Nâng chất lượng giáo dục ở vùng khó

Những năm gần đây, nhiều chính sách đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã phát huy hiệu quả, tạo đà nâng chất lượng giáo dục vùng khó khăn.

Tạo điều kiện tốt nhất cho dạy và học

Hiện nay, Sơn Động được đánh giá nằm trong tốp các huyện vùng cao dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện các chính sách GD&ĐT. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, mạng lưới trường học trên địa bàn huyện đã được đầu tư khang trang. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến, không còn tình trạng học sinh bỏ học hoặc phải học lớp ghép. Các trường tiểu học đều tổ chức học 2 buổi/ngày, dạy tiếng Anh từ lớp 1, mặc dù trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tiếng Anh bắt buộc giảng dạy từ lớp 3.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Giáo Liêm (Sơn Động).

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là mục tiêu trọng tâm trong chương trình phát triển KT-XH, UBND huyện Sơn Động đã chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, ưu tiên dành kinh phí từ ngân sách và các nguồn huy động khác cho sự nghiệp giáo dục. Đến nay, huyện Sơn Động có 100% phòng học bậc THCS đã kiên cố, tất cả các bậc học không còn phòng học tạm.

Năm học này, ngôi trường khó khăn nhất của huyện là Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn số 2 vừa khánh thành, đưa vào sử dụng khu nhà bán trú khang trang với 12 phòng khép kín và nhà ăn. Nhờ vậy, các em nhà xa được học 2 buổi/ngày không còn phải đi lại vất vả. Thầy giáo Nguyễn Duy Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù ở vùng khó khăn nhưng với những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, ngay khi bước vào năm học, thầy cô giáo và học sinh nhà trường hăng hái đăng ký các chỉ tiêu thi đua trọng tâm, nhất là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng chất lượng giảng dạy và học tập”.

Để các em yên tâm học tập, năm học 2022-2023, Chính phủ hỗ trợ gạo cho gần 1 nghìn học sinh dân tộc thiểu số ở địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện. Ngoài ra còn hơn 16 nghìn em được hỗ trợ chi phí học tập. Cùng với các chính sách ưu đãi chung của Đảng, Nhà nước, giáo viên giỏi, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn đều nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Ông Chu Bá Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Để giảm bớt khó khăn, huyện đã sắp xếp, bố trí quy mô, mạng lưới trường lớp hợp lý; quan tâm bố trí nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị dạy và học; chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT, nhất là ở các môn học chưa đạt hiệu quả cao như: Tiếng Anh, Tin học. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được nâng lên”.

Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Hằng năm, Phòng GD&ĐT huyện quán triệt tới các nhà trường, giáo viên tập trung thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng. Trường THCS thị trấn An Châu là một trong 11 trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh. Từ đầu năm học, nhà trường phát động phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đến 100% cán bộ, giáo viên. Mỗi thầy cô phấn đấu có từ 1-2 giải pháp, sáng kiến hiệu quả áp dụng vào quản lý, giảng dạy. Nhờ có đội ngũ giáo viên giỏi nên năm học qua, các chỉ tiêu thi đua của trường đều vượt so với kế hoạch.

Toàn huyện hiện có 168 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện và 34 giáo viên giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2020-2024.

Trong bối cảnh nhiều huyện, TP trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên nhưng huyện Sơn Động đủ giáo viên ở tất cả các bậc học. Đây là thuận lợi để ngành Giáo dục huyện chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ. Ở từng bộ môn, cấp học đã từng bước hình thành đội ngũ giáo viên nòng cốt. Năm học vừa qua, huyện có 10 học sinh vinh dự được trao giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh.

Một số trường vùng sâu, vùng xa cũng có học trò đoạt giải. Năm học trước, Sở GD&ĐT phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Educa Corporation (Hà Nội) tổ chức vòng thi đặc biệt cuộc thi “Vì một Bắc Giang giỏi Tiếng Anh”. Vượt lên hàng nghìn học sinh toàn tỉnh, em Nguyễn Gia Hưng, Trường Tiểu học thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) đoạt giải Nhất cấp tỉnh.

So với giai đoạn 2010-2020, sự nghiệp GD&ĐT của huyện Sơn Động có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn khoảng cách với các huyện, TP, nhất là ở các môn Ngoại ngữ, Tin học, kỹ năng sống, giáo dục giới tính. Một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa thường xuyên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận khoa học công nghệ áp dụng vào bài giảng. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ.

Trên địa bàn huyện còn 53 điểm trường lẻ (mầm non 36 điểm; tiểu học 17 điểm). Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng GD&ĐT nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục theo hướng cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.

Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực, giỏi nghiệp vụ sư phạm, tâm huyết với nghề. Bố trí tăng cường đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn tốt về giảng dạy tại những trường có chất lượng giáo dục chưa cao theo năm học. Đầu tư cơ sở vật chất có trọng tâm, trọng điểm...

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/415177/nang-chat-luong-giao-duc-o-vung-kho.html