Nên hiểu câu tục ngữ 'Người roi, voi búa' thế nào cho đúng?

Tục ngữ Việt Nam có câu 'Người roi, voi búa'. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào) giải thích: 'Quản voi thì dùng búa, dạy người thì dùng roi vọt (quan niệm giáo dục xưa)'. Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân) giải thích: '(Quản tượng dùng búa đánh vào đầu voi). Đây là một chủ trương sai về giáo dục cho rằng dạy bảo phải dùng bạo lực'.

Cách giải thích của hai cuốn từ điển trên đây thoạt nghe có vẻ như không có gì cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, một câu tục ngữ, thành ngữ thường được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với câu “Người roi, voi búa”, nhóm Vũ Dung mới chỉ dừng ở mức diễn giải nghĩa hiển ngôn “quản voi thì dùng búa, dạy người thì dùng roi vọt”. Trong khi GS. Nguyễn Lân hiểu một cách đơn giản theo nghĩa đen và phê phán đây là “chủ trương sai về giáo dục” vì “dùng bạo lực” (đúng ra là phương pháp giáo dục, chứ không phải “chủ trương” về giáo dục).

Về nghĩa đen, câu tục ngữ được diễn giải là: Dạy người thì dùng roi, dạy voi phải dùng búa (khi dạy, điều khiển voi, quản tượng dùng cả búa lẫn gậy [còn gọi là “cây đòng”], một loại gậy sắt giống như cái lao, giáo nhọn để thúc vào đầu voi). Sở dĩ có sự khác nhau này là vì, nếu người mà dùng búa thì ngã quay lơ; còn voi mà dùng roi quất thì giống như xua ruồi muỗi cho nó vậy.

Trong nhiều câu tục ngữ, “roi” theo nghĩa đen là “đánh đòn”, nhưng nghĩa bóng được hiểu là sự dạy dỗ nghiêm khắc. Ví dụ trong câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” thì “cho roi, cho vọt” là sự rèn cặp của cha mẹ đối với con cái để chúng nên người, chứ không nên hiểu nghĩa duy nhất là dùng đòn roi, gậy gộc để đánh đòn. Tương tự, “cho ngọt, cho bùi” được hiểu là sự nuông chiều, bỏ qua cả những lỗi lầm đáng ra phải trách phạt, khiến con cái trở nên hư hỏng, chứ không phải là cho ăn uống những thứ bánh trái có vị ngọt bùi.

Nhà giáo dục Khổng Tử tùy từng hạng người mà có cách dạy khác nhau: “Với người từ hạng trung bình trở lên có thể dạy cho biết những tri thức cao sâu; với người từ hạng trung bình trở xuống, chớ nên giảng dạy điều cao siêu [Nguyên văn: Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngứ thượng dã, trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngứ thượng dã –

Về đoạn này, dịch giả Đoàn Trung Còn giảng thêm: “Dạy đạo cho đệ tử, đức Khổng Tử tùy tư chất, tài năng của mỗi người. Đạo lý của ngài có hai khoa: 1. Hình nhi hạ học (hiển giáo, exotérisme) để dạy cho người bực thấp đến bực vừa; 2. Hình nhi thượng học (mật giáo, ésotérisme) để dạy người vừa bực cao, nhứt là để dạy bực mộ về Thiên lý.” (Luận ngữ - Ung dã).

Như vậy, ngoài nghĩa đen, thì nghĩa bóng câu tục ngữ Người roi, voi búa được hiểu: Phải tùy từng đối tượng, hạng người mà có cách dạy bảo, giáo dục khác nhau. Gần nghĩa với câu này là Đối bệnh dụng dược - (Tùy bệnh bốc thuốc); Thịt nạc dao phay, xương xẩu rìu búa.

Lý Thủy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/nen-hieu-cau-tuc-ngu-nguoi-roi-voi-bua-nbsp-the-nao-cho-dung-nbsp/30534.htm