Năng suất lúa, ngô, ớt... tăng 15-20% nhờ phân bón Lâm Thao

NPK-S Lâm Thao là loại phân bón phức hợp thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều mô hình trình diễn tại Thanh Hóa cho thấy NPK-S Lâm Thao rất phù hợp với đồng đất xứ Thanh.

Thị trường trọng điểm

Thanh Hóa, là một trong những tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Điều kiện tự nhiên cũng như khí hậu, đất đai ở Thanh Hóa tương đối thuận lợi, vì vậy cơ cấu cây trồng cũng hết sức phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác, ngoài các cây trồng chính như lúa, ngô, mía… Thanh Hóa đã và đang có những chính sách, chủ trương đưa các loại cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao vào trồng, như: Dưa leo, dưa bao tử, cà chua, bắp cải, hành, tỏi, ớt...

Bón NPK –S Lâm Thao nâng cao năng suất ớt. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, lâu nay bà con nông dân chủ yếu vẫn quen sử dụng phương pháp bón phân đơn hoặc có sử dụng NPK nhưng chưa đúng cách, dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản không cao. Mặt khác, trong quá trình khai thác đất đai để trồng trọt, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan đã làm cho đất đai bị bạc màu, kiệt quệ. Bởi vậy, bên cạnh việc tạo ra các giống mới năng suất, chất lượng cao, việc bổ sung liên tục chất dinh dưỡng cho đất bằng các loại phân bón, bón cân đối, đúng liều lượng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả bón phân là vấn đề rất quan trọng.

Nắm bắt được những đặc điểm đó, ngay từ những ngày đầu, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã coi Thanh Hóa là một thị trường tiêu thụ trọng điểm cần được đầu tư đúng mức.

Lúa ở huyện Hoằng Hóa được mùa nhờ bón phân Lâm Thao đúng, đủ. Ảnh: T.L

Một vốn bốn lời

Cụ thể, từ nhiều năm trước, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp các đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa như Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi… và các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… xây dựng rất nhiều mô hình trình diễn trên nhiều loại cây trồng khác nhau, nhằm đánh giá hiệu quả của các loại phân bón Lâm Thao. Kết quả của các mô hình đều cho thấy, phân bón Lâm Thao rất phù hợp với đồng đất Thanh Hóa, giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng nông sản với chi phí đầu tư hợp lý, mang lại lợi nhuận cao.

Tại những buổi tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, lãnh đạo Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Thanh Hóa… đều khẳng định: Bà con bón phân Lâm Thao theo đúng quy trình mà công ty đang khuyến cáo, sẽ giúp tăng năng suất cây trồng lên 15 - 20%

Theo đó, một số mô hình trình diễn đã được Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối hợp Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh và Hội Phụ nữ các huyện thực hiện trong thời gian gần đây. Tất cả các ruộng đối chứng đều được thực hiện theo tập quán bón phân của địa phương. Xin giới thiệu với bà con nông dân một số mô hình:

Trên cây ngô vụ đông 2015: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thành thực hiện tại 3 xã Thành Hưng, Thành An, Thạch Sơn, huyện Thạch Thành. Mô hình có quy mô 3ha, sử dụng giống ngô 999, liều lượng bón (cho 1 sào Trung Bộ 500m2) như sau:

+ Bón lót trước khi gieo trồng: 300kg phân chuồng + 35kg NPK-S*M1 5.10.3-8.

+ Bón thúc lần 1 khi ngô 3-5 lá: 12kg NPK -S*M1 12.5.10-14.

+ Bón thúc lần 2 khi ngô 8-10 lá: 12kg NPK -S*M1 12.5.10-14.

Trong cùng điều kiện chăm sóc, ruộng mô hình cho năng suất cao hơn 20kg/sào (tương đương 550kg/ha), thu nhập cao hơn đối chứng 203.000 đồng/sào (tương đương 5,6 triệu đồng/ha).

Trên cây ớt xuất khẩu vụ đông 2015: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thiệu Hóa thực hiện tại 3 xã Thiệu Thành, Thiệu Tân, Thiệu Công. Mô hình có quy mô 1,5ha, sử dụng giống ớt chỉ thiên. Liều lượng bón (cho 1 sào) như sau:

+ Bón lót 1.000kg phân chuồng, 17kg NPK-S*M1 5.10.3-8.

+ Bón thúc 4 lần, mỗi lần 14kg NPK -S*M1 12.5.10-14.

Kết quả sau 70-75 ngày cho thu hoạch, thu hoạch 5-7 ngày/lần. Năng suất ớt ở ruộng mô hình trung bình đạt 356,7kg/sào, cao hơn ruộng đối chứng 30-35kg/sào, bà con thu lãi hơn 501.150 đồng/sào.

Trên cây mía vụ xuân 2015: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân thực hiện trên diện tích 3ha, giống mía thực hiện trong mô hình là quế đường QDD-159. Lượng bón cho 1ha như sau:

+ Bón lót trước khi trồng 1.000kg NPK-S*M1 5.10.3-8.

+ Bón thúc khi mía bắt đầu có lóng 1: 1.400kg NPK-S*M1 12.5.10-14.

Các biện pháp kỹ thuật ít làm thay đổi thời gian sinh trưởng của giống mía, tuy nhiên lại làm thay đổi rõ rệt các chỉ tiêu về tỷ lệ mọc, chiều cao cây, đường kính thân so với bón đơn. Bón phân NPK-S Lâm Thao giúp cây mía sinh trưởng phát triển thuận lợi, đẻ nhánh tập trung, nhiều cây hữu hiệu, đường kính thân to hơn so với đối chứng. Đây chính là tiền đề tạo ra năng suất và chất lượng đường cao hơn. Thực tế thu hoạch cho thấy, năng suất mô hình đạt 89 tấn/ha, cao hơn 8 tấn so với ruộng đối chứng, bà con nông dân thu lãi hơn 4.816.000 đồng/ha.

Trên cây dưa lê vụ xuân hè 2016: Phối hợp Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện tại xã Hoằng Thắng (huyện Hoằng Hóa), diện tích thực hiện 2ha, giống sử dụng là dưa lê thơm Kim nữ hoàng. Liều lượng bón (cho 1 sào) như sau:

+ Bón lót trước khi trồng bằng NPK-S*M1 5.10.3-8: 30 kg.

+ Bón thúc lần 1, sau trồng được 4-5 lá bằng NPK-S*M1 12.5.10-14: 15 kg.

+ Bón thúc lần 2, sau đậu quả 15-18 ngày bằng NPK-S*M1 12.5.10-14: 25kg.

+ Bón thúc lần 3, sau đậu quả 30-35 ngày bằng NPK-S*M1 12.5.10-14: 15 kg.

Kết quả mô hình cho thấy, từ khi trồng đến khi dưa được thu hoạch là 68-70 ngày, năng suất trên 20 tấn/ha, cân nặng bình quân mỗi quả đạt 2,0 - 2,5kg, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng trên 20%, bà con thu lãi hơn 1.905.050 đồng/sào (tương đương 38 triệu đồng/ha) so với ruộng đối chứng.

Trên cây lúa vụ mùa 2016: Phối hợp Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện tại xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, diện tích 3ha, giống lúa sử dụng là BC 15. Liều lượng bón (cho 1 sào) như sau:

+ Bón lót 300kg phân chuồng + 30kg NPK-S*M1 5.10.3-8.

+ Bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ hồi xanh 15kg NPK-S*M1 12.5.10-14.

+ Bón thúc lần 2 trước trỗ 15 - 20 ngày: 10kg NPK-S*M1 12.5.10-14.

Kết quả, năng suất của mô hình đạt trung bình 3,2 tạ/sào, giúp bà con thu lãi hơn gần 700.000 đồng/sào so với ruộng đối chứng.

Những mô hình này đã giúp bà con nông dân dần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra giá trị kinh tế cao. Tại những buổi tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, lãnh đạo Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Thanh Hóa… đều khẳng định: Bà con bón phân Lâm Thao theo đúng quy trình mà công ty khuyến cáo, giúp tăng năng suất cây trồng lên 15 - 20%, nâng cao chất lượng nông sản, giải phóng sức lao động, đảm bảo đời sống cho bà con nông dân...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/bi-quyet-nuoi-trong/nang-suat-lua-ngo-ot-tang-15-20-nho-phan-bon-lam-thao-721588.html