Nâng điểm chỉ số giảm thứ hạng, giữ vững tốp đầu cả nước

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội để phát triển, Bắc Giang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình CĐS tại các ngành, lĩnh vực. Theo công bố mới đây, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng Chỉ số CĐS toàn quốc, tăng một bậc so với năm trước.

Nhiều chỉ tiêu tăng điểm

Căn cứ kết quả xếp hạng theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), năm 2022, tỉnh Bắc Giang có 6/8 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 gồm các chỉ số: Thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số.

Người dân lấy số thứ tự giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Lạng Giang.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, để đạt được điểm số cao về chỉ số, tỉnh đã phân tích từng tiêu chí thành phần, từ đó tổ chức thực hiện với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Chỉ số thể chế số của tỉnh đứng thứ nhất trong các tỉnh, TP. Đó là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CĐS; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS. HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ mức phí. Tỉnh cũng ban hành kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; hằng năm tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn phổ biến và giám sát tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.

Cùng đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng phục vụ CĐS. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) với 13 dịch vụ đến các bộ, ngành Trung ương. Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1 đã thực hiện tích hợp, lưu trữ cơ sở dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu/các kho dữ liệu chuyên ngành của tỉnh; xử lý, làm sạch dữ liệu, hình thành 7 cơ sở dữ liệu dùng chung phù hợp với kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh.

Các ngành, địa phương chủ động dành kinh phí phục vụ công tác CĐS; trong đó chú trọng hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, hệ thống đường truyền. Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS nên huyện đã xây dựng riêng một Đề án thực hiện, tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng theo từng giai đoạn. Việc đầu tư như vậy sẽ bảo đảm sự đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, thiết bị, đáp ứng các nhiệm vụ CĐS hiện nay. Tương tự, các huyện Lạng Giang, Yên Dũng cũng xây dựng đề án, kế hoạch CĐS với nguồn lực đầu tư lớn.

Đối với chỉ số hoạt động kinh tế số có 7/12 chỉ số thành phần đạt điểm tối đa. Nổi bật như kết quả về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bắc Giang tiếp cận và tham gia chương trình SMEdx. 100% tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử và 968/968 hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử; đã thực hiện 100% hoàn thuế điện tử cho xuất khẩu và dự án đầu tư.

Khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng hạng các chỉ số

Theo Nghị quyết số 111 của Tỉnh ủy, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang có chỉ số đánh giá về CĐS thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Ba năm gần đây, Bắc Giang đều xếp thứ 10 và thứ 9 trên bảng xếp hạng, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả đó cho thấy quyết tâm của tỉnh trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, thu hút đầu tư và phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về CĐS.

Huyện Tân Yên ra mắt sàn thương mại nông sản điện tử.

Với nền tảng CĐS vững chắc đã xây dựng và gặt hái được những thành công trong thời gian qua, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục lộ trình thực hiện CĐS toàn diện, lấy người dân làm trung tâm. Qua phân tích DTI năm 2022, Bắc Giang có 2/9 chỉ số giảm điểm so với năm 2021; nhiều chỉ số dù tăng điểm nhưng giảm thứ hạng. Bởi vậy UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng báo cáo, phân tích rõ những nội dung chưa đạt điểm tối đa hoặc giảm điểm, nguyên nhân. Trên cơ sở đó tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch khắc phục, nâng điểm và thứ hạng các chỉ số.

Ba năm gần đây, Bắc Giang đều xếp thứ 10 và thứ 9 trên bảng xếp hạng, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả đó thể hiện quyết tâm của tỉnh trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, thu hút đầu tư và phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về CĐS.

Đơn cử như chỉ số hoạt động xã hội số năm 2022 giảm do tỷ lệ người dân có danh tính số/tài khoản định danh điện tử trong năm đạt thấp; người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân còn thấp. Để nâng điểm chỉ số, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực.

Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin, huyện đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng "đi từng ngõ, gõ từng nhà", "cầm tay chỉ việc"; huy động các nguồn lực hỗ trợ phương tiện CĐS như điện thoại thông minh, máy vi tính cho người dân hoàn cảnh khó khăn.Các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ và các huyện, TP đẩy mạnh truyền thông, đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất kinh doanh với các sàn thương mại điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nâng cấp phát triển Cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang; phát triển các nền tảng số.

Dù đạt được kết quả cao song Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cho rằng vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương dành sự quan tâm, đầu tư cho công tác CĐS hơn nữa; tăng cường đề xuất và triển khai các sáng kiến, giải pháp hay, hiệu quả hướng đến CĐS toàn diện.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chuyen-doi-so/410464/nang-diem-chi-so-giam-thu-hang-giu-vung-top-dau-ca-nuoc.html