Năng lực tên lửa của Triều Tiên

Việc Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa trong năm nay, trong đó có cả ICBM, cho thấy Bình Nhưỡng nỗ lực củng cố kho vũ khí trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân bị đình trệ.

Hình ảnh tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA.

Trong năm nay, Triều Tiên đã phóng thử kỷ lục hơn 60 tên lửa, với 23 tên lửa được bắn trong một ngày - vào hôm 2/11.

Kế hoạch thử vũ khí trong năm nay của Triều Tiên bắt đầu từ tháng một, với việc phóng tên lửa siêu vượt âm mới, sau đó là tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo tầm ngắn bắn từ tàu hỏa, sân bay và tàu ngầm; và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), theo Reuters.

Tầm xa và độ cao

Hồi tháng 3, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công ICBM lớn nhất từ trước tới nay, Hwasong-17.

Hwasong-17 lần đầu tiên được trình làng vào tháng 10/2020 và được giới phân tích mệnh danh là "tên lửa quái vật".

Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cho rằng thực tế, Triều Tiên dường như đã bắn Hwasong-15, một loại ICBM cũ hơn. Trong khi đó, đợt thử Hwasong-17 đã thất bại. Theo quân đội Hàn Quốc, vụ thử ICBM hôm 3/11 có thể cũng không thành công.

Tuy vậy, vụ thử hồi tháng 3 có độ cao lớn nhất cho tới nay với hơn 6.000 km. Trong khi đó, vụ thử hôm 4/10 của một tên lửa tầm trung đạt kỷ lục về tầm xa 4.600 km, bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương.

Vụ phóng tên lửa tại một địa điểm xác định ở Triều Tiên. Ảnh do KCNA công bố hôm 10/10.

Tính linh hoạt

Gần đây, nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) của Triều Tiên, như KN-23 và KN-24, được thiết kế để bay trên quỹ đạo thấp hơn, "lõm" và có khả năng linh động. Những tính năng này khiến khả năng phát hiện và đánh chặn các loại tên lửa như vậy trở nên phức tạp hơn.

Triều Tiên cho biết họ đã thử nghiệm một loại "tên lửa siêu vượt âm" mới, thường bay ở độ cao thấp hơn tên lửa đạn đạo, di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh - tức khoảng 6.200 km/h.

Giới phân tích cho rằng đặc điểm chính của vũ khí siêu vượt âm không phải nằm ở tốc độ mà khả năng cơ động, giúp loại vũ khí này tránh bị đánh chặn.

Ngoài ra, chuyên gia cho hay nhìn từ kích thước của Hwasong-17 và công nghệ điều khiển vệ tinh mà Triều Tiên công bố, có thể thấy Bình Nhưỡng đang tìm cách trang bị cho các ICBM nhiều đầu đạn hạt nhân và mồi bẫy có thể điều khiển được. Điều này giúp cho các vũ khí né tránh hệ thống phòng thủ.

Vị trí đa dạng

Năm nay, Triều Tiên bắn thử tên lửa từ các địa điểm và bệ phóng khác nhau. Giới phân tích cho rằng đây chính là cách nước này mô phỏng trường hợp xảy ra xung đột, khiến đối phương khó phát hiện và phá hủy tên lửa.

Hồi tháng 1, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) từ tàu hỏa ở vị trí gần biên giới phía bắc với Trung Quốc. KCNA cho hay việc bắn thử nghiệm tên lửa để “kiểm tra và đánh giá hiệu quả trong quá trình hoạt động của đơn vị đường sắt”.

Reuters nhận định hệ thống tên lửa di động trên đường sắt là lựa chọn hợp lý về chi phí và hiệu quả, cải thiện khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân.

Triều Tiên cũng tiến hành phóng thử từ sân bay quốc tế bên ngoài Bình Nhưỡng, và phóng một tên lửa tầm ngắn mới từ tàu ngầm. Nước này cũng thông báo sắp hạ thủy tàu ngầm mang tên lửa.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa tại địa điểm không xác định. Ảnh do KCNA công bố hôm 9/10.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật

Theo các quan chức Hàn Quốc, nếu Triều Tiên nối lại các vụ thử hạt nhân, thì có thể nước này sẽ phát triển cả các đầu đạn chiến thuật có kích thước nhỏ, được thiết kế để phù hợp với tên lửa tầm ngắn.

Hồi tháng 4, Triều Tiên bắn thử một tên lửa tầm ngắn mới để "tăng cường hiệu quả hoạt động trong năng lực hạt nhân chiến thuật". Reuters cho hay đây là lần đầu tiên nước này gắn một hệ thống cụ thể đi liền với vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Các nhà phân tích cho rằng việc đưa các đầu đạn kích thước nhỏ vào tên lửa tầm ngắn có khả năng thể hiện sự thay đổi "mang tính nguy hiểm" trong cách Triều Tiên triển khai và lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thay vì đe dọa một vài thành phố để ngăn chặn xung đột, Triều Tiên có thể sử dụng hệ thống này nhắm vào một loạt các mục tiêu quân sự ở Hàn Quốc.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nang-luc-ten-lua-cua-trieu-tien-post1371790.html