Nâng cao sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước

Sáng ngày 16/4, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tổ chức Lễ ra mắt Chuỗi tọa đàm truyền hình internet và phát động Cuộc thi viết 'Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước'.

Tham dự buổi lễ có đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Quang Phán - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học cho biết, Chuỗi tọa đàm truyền hình internet và Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước” do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức với mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối các chuyên gia, nhà giáo, nhà báo, phụ huynh, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp có sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sức khỏe học đường, kiến nghị, đề xuất giải pháp, góp phần thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường của Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Ông Tô Quang Phán nhận định: "Sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của họ, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai".

Trả lời câu hỏi: Vì sao Tạp chí Công dân và Khuyến học chọn đề tài sức khỏe học đường để tổ chức Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết?

Ông Tô Quang Phán cho rằng, đây là một chủ đề đã thu hút sự quan tâm của dư luận sau rất nhiều những vấn đề “nóng” của sức khỏe học đường đã diễn ra trong thời gian qua. Đó là những vụ học sinh, sinh viên bị bạo hành thân thể và bạo hành tinh thần, những lớp học thiếu thốn phương tiện sinh hoạt và học tập, mất vệ sinh, những bữa ăn trường học thiếu dinh dưỡng, những vụ ngộ độc thực phẩm, ma túy xâm nhập vào trường học..., áp lực và căng thẳng học tập khiến một số ít học sinh có những quyết định dại dột.

"Sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của họ, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Chắc chắn rằng chúng ta đều mong muốn phải hành động vì một thế giới học đường trong sạch, lành mạnh", ông Tô Quang Phán chia sẻ.

Ông Lê Quốc Minh đánh giá cao Chuỗi tọa đàm truyền hình internet và Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước” tạo nên sự khác biệt.

Đánh giá cao sáng kiến của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, ông Lê Quốc Minh nhận định, Chuỗi tọa đàm truyền hình internet và Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước” là chương trình tạo ra sự khác biệt với sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội từ các nhà báo, nhà giáo, các chuyên gia và học sinh sinh viên.

Theo ông Lê Quốc Minh, xu thế của báo chí hiện nay đang diễn ra tình trạng né tránh tin tức do độc giả, khán thính giả phải tiếp xúc quá nhiều với những tin tức tiêu cực. Báo chí giải pháp đang là hướng đi mới của báo chí thế giới và Việt Nam để thu hút công chúng. Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi này sẽ lan tỏa những nội dung mang tính kiến giải, giải pháp, những sáng kiến mới.

Toàn cảnh buổi lễ.

"Thông qua Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi, chúng ta sẽ chọn lọc những ý tưởng sáng tạo và những giải pháp hiệu quả từ các chuyên gia, các nhà báo, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các doanh nghiệp và cả các bạn học sinh, sinh viên.

Từ đó đề xuất giải pháp chất lượng và hiệu quả để thúc đẩy sức khỏe học đường, thực hiện thật tốt Chương trình Sức khỏe học đường của Chính phủ. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân, các cấp chính quyền và hệ thống giáo dục, dạy nghề, từ đó quan tâm và đầu tư đúng mức vào Chương trình sức khỏe học đường", ông Lê Quốc Minh nhận định.

Các đại biểu, chuyên gia tham gia buổi tọa đàm.

Tại buổi lễ cũng đã diễn ra Tọa đàm Sức khỏe học đường. Các chuyên gia, nhà báo đều nhận định, sức khỏe học đường không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục, đào tạo, dạy nghề, của một trường học cụ thể hay một cá nhân, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Sức khỏe học đường lành mạnh và khoa học không chỉ giúp học sinh, sinh viên sau này trở thành những công dân khỏe mạnh về thể chất và tinh thần mà còn đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tham dự tọa đàm, để đảm bảo môi trường học đường khoa học và lành mạnh, cần có một cơ sở hạ tầng vững chắc, chương trình giáo dục đa dạng và thú vị, cũng như các biện pháp hỗ trợ về dinh dưỡng, tâm lý, và thể chất, điều kiện sinh hoạt, học tập, từ bữa ăn, nước uống hàng ngày. Cần tạo ra một môi trường học đường an toàn về nhiều mặt để học sinh và sinh viên có thể phát triển toàn diện mà không phải lo lắng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Về Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”.

Các bài viết dự thi có chất lượng (theo quy chuẩn của điều lệ) sẽ được Ban sơ khảo chọn lọc và xuất bản trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học. Các bài viết này ngoài được xuất bản trên trang web chính thức của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học cũng đồng thời được xuất bản trên hạ tầng đa nền tảng số.

Ban tổ chức nhận bài thi từ 16/4, kết thúc vào ngày 31/8. Dịp Quốc khánh 2/9 sẽ tổng kết trao thưởng Lễ tổng kết Chuỗi tọa đàm và Trao giải cuộc thi.

Hòa Giang - Sơn Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nang-cao-suc-khoe-hoc-duong-vi-chat-luong-nguon-nhan-luc-dat-nuoc-post291919.html