NATO có nỗi sợ hãi hơn Nga

Mối nguy từ phía đông không nguy hiểm bằng mối nguy ở ngay trong lòng thế giới tự do mà NATO có nhiệm vụ bảo vệ....

Đã đến lúc NATO tập trung vào chống khủng bố, thay vì chỉ lo chống Nga

Theo truyền thông nước Anh, sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại Mansheter ngày 22/5 vừa qua khiến 22 người chết, trong đó có cả trẻ em, và 64 người bị thương, việc tăng cường chống khủng bồ đã trở nên cấp thiết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hơn bao giờ hết.

Đây được cho là nội dung chính mà Thủ tướng Anh Theresa May sẽ nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ngày 26/5 tại Brussels, Bỉ.

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này được cho là cơ hội tốt nhất để nhà lãnh đạo Anh nêu bật tầm quan trọng của phối hợp và tăng cường các nỗ lực chung chống khủng bố giữa các thành viên và các thành phần lực lượng của NATO.

NATO nên tập trung vào chống khủng bố hơn là chống Nga

Thủ tướng May được cho là cũng sẽ bày tỏ những quan ngại về việc Mỹ đã làm rò rỉ các thông tin tình báo gây ảnh hưởng xấu tới công tác điều tra vụ việc, bởi đó cũng là một dấu hiệu cho thấy NATO chưa thống nhất trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.

Theo kế hoạch, sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng May sẽ tới Italy để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong hai ngày 26 và 27/5.

Tuy nhiên, lịch trình của nữ Thủ tướng Anh sẽ bị cắt ngắn, do nguy cơ đe dọa tấn công khủng bố tại Anh đang ở mức cao.

Sau thảm kịch ở Manchester, chính quyền nước Anh đã công bố nâng cảnh báo nguy cơ khủng bố lên mức cao nhất. Ngày 24/5, khoảng 1.000 binh sĩ đã được triển khai trên các tuyến phố để bảo vệ các địa điểm quan trọng nhằm hỗ trợ lực lượng cảnh sát tập trung vào điều tra mở rộng.

Cuộc tấn công khủng tại Manchester ngày 22/5 diễn ra tròn 2 tháng sau cuộc tấn công khủng bố tại London ngày 22/3, khiến dư luận hết sức lo ngại về tình hình an ninh tại nước Anh và tại châu Âu.

Và như nhận định của tờ báo Anh, The Telegraph, những kẻ khủng bố đang quyết tâm gây ra tình trạng chiến tranh, nhằm mục đích tiêu diệt các giá trị tự do - dân chủ phương Tây, vì khi tấn công khủng bố xảy ra, các nguyên tắc của tự do cá nhân có thể bị đình chỉ.

NATO vừa được bổ sung thêm chức năng chống khủng bố với sở chỉ huy tiền phương được đặt tại Italy, song dường như tổ chức quân sự hùng mạnh không thực sự quan tâm tới chức năng mới này, mà họ lo chống lại sự đe dọa từ phía đông nhiều hơn với những thực thể chính trị đối nghịch cụ thể.

NATO chưa thay đổi trong nhận diện kẻ thù nên rõ ràng định chế sức mạnh này vẫn chưa thay đổi phương pháp tấn công – thủ trước kẻ thù. NATO vẫn xem giới tuyến là cơ sở xác định ta – địch và không thể phủ nhận NATO vẫn sử dụng và ủng hộ sử dụng bạo lực nhà nước để tấn công kẻ thù, giải quyết mâu thuẫn.

Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Manchester

Tuy nhiên, hai vụ tấn công liên tiếp xảy ra tại nước Anh chỉ trong vòng 60 ngày cho thấy vấn đề chống khủng bố đã là vấn đề rất cấp thiết, cần thiết đối với NATO, chứ không phải là những thực thể chính trị đối nghịch.

Có thể khẳng định rằng mối nguy từ phía đông không phải nguy hiểm bằng chính mối nguy ở ngay trong lòng thế giới tự do mà NATO có nhiệm vụ bảo vệ và kẻ thù thì không thể xác định được qua chiến tuyến, giới tuyến.

Do vậy, NATO nên tập trung vào việc chống khủng bố thay vì chỉ lo chống Nga với việc xác định những giới tuyến bị đe dọa.

Không ngừng ủng hộ sử dụng bạo lực nhà nước tùy tiện, NATO sẽ không thể chiến thắng khủng bố

Trong khi hiện nay chủ nghĩa khủng bố đã thành hình với nền tảng chủ thuyết là tư tưởng cực đoan, cổ vũ giải phóng con người bằng bạo lực, nên khủng bố không còn sào huyệt, không có giới tuyến để NATO nhận diện.

Chỉ cần thông đạt chủ thuyết của khủng bố và có vũ khí là một cá nhân trở thành một kẻ khủng bố và có thể thực hiện các hành động tấn công khủng bố.

Như vậy, lực lượng khủng bố có thể có mặt ở mọi ngóc ngách, có thể tấn công vào mọi cấu trúc xã hội, nếu cảm giác tuyệt vọng và sự giận dữ không tìm được lối thoát, từ đó hình thành nên cực đoan tư tưởng, theo như nhận định của giáo sư Akil Awan, chuyên nghiên cứu về chính trị và khủng bố tại Trung tâm Royal Holloway của Đại học London, Vương quốc Anh.

NATO cần thống nhất trong việc chống lại sử dụng vũ lực nhà nước một cách tùy tiện thì mới hy vọng chiến thắng khủng bố

Đó là lý do gần đây các cuộc tấn công khủng bố thường gắn liền với những “con sói đơn độc”. Nghĩa là hành động khủng bố ngày càng gần với bạo lực cá nhân, mang tính bột phát hơn là có kế hoạch, được tổ chức.

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì bạo lực cá nhân, tổ chức luôn được định hướng bởi bạo lực nhà nước hay bạo lực nhà nước là khởi nguồn cho bạo lực cá nhân, tổ chức. Bởi lẽ cảm giác tuyệt vọng và sự giận dữ - căn nguyên của cực đoan tư tưởng – luôn dễ dàng hình thành từ những bất công khi bạo lực nhà nước được sử dụng.

Với thực tế xảy ra, việc trả thù cho một thực thế chính trị bị bạo lực nhà nước đối xử bất công, bị tước bỏ quyền lực bởi một thực thể chính trị khác được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho những kẻ khủng bố thực hiện hành động tấn công của chúng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-co-noi-so-hai-hon-nga-3336108/