Nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi

Thủ tướng yêu cầu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị (Ảnh Nhật Bắc)

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.

Thủ tướng yêu cầu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế

Trình bày báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh, thị trường chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

“Năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn”, bà Phương nói.

Do vậy, ngành Chứng khoán dự kiến triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để quản lý điều hành thị trường chứng khoán đảm bảo an toàn, thông suốt; tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán.

Các giải pháp đưa ra cũng hướng đến đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường.

Đi cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát; đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường…

Nhìn lại năm 2023, bà Phương cho hay hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán có khởi sắc với tổng giá trị huy động đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 12,2%

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%.

43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhìn nhận, sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.

“Thị trường chứng khoán phát triển hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hà nói.

Ông Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Song song là điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý…

Đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất trong nước đã giảm sâu (lãi suất tiền gửi và cho vay phát sinh mới giảm hơn 2,5%/năm; lãi suất cho vay dư nợ cuối kỳ báo cáo giảm 1,1%/năm).

“Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác, Ngân hàng Nhà nước dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, theo Phó Thống đốc.

Tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 đạt khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng duy trì dồi dào, ổn định thị trường tiền tệ.

Điều này cũng giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán trong tương lai.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK

Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK.

"Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột", ông nói.

"Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá.

"Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan", nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng phân tích thêm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TTCK Việt Nam.

TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

"Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng điểm lại một số dấu mốc quan trọng; Chính phủ đã ban hành 28 Nghị định quy định liên quan đến chứng khoán và TTCK. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg của TTgCP ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

"Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp", Thủ tướng phát biểu và bày tỏ mong muốn thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột.

. Thanh Nhung ...

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nang-hang-chung-khoan-viet-nam-tu-can-bien-len-thi-truong-moi-noi-20240228140743797.htm