Nâng tầm thương hiệu gạo Việt

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống vẫn đạt được tăng trưởng tốt trong quý I/2023. Nổi bật là thị trường Indonesia ghi nhận mức tăng gần 180 lần về lượng và hơn 177 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022; với 148,5 nghìn tấn và 69,7 triệu USD. Hiện Indonesia đang chiếm 8% trong tổng trọng lượng và 7,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong khi đó, EU cũng đang hứa hẹn là thị trường tiềm năng.

Xuất khẩu gạo sang một số thị trường đang tăng trưởng tốt. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu gạo sang một số thị trường đang tăng trưởng tốt. Ảnh: Quang Vinh.

Trong khi đó, nhiều thị trường khác ở khu vực châu Á cũng đạt tăng trưởng cao như Singapore tăng 30,7%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng gấp 3 lần… Qua đó giúp nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các thị trường châu Á đạt gần 1,57 triệu tấn, chiếm hơn 84,7% tổng lượng xuất khẩu và tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Chiếm lĩnh nhiều thị trường trọng điểm

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32 nghìn tấn, tăng trưởng gần 11% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khu vực EU vốn ưa chuộng các dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ như: Hà Lan đạt 4,6 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; Ba Lan đạt 1,5 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần; Bỉ đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 58,5%. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng tăng, đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Đánh giá tiềm năng gạo Việt trên thị trường thế giới, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, ngay từ quý I/2023 thị trường thuận lợi cho các nước xuất khẩu gạo khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu lương thực để dự trữ. Xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống và trọng điểm như Philippines, Trung Quốc tiếp tục giữ vững. Xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore đang tăng trưởng cao, xuất khẩu sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm, ông Nam cho rằng, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhập gạo, lương thực có thể dẫn đến biến động về giá. Trong đó, nổi lên thị trường Indonesia với nhu cầu nhập khẩu lên đến 2 triệu tấn gạo; Bangladesh cũng tăng nhu cầu mua lương thực. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Do đó, gạo Việt có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề của ngành gạo năm nay không còn ở thị trường mà là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quốc Trung.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quốc Trung.

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo

Thực tế, ý kiến từ Sở Công thương các địa phương cũng như các doanh nghiệp (DN) đều cho rằng đầu ra cho gạo Việt hiện rất tốt do các nước đều tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Vấn đề hiện nay là cần tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng. Theo đó, các địa phương và DN đều mong muốn xây dựng được cánh đồng liên kết với nông dân để mở rộng diện tích lúa gạo chất lượng cao, giúp nâng cao hơn nữa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ở góc độ DN, ông Huỳnh Văn Khỏe - Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh, cho biết, cái khó lớn nhất của ngành gạo lúc này là vùng trồng cần quy hoạch lại, phải đi từ giống, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất căn cơ để có thương hiệu, để đáp ứng nguồn cung chất lượng. Dẫn chứng từ thực tế tại DN của mình, ông Khỏe cho biết, nhu cầu gạo chất lượng cao ở thị trường EU rất lớn nhưng nhiều DN không có đủ nguồn cung để bán.

Trên thực tế dù gạo Việt đã chiếm lĩnh tại nhiều thị trường song hầu hết gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu riêng. Gạo Việt Nam được bán tại Anh quốc với các thương hiệu do các nhà phân phối đặt như: Longdan, Golden Lotus, Buffalo (của Longdan Supermarket), Green Dragon (của Westmill UK) và Red Ant (của MediFood).

Để xuất khẩu gạo đạt kết quả tốt trong thời gian tới, theo VFA, cần phải giải quyết những khó khăn mà các DN cũng như người nông dân hiện đang gặp phải. Khó khăn lớn nhất là vốn tín dụng. Toàn bộ vốn DN thu mua lúa gạo của nông dân là vốn vay, đặc biệt sản xuất lúa gạo thì theo tính mùa vụ. Khi đến mùa vụ thu hoạch DN cần số tiền lớn để mua dự trữ xuất khẩu, nhưng thời gian qua các DN kinh doanh gạo đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng…

Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất khẩu gạo tầm nhìn đến năm 2030 để các DN, địa phương có cơ sở tổ chức triển khai đồng bộ. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu… để cung cấp cho thị trường tốt hơn. Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các cam kết của Việt Nam cũng như nước bạn để DN tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do.

Hiện chúng ta đang thực hiện Ðề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Riêng trong năm 2023, mục tiêu xuất khẩu là 7 triệu tấn gạo. Trong đó gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm trung bình và thấp 15%, sản phẩm từ gạo 5%. Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu là 20%.

Theo ông Nguyễn Văn Đoan (Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự báo các vụ lúa hè thu và thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay sẽ tiếp tục ổn định. Do đó, trong cả năm nay vùng ĐBSCL sẽ duy trì được sản lượng lúa 24 triệu tấn. Sau khi trừ lượng gạo cho tiêu thụ trong nước, sẽ có 6,5 - 6,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu. Thậm chí lượng gạo để xuất khẩu có thể lên tới 7 triệu tấn.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-tam-thuong-hieu-gao-viet-5716934.html