Nên bỏ quy hoạch tuyến vận tải cố định

Đây là ý kiến của đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội khi nói về quy hoạch tuyến vận tải cố định. “Sớm quy hoạch, chiều sửa thì quy hoạch cái gì. Không dựa trên cơ sở khảo sát, kiểm đếm, đánh giá thì quy hoạch làm gì?”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.

Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT nên bỏ quy hoạch tuyến vận tải cố định để thị trường vận tải tự điều tiết. Ảnh minh họa TG

Dân muốn đi thì phải nằm trong... quy hoạch

Để quản lý hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định, Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch mạng lưới tuyến liên tỉnh đường bộ năm 2020 định hướng đến năm 2030. Các doanh nghiệp vận tải phải dựa trên quy hoạch được công bố để khai thác tuyến và dĩ nhiên, hành khách muốn lưu thông thì cũng phải đi theo các tuyến được khai thác. Quy hoạch này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và đi lại của người dân. Và gần đây, có ý kiến cho rằng, Bộ GTVT nên bỏ quy hoạch này để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Thực tế hoạt động của doanh nghiệp vận tải cho thấy, để đón đầu hoạt động kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã khảo sát, lên phương án kinh doanh, huy động vốn, mua sắm xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại mới của người dân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được việc mở tuyến khi tuyến được khảo sát không nằm trong quy hoạch được Bộ GTVT công bố thì doanh nghiệp phải chờ Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung tuyến mới. Việc điều chỉnh, bổ sung tuyến không phải cứ doanh nghiệp muốn là được nên đồng nghĩa với việc cơ hội đầu tư kinh doanh bị phụ thuộc.

Phần đa các doanh nghiệp vận tải khi được tham khảo về vấn đề này khá đồng quan điểm về việc bỏ quy hoạch luồng tuyến để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, số doanh nghiệp vận tải này đều không muốn đưa tên lên công luận khi nói ra các ý kiến của mình. Một doanh nghiệp mới khai thác tuyến Lào Cai – Nghệ An – Hà Tĩnh cho biết, trước đây tuyến này gần như không có doanh nghiệp nào khai thác nhưng khi hoạt động kinh doanh, đầu tư vào Hà Tĩnh tăng mạnh, nguồn lao động từ các địa phương đổ về địa phương này nhiều đồng nghĩa với việc nhu cầu đi lại tăng cao và doanh nghiệp quyết định đầu tư khai thác. Để khai thác tuyến, đương nhiên doanh nghiệp phải được chấp thuận và tuyến phải nằm trong quy hoạch. Nếu nằm ngoài quy hoạch, doanh nghiệp phải xin bổ sung và được chấp thuận thì mới đủ cơ sở pháp lý đưa vào khai thác.

Anh Nguyễn Hồng Nam (Lào Cai) đang làm việc tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết, trước đây, để đi từ Lào Cai về Hà Tĩnh, anh phải đi nhiều chặng. Chặng thứ nhất là đi tuyến Lào Cai – Mỹ Đình (Hà Nội), sau đó tiếp tục chờ xe để chạy tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh. Trong vài năm gần đây, khi các khu công nghiệp tại Kỳ Anh đi vào hoạt động, nhu cầu hành khách đi từ các tỉnh Tây Bắc về Hà Tĩnh tăng cao thì sau đó mới có xe chạy thẳng tuyến Lào Cai về Kỳ Anh. Anh Nam cho rằng, việc đăng ký tuyến khai thác nên để cho doanh nghiệp tự quyết định sẽ sát với nhu cầu thực tế của người dân.

Nên bỏ quy hoạch tuyến vận tải cố định

Theo Hiệp hội vận tải Hà Nội, trước đây, việc quản lý tuyến có sự phân cấp, theo đó, các Sở GTVT quản lý các tuyến có cự ly dưới 300km, còn các tuyến trên 1.000km thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) quản lý. Sau khi thay đổi, Bộ GTVT quản lý toàn bộ các tuyến dựa trên quy hoạch tuyến cố định. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quy hoạch này thay đổi xoành xoạch và chủ yếu là đuổi theo thực tế. Có thể điểm qua các lần thay đổi quy hoạch từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, ngày 26/6/2015, Bộ GTVT ban hành quyết định số 2288/QĐ-BGTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 4 tháng sau, ngày 29/10/2015, Bộ GTVT ban hành quyết định số 3848/QĐ-BGTVT điều chỉnh, bổ sung quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2015. Tiếp đó, chưa đầy 3 tháng sau, ngày 15/1/2016 Bộ GTVT tiếp tục ban hành quyết định số 135/QĐ-BGTVT điều chỉnh, bổ sung, quyết định 2288/QĐ-BGTVT về phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ nêu trên...

Việc thay đổi liên tục nêu trên cho thấy, trên góc độ nào đó có tác dụng ứng biến phù hợp với thực tế nhưng cũng bộc lộ yếu điểm. Có ý kiến cho rằng, nếu quy hoạch chuẩn thì đã không phải thay đổi liên tục như vậy. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, khi có quy hoạch tuyến thì doanh nghiệp muốn chạy từ điểm A đến điểm B trên toàn quốc thì phải được Bộ GTVT chấp thuận dựa trên quy hoạch công bố. “Bộ GTVT đang với tay vào tất cả các khâu, từ giờ xe xuất bến, số lượng nốt, phương tiện. Như vậy, địa phương chẳng có tí quyền nào cả. Chính tôi là người nói rất nhiều về việc phải bỏ quy hoạch tuyến. Ngành vận tải là ngành phát sinh muôn màu muôn vẻ, hôm nay doanh nghiệp chạy tuyến này có hiệu quả nhưng sau đó thua lỗ và người ta muốn bỏ tuyến đó để đầu tư tuyến khác thì lại phải xin Bộ. Cái này thể hiện sự tập trung quan liêu bao cấp nên ảnh hưởng đến hoạt động của các địa phương. Ví dụ, xe của các tỉnh đang chạy qua đường vành đai 3 Hà Nội để lên phía Bắc. Nhằm tránh ùn tắc, Hà Nội kiến nghị thay đổi đường đi thì phải tổ chức hội thảo, báo cáo Hội đồng nhân dân TP, UBND TP phải có văn bản lên Bộ GTVT để xin chấp thuận. Đến khi Bộ GTVT có văn bản chấp thuận thì Hà Nội mới thực hiện được, thực tế này đang tước đi quyền chủ động của địa phương”, ông Liên chỉ ra.

Ông Liên lấy thêm ví dụ minh họa là có xe chạy tuyến Nước Ngầm – Thái Bình muốn chuyển tuyến về BX Gia Lâm, bến xe này còn nốt nhưng trên quy hoạch không có thì doanh nghiệp phải xin phép Bộ GTVT. Ông Liên cho biết thêm, vừa rồi ông phải xử lý việc xin bổ sung thêm 2 nốt xe chạy tuyến Quảng Bình – Hà Nội sau đó doanh nghiệp chạy thử không hiệu quả nên bỏ. Việc “xin Bộ” theo ông Liên là: “Mệt mỏi quá”.

Quy hoạch phải dựa trên cơ sở khảo sát khoa học thì mới cho ra được các con số để phục vụ chấp thuận tuyến. Ví dụ, Thái Bình đi Hà Nội thường có khoảng bao nhiêu khách/tuần/tháng thì quy định cần bao nhiêu xe. Tuy nhiên, thực tế không có khảo sát này nên mới có tình trạng là người dân Thái Bình, một tỉnh nhỏ nhưng lại mua thêm bao nhiêu xe đưa vào khai thác, cạnh tranh nên xảy ra tình trạng kiện cáo lẫn nhau. “Sớm quy hoạch, chiều sửa thì quy hoạch cái gì. Không dựa trên cơ sở khảo sát, kiểm đếm, đánh giá thì quy hoạch làm gì?” – ông Liên nói.

Minh Anh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nen-bo-quy-hoach-tuyen-van-tai-co-dinh-20170721223059437.htm