán được mọi tiến bộ về y tế và công nghệ, hay sự biến đổi về đạo đức và luân lý trong xã hội.

Lần đầu tiên Tòa Tối cao tước quyền

- Tòa Tối cao có thường xuyên lật ngược tiền lệ đã tồn tại gần 50 năm như Roe v. Wade hay không?

- Giáo sư Corbin: Tòa Tối cao Mỹ từng lật ngược tiền lệ nhưng thường là dựa trên căn cứ hợp lý do có thay đổi về tình tiết hoặc về pháp luật. Nhưng việc Tòa Tối cao vừa qua lật ngược Roe không thuộc trường hợp trên.

Tòa Tối cao Mỹ không chỉ bỏ qua tiền lệ, họ còn bỏ qua quy tắc lật ngược tiền lệ.

Giáo sư luật Caroline Mala Corbin, Trường luật Đại học Miami

Trong phán quyết Dobbs hôm 24/6, nhóm thẩm phán đa số đã liệt kê một số lần tòa tối cao từng lật ngược án lệ, nhưng những lần đó đều là tòa tối cao mở rộng quyền lợi cá nhân.

Chẳng hạn, án lệ Brown v. Board of Education (năm 1954) đã lật ngược phán quyết coi người Mỹ gốc Phi là công dân hạng hai, giúp họ được bình đẳng hơn.

Nhưng đó không phải là điều đã xảy ra trong trường hợp của án lệ Dobbs. Ngược lại, phán quyết hôm 24/6 của Tòa Tối cao đã biến phụ nữ ở Mỹ trở thành công dân hạng hai.

- Giáo sư Drobac: Việc tòa tối cao lật ngược phán quyết mang tính căn bản như vậy rất hiếm khi xảy ra nhưng chuyện ấy không phải không có.

Nhưng thông thường, khi tòa tối cao không tuân theo stare decisis và hủy phán quyết, họ sẽ trao thêm quyền cho người dân, trong khi Dobbs đặc biệt ở chỗ nó lấy đi quyền lợi.

Theo tôi, đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, Tòa Tối cao khi bỏ qua stare decisis đã tước quyền, thay vì trao thêm quyền.

Ông Trump đã bổ nhiệm 3 thẩm phán tối cao trong nhiệm kỳ, giúp tạo ra thành phần tòa tối cao nghiêng về phía bảo thủ. Trong ảnh là thẩm phán Amy Coney Barrett, một trong ba người được ông Trump bổ nhiệm và đã bỏ phiếu thuận. Ảnh: AP.

Chẳng hạn, trong án lệ Lawrence v. Texas (năm 2003), Tòa Tối cao đã lật ngược Bowers v. Hardwick.

Án lệ Bowers năm 1986 cho rằng hiến pháp không bảo vệ các "biểu hiện thân mật" - cụm từ chỉ hành động quan hệ tình dục. Từ đó, Bowers nhận định đạo luật cấm hành vi tình dục đồng giới nam tại bang Georgia là hợp pháp.

Nhưng 17 năm sau, phán quyết Lawrence nhận định hiến pháp Mỹ có bảo vệ quyền biểu hiện thân mật. Điều ấy có nghĩa bạn được yêu thương người khác miễn là hai bên thuận tình và bạn không làm hại tới ai. Từ đó, Lawrence lật ngược Bowers và bác bỏ các hình phạt hình sự đối với hành vi quan hệ đồng giới nam.

Stare decisis đã bị vi phạm

- Việc Tòa Tối cao Mỹ lật ngược Roe có phải đã đi ngược lại stare decisis?

- Giáo sư Corbin: Đúng vậy. Phán quyết Dobbs là sự vi phạm luật stare decisis hiện hành.

- Giáo sư Drobac: Có. Tòa Tối cao Mỹ phải công nhận rằng phán quyết Dobbs không thống nhất với stare decisis và họ cũng đã thừa nhận rằng họ đang lật ngược tiền lệ. Nhưng nhóm thẩm phán đa số cho rằng họ có căn cứ hợp lý khi làm thế vì phán quyết Roe đã được quyết định sai lầm.

Một căn cứ để nhóm đa số cho rằng Roe đã bị quyết định sai là việc hiến pháp Mỹ không đề cập tới quyền phá thai. Về lý thuyết, điều này là đúng nhưng họ không giải thích tại sao cách họ đặt vấn đề quá hạn hẹp như vậy.

Đám đông biểu tình trước Tòa Tối cao Mỹ sau phán quyết gây sốc hôm 24/6. Ảnh: New York Times.

Đây không phải chỉ là vấn đề liệu một biện pháp y tế nào đó có được hiến pháp cho phép hay không, mà là việc liệu quyền tự quyết thân thể có thể bị nhà nước can thiệp hay không, hay liệu nhà nước có thể bắt bạn sinh nở hay không.

Tòa Tối cao Mỹ đã đưa ra căn cứ cho phán quyết của mình, nhưng họ cũng bỏ qua thực tế rằng trong hiến pháp có tu chính án số 9, quy định “việc liệt kê các quyền lợi cụ thể trong hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hoặc hạ thấp những quyền khác của người dân”. Trong hiến pháp không quy định quyền được thở nhưng chúng ta vẫn có quyền ấy.

Tòa có dừng lại ở Dobbs?

- Liệu Dobbs v. Jackson có mở đường cho các phán quyết có thể lật ngược những tiền lệ khác hay không?

- Giáo sư Corbin: Tuy Tòa Tối cao đảm bảo rằng quyết định Dobbs chỉ giới hạn trong quyền phá thai, cách lập luận trong án lệ này cũng có thể được áp dụng cho một loạt các quyền khác.

Theo Tòa Tối cao, hiến pháp chỉ bảo vệ những quyền được quy định rõ trong văn kiện này hoặc những quyền “có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử và truyền thống của đất nước”.

Đây có thể là lần đầu trong lịch sử Mỹ, tòa tối cao khi bỏ qua stare decisis đã tước quyền, thay vì trao thêm quyền

Giáo sư luật Jennifer Drobac, Trường luật McKinney, Đại học Indiana

Nhưng cũng như cách họ đã tái hiện bức tranh lịch sử nước Mỹ mà ở đó quyền phá thai không có nguồn gốc sâu xa trong truyền thống, họ cũng có thể nhìn lại và đưa ra kết luận tương tự về quyền dùng biện pháp tránh thai hay quyền kết hôn đồng tính.

Ngoài ra, một điều đáng nói là các căn cứ mà tòa đưa ra để định nghĩa phá thai - phá thai là giết người vì về cơ bản trứng đã thụ thai là một con người - là quan niệm tôn giáo.

Tòa án không nên áp đặt quan niệm tôn giáo lên những người không có cùng quan điểm và chắc chắn là họ không nên viết chúng vào trong hiến pháp Mỹ.

- Giáo sư Drobac: Trong các buổi điều trần trước khi được Thượng viện phê chuẩn bổ nhiệm vào Tòa Tối cao, bốn thẩm phán trong nhóm đa số đều thừa nhận Roe là án lệ đã định. Nhưng ngay khi có cơ hội, họ đã lật ngược nó và bỏ qua stare decisis.

Tôi cho rằng chúng ta không thể tin tưởng khi họ nói Dobss sẽ chỉ giới hạn ở phá thai. Nguyên nhân là trong phán quyết, thẩm phán Clarence Thomas, một trong 4 thẩm phán trên, đã nêu ý kiến có thể coi như là sự mời gọi thách thức những quyền khác cùng thuộc nhóm quyền tự do.

Xu hướng hợp pháp hóa hay thắt chặt luật phá thai trên thế giới kể từ năm 1990. Từng là nước tiên phong hợp pháp hóa phá thai, Mỹ đi ngược xu hướng toàn cầu trong 30 năm qua sau phán quyết hôm 24/6. Đồ họa: Foreign Policy.

- Liệu phán quyết Dobbs có làm giảm uy tín của Tòa Tối cao Mỹ?

- Giáo sư Corbin: Phán quyết này rõ ràng sẽ làm giảm uy tín của Tòa Tối cao Mỹ. Các kết quả thăm dò đã cho thấy mức độ tôn trọng đối với tòa án ở mức cực thấp. Đây là điều sẽ xảy ra khi phán quyết của tòa án dường như được đưa ra dựa trên ưu tiên chính trị thay vì nguyên tắc pháp lý.

- Giáo sư Drobac: Tại Mỹ trong thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự suy giảm trong mức độ tín nhiệm của người dân đối với các nhánh chính quyền, đặc biệt là vị trí tổng thống và Quốc hội Mỹ.

Lúc này, chúng ta tiếp tục nhìn thấy sự suy giảm đáng kể mức độ tôn trọng đối với tòa tối cao thông qua các kết quả thăm dò ý kiến sau khi phán quyết được công bố. Điều này rất đáng ngại.

Các thẩm phán tối cao đã đúng khi nói rằng việc của họ chỉ là giải thích pháp luật, nhưng vậy còn tu chính án số 9 mà tôi đã nói ở trên?

Câu hỏi ở đây là liệu họ đã giải thích pháp luật một cách công bằng hay chưa, hay họ đã thay đổi vì áp lực chính trị và tín ngưỡng tôn giáo? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người trong đất nước này đang đặt ra.

Tổng thống Biden: 'Đây là ngày buồn của nước Mỹ' Tổng thống Joe Biden ngày 24/6 cho biết việc Tòa án Tối cao lật lại phán quyết bảo vệ quyền phá thai Roe v. Wade đã đưa nước Mỹ quay về 150 năm trước.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nen-phap-quyen-my-lung-lay-sau-phan-quyet-tranh-cai-ve-quyen-pha-thai-post1330589.html