Năng lượng tích cực

Mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 đã chính thức diễn ra với nhiều tín hiệu tích cực. Qua một số lễ hội lớn vừa khai hội, dễ dàng nhận thấy đã không còn hiện tượng chen lấn, xô đẩy cướp vật thiêng, tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường được bảo đảm, những hiện tượng phản cảm trái thuần phong mỹ tục cũng ít nhiều giảm đi...

Đây là thành quả của hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; đồng thời minh chứng cho các địa phương đã chấp hành nghiêm túc Công điện số 11/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024.

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Lễ hội do con người tạo ra và biến đổi do xã hội và nhu cầu của người dân. Nhiều hủ tục trong lễ hội đã được thay đổi, thậm chí là xóa bỏ được dư luận hưởng ứng. Chẳng hạn nghi thức hiến tế động vật thay vì công khai thực hiện trước mắt người dân và du khách đã được tổ chức kín. Tuy nhiên nhiều lễ hội vẫn còn duy trì nhiều hủ tục với lý do để “vui”, đúng với truyền thống, thu hút đông khách thập phương... Những lý lẽ trên nghe có vẻ rất bùi tai nhưng rút cuộc cần phải hiểu nhiều lễ hội hiện nay đã không còn ở quy mô nội bộ một làng, một xã sau lũy tre làng như trước. Khi có hàng nghìn, hàng vạn khách thập phương tìm đến thì lễ hội cần phải ít nhiều thay đổi phù hợp với số đông. Biến đổi mà vẫn giữ đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử-văn hóa của lễ hội đòi hỏi phải gạn đục khơi trong. Đây là việc không thể thực hiện bằng sự duy ý chí mà chính quyền địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện người dân cần ngồi lại để đi đến thống nhất.

Vấn đề bức xúc còn tồn tại trong các lễ hội là hiện tượng mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, xa hoa, lãng phí trong hành lễ. Phổ biến nhất là hoạt động đốt đồ mã, vàng mã, nhét tiền lẻ lên tượng Phật, tượng Thánh; hầu đồng biến tướng, xem bói, đoán tướng, cúng sao giải hạn... Mặc dù luật pháp quản lý lễ hội đã có những điều luật phạt tiền đến phạt tù cho các hành vi sai trái kể trên nhưng trên thực tế luật vẫn chưa đi sâu vào cuộc sống. Các hoạt động phản văn hóa, trái pháp luật vẫn đã và đang tồn tại do “hiệu quả” về kinh tế mang lại cho lễ hội; cùng với đó là sự thiếu hiểu biết, mê muội của một bộ phận không nhỏ người dân chuyên đốt vàng mã mù mịt phố phường; nhưng giữa việc đốt vài tệp vàng mã tưởng nhớ tiền nhân, người thân đã khuất với việc đốt hàng trăm triệu đồng đồ mã, vàng mã để “trả lộc” là ranh giới khác nhau.

Các hành vi, thói quen như uống rượu tràn lan, đốt pháo nhưng chúng ta đã giảm thiểu được bởi phạt nặng, xử nghiêm theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Khi việc phân cấp quản lý lễ hội thuộc địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, càng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải “dĩ công vi thượng”. Chỉ khi lễ hội an toàn, lành mạnh, tiết kiệm thì năng lượng tích cực của lễ hội mới lan tỏa rộng khắp, tạo ra niềm vui, phấn chấn cho nhân dân bước vào mùa xuân mới.

HÀM ĐAN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nang-luong-tich-cuc-765280