Nâng cấp nội thị Sa Pa: Nỗ lực dọn sạch 'mạng nhện đô thị'

Thời gian qua, nhằm xây dựng đô thị 'không dây' an toàn, văn minh, các dự án về 'ngầm hóa' hệ thống dây diện, viễn thông, ống dẫn nước tại Sa Pa tích cực được thực hiện. Hàng loạt 'mạng nhện' gây mất mỹ quan đô thị trên nhiều tuyến phố đã dần được xóa bỏ. Đường phố bớt đi hình ảnh 'rác trời', trở nên phong quang, khang trang, tạo sự thay đổi diện mạo đô thị rất đáng ghi nhận.

Trước đây, khi đến thị xã Sa Pa, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc cột điện phải gồng mình “cõng” vài chục đường dây bắc qua. Những đường dây này được buộc chồng chéo lên nhau như mạng nhện khiến các tuyến phố vốn dĩ chật chội càng thêm rối mắt. Nhiều đoạn do dây cáp quang kéo lâu ngày đã xuống cấp, tạo thành những “chiếc võng” treo lơ lửng. Nói về tình trạng này, anh Đoàn Ngọc Long ở tổ 2, phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa cho biết: “Những búi dây như mạng nhện luôn chằng chịt ở trước nhà tôi suốt nhiều năm nay. Ngày thường thì còn đỡ, sợ nhất là những hôm mưa gió, không may chập cháy thì rất nguy hiểm”.

Ông Tống Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Sa Pa cho biết: Để khắc phục tình trạng dây điện, dây mạng chằng chịt gây mất mỹ quan đô thị, năm 2017, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh làm chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống hào kỹ thuật của 11 tuyến phố trung tâm thị xã Sa Pa với tổng chiều dài là 2.367,87 m. Đến năm 2023, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh tiếp tục làm chủ đầu tư tiến hành hạ ngầm điện của 10 tuyến phố trung tâm. Dự án lần này có tổng chiều dài là 6.369 m. Việc hạ ngầm không chỉ mang lại sự an toàn cho người dân mà bộ mặt đô thị của thị xã cũng trở nên khang trang, sạch, đẹp hơn.

Công trình hạ ngầm đường dây, ống dẫn nước là công trình mở rộng phạm vi nâng cấp nội thị Sa Pa (các tuyến phố trong nội thị Sa Pa cũ) thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần thứ 2 - Tiểu dự án đô thị Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Giá trị dự toán xây dựng công trình là hơn 127 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ADB và vốn đối ứng.

Thực hiện công trình này, tại những tuyến phố đã xây dựng hào kỹ thuật sẽ được làm mới tuyến đường dây cáp ngầm 0.4KV đấu nối với trạm biến áp và xây dựng các tủ điện phục vụ lưới điện chiếu sáng… Với những tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng hào kỹ thuật vào giai đoạn trước sẽ được thiết kế hệ thống hào kỹ thuật và rãnh cáp dưới vỉa hè, thiết kế rãnh cáp ống nhựa xoắn; những vị trí cáp cần qua đường, thiết kế rãnh cáp ống thép để đảm bảo độ bền. Sau khi có hào kỹ thuật, hệ thống dây điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, cáp viễn thông sẽ được hạ ngầm vào hào kỹ thuật.

Ngoài ra, các công tơ điện trước đây thường được đặt tại các cột điện nay sẽ được di chuyển đến vị trí phù hợp, đảm bảo mỹ quan đô thị tại từng hộ dân. Hệ thống cấp nước sinh hoạt, thoát nước mặt, thu gom nước thải cũng sẽ được đầu tư đồng bộ, hạ ngầm. Sau khi thi công, các tuyến đường sẽ được lát đá vỉa hè đồng bộ để bảo đảm mỹ quan đô thị.

Đơn cử như: Khu vực đường Điện Biên Phủ sẽ tháo dỡ tuyến đường dây nổi 0.4KV sau các trạm biến áp Điện Biên 3, Điện Biên 4, Thạch Sơn 1… Khu vực dự án AFD, đường Fansipan tháo dỡ các tuyến đường dây nổi 0.4KV sau các trạm biến áp Thủ Dầu Một, Kim Đồng 1, Kim Đồng, Kim Đồng 2, nhà khách Điện Lực, Bờ Hồ 2, sân vận động và trạm biến áp trường mầm non trong phạm vi ranh giới phục vụ hạ ngầm hệ thống điện đảm bảo mỹ quan cho các tuyến phố…

Là sinh viên du học Mỹ mới trở về, anh Đỗ Khánh Duy ở tổ 5, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa ấn tượng trước sự đổi thay rất lớn của diện mạo đô thị nơi đây, trong đó có việc ngầm hóa hệ thống điện trên địa bàn. Anh cho biết: “Trước đây, tôi đã quá quen mắt với những búi dây chằng chịt như mạng nhện. Lần này đi học về, thấy các tuyến phố đã được hạ cáp ngầm giúp đường phố thoáng đãng, hiện đại hẳn”.

Đường dây điện bị thu hồi, tháo dỡ, hệ thống dây viễn thông (trước đây được chạy theo đường dây điện) cũng sẽ được hạ ngầm. Như vậy, tình trạng “mạng nhện” đô thị sẽ từng bước được dọn dẹp, trả lại không gian chung cho khu đô thị Sa Pa.

Những búi dây chằng chịt như mạng nhện trên bầu trời dần được xóa bỏ.

Anh Lưu Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án ODA tỉnh cho biết: Với đặc thù là địa phương phát triển du lịch, tiến độ thi công cũng chịu ảnh hưởng, chỉ có thể làm việc 4,5/7 ngày do phải dừng thi công, dọn dẹp vào chiều thứ 6 hàng tuần để Sa Pa đón khách du lịch. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, hoạt động thi công cũng phải tạm dừng 10 ngày để trả không gian cho hoạt động du lịch. Các đơn vị thi công đã tăng số lượng lao động, tăng số mũi thi công để đảm bảo tiến độ. Hiện nay, công trình đã đạt 60% khối lượng thi công; 40% khối lượng công việc còn lại chủ yếu liên quan đến kỹ thuật lắp đặt, đấu nối. Đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện các hạng mục xây dựng, cam kết hoàn thành công trình, nỗ lực tạo nên một diện mạo thoáng đãng, an toàn, văn minh, hiện đại cho Sa Pa trước dịp lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cap-noi-thi-sa-pa-no-luc-don-sach-mang-nhen-do-thi-post367727.html