Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ

Hội nhập ASEAN có thể là một cú hích mạnh mẽ cho quá trình tham gia vào phát triển kinh tế của phụ nữ. Điều đó đã được khẳng định tại Diễn đàn về “Hội nhập ASEAN và Trao quyền kinh tế cho phụ nữ khu vực Mekong” cho các đối tác trong khu vực, do Chính phủ Australia tổ chức trong phạm vi Khuôn khổ hợp tác Australia và các tổ chức phi chính phủ khu vực Mekong (AMNEP), khai mạc sáng 27/8 tại Hà Nội.

Đại sứ Australia Hugh Borrowman trong vai trò chủ trì Diễn đàn.

Tìm kiếm giải pháp sáng tạo

Được tổ chức lần đầu tiên tại khu vực Mekong, Diễn đàn tập trung thảo luận cách thức để giúp phụ nữ có thể phát huy đầy đủ tiềm năng phát triển kinh tế và xã hội của mình. Với sự tham gia của gần 100 đại biểu trong và ngoài nước, Diễn đàn cũng là một kênh thảo luận quan trọng cho các bên liên quan nhằm đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi tối đa từ tiến trình phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập ASEAN.

Trong vai trò chủ trì Diễn đàn, Đại sứ Australia Hugh Borrowman nhận định “Khu vực Mekong đang liên kết ngày một chặt chẽ, vì thế cơ hội xem xét các vấn đề từ góc độ khu vực là hết sức quan trọng”. Ông cho biết việc nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ là ưu tiên hàng đầu đối với Chính phủ Australia và việc tổ chức cuộc họp đầu tiên ở khu vực Mekong với chủ đề này sẽ góp phần vào việc tìm kiếm “các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề phát triển cấp bách của khu vực”.

Trên thực tế, hội nhập ASEAN được cho là sẽ tạo đà cho phụ nữ các quốc gia thành viên tham gia vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những khác biệt do sự bất bình đẳng giới như khả năng tiếp cận vốn, thị trường, kỹ năng kinh doanh… có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Liên hợp quốc đã đánh giá thiệt hại do phụ nữ “bị bỏ lỡ cơ hội” tham gia làm kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 89 tỷ USD mỗi năm.

Phụ nữ gặp phải rất nhiều rào cản như sự bất bình đẳng trong các điều luật, không thể đáp ứng các yêu cầu thế chấp do thiếu quyền sở hữu tài sản, bị quấy rối nơi công cộng, thiếu kiến thức kinh doanh cũng như năng lực và kiến thức tài chính cơ bản. Phụ nữ cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, cả trực tiếp cũng như gián tiếp, vì những định kiến giới. Quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ cũng là rào cản vô hình cho sự tham gia của phụ nữ vào phát triển kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị.

Bình đẳng giới là cơ hội hiện hữu

Là diễn giải chính tại Diễn đàn, Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề Phụ nữ của Campuchia, Tiến sĩ Ing Khanthaphavy, đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải khuyến khích phụ nữ bắt đầu và phát triển doanh nghiệp của mình như một “doanh nhân”, theo đó, họ rất cần và cũng có thể tạo ra sự gia tăng năng suất, đổi mới và cơ hội việc làm.

Theo Bộ trưởng, hiện đang có một sự thay đổi chuyển dần từ việc coi phụ nữ như một đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, sang hướng tới khám phá nhiều hơn về quyền thực sự của phụ nữ, sự tự định hướng và những tham gia tích cực của họ trong nền kinh tế và trong đời sống cộng đồng.

Bà Ing Khanthaphavy đã trích dẫn từ “Báo cáo thế giới về khoảng cách giới” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng: “Theo thời gian, khả năng cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc đáng kể vào việc bằng cách nào để giáo dục và sử dụng tài năng của nữ giới”. Do đó, "bình đẳng giới không phải một trách nhiệm bắt buộc chỉ để thu thập số liệu thống kê chính xác về các vấn đề phát triển, mà còn là một cơ hội hiện hữu bởi lợi ích của việc "bao gồm cả phụ nữ" sẽ được đền đáp bằng những giá trị thực tế trong dài hạn", bà nói.

Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề Phụ nữ của Campuchia, bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: “Trong bối cảnh còn nhiều định kiến xã hội cũng như những khó khăn của nền kinh tế thế giới vừa phục hồi, vai trò của nữ giới được nâng cao và bình đẳng giới chỉ có thể đạt được khi người phụ nữ được trao quyền kinh tế, chính trị và xã hội một cách công bằng và bình đẳng”.

Trong khuôn khổ xu hướng hợp tác ASEAN, Việt Nam đã rất chủ động với các hoạt động tăng cường bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và giúp phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế. Đến quý II/2013, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 73,5%, khoảng 48% nữ tham gia vào Ban lãnh đạo của các doanh nghiệp còn doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt trên 20%.

Trong khu vực, Việt Nam chính là nước điều phối việc thành lập Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam là cơ quan điều phối mạng lưới này nhiệm kỳ 2014-2015. Việc Nam cũng là nước dẫn đầu trong sáng kiến lồng ghép giới trong lao động và việc làm hướng tời việc làm bền vững của khu vực…

Diễn ra trong hai ngày (27-28/8), Diễn đàn thu hút sự tham gia của các diễn giả như bà Gillian Brown, chuyên gia độc lập về giới và phát triển xã hội; giáo sư Aurora Javate de Dios, nhà lãnh đạo cấp cao trong phong trào phụ nữ của Philippines và là đại diện của Ủy ban ASEAN về Phụ nữ và trẻ em; bà Sally Moyle, Chuyên gia Trưởng về lĩnh vực giới của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia… Đây là cơ hội để các đại biểu tham gia chia sẻ kinh nghiệm của họ với tư cách là các nữ lãnh đạo, nữ doanh nhân trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả xã hội dân sự, giới học giả, khu vực kinh tế tư nhân và các hiệp hội doanh nghiệp.

AMNEP được thành lập năm 2012 với mục tiêu cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các tổ chức xã hội dân sự trong khu vực Mekong để đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận chính sách. Không phải là một chương trình tài trợ NGO truyền thống, AMNEP chủ yếu sẽ cung cấp các chương trình viện trợ của Australia trong khu vực với sự hỗ trợ kỹ thuật và các dịch vụ hành chính nhằm cải thiện hiệu quả của chương trình có sự tham gia của NGO. Trụ sở của AMNEP tại khu vực Mekong được đặt tại Hà Nội để hỗ trợ công việc của các NGO trong các chương trình song phương và khu vực tại Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam thông qua một loạt các hoạt động và dịch vụ chuyên môn.

Hạnh Diễm

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2014/8/332227C215890D34/