Nâng cao phổ điểm môn Tiếng Anh: Khó cũng phải làm

Trong xu thế hội nhập phát triển đất nước, việc đầu tư dạy và học môn Tiếng Anh trong trường học đang trở thành yêu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều năm liền, điểm thi môn Tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn rất thấp. Phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm gần đây nhất cho thấy, không chỉ điểm trung bình thấp mà có đến 2 năm môn Tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất.

Nan giải bài toán phổ điểm

Năm 2021, lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn Tiếng Anh xuất hiện 2 đỉnh trong 1 phổ điểm. Đỉnh thứ nhất khoảng 4 điểm với hơn 29.500 bài thi, đỉnh thứ 2 khoảng 9 điểm với hơn 24.000 bài thi. Năm 2022, phổ điểm môn Tiếng Anh lệch trái (nghiêng về phía điểm thấp). Phổ điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT phản ánh rõ nét sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ, phương pháp dạy và học giữa các vùng miền. Số học sinh đạt điểm cao môn Tiếng Anh chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn. Còn lại, số học sinh điểm thấp đa phần ở khu vực nông thôn, miền núi.

Tiết học tiếng Anh ở Trường THPT Bù Đăng, huyện Bù Đăng luôn đề cao sự tương tác giữa người dạy và người học

So với năm 2021, phổ điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bình Phước giảm gần 13%. Với một địa phương đặc thù như Bình Phước, việc nâng phổ điểm môn Tiếng Anh những năm qua gặp rất nhiều khó khăn đến từ khách quan lẫn chủ quan. Cô Lê Thị Lan Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Bù Đăng, huyện Bù Đăng cho biết: “Dù trường đã được đầu tư nhưng điều kiện cơ sở vật chất vẫn chưa đầy đủ như các trường ở thành phố lớn. Hơn nữa, tâm lý chung của học sinh ở đây là Tiếng Anh vẫn chưa quan trọng, các em chủ yếu học để lấy điểm qua môn chứ chưa nghĩ đến việc áp dụng ngoại ngữ vào cuộc sống”. Cô Hương đánh giá, đề thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua có những câu hỏi khó nhằm phân loại thí sinh cho công tác tuyển sinh vào đại học nên khá khó so với mặt bằng chung học sinh cả nước, đặc biệt với học sinh khu vực nông thôn.

Có thể thấy, việc học sinh thành phố giỏi môn Tiếng Anh hơn không chỉ do đầu tư cho giáo dục mà còn ở điều kiện sống, môi trường kinh tế - xã hội khi các em phải sử dụng ngoại ngữ giao tiếp với người nước ngoài nhiều hơn. Công việc cũng đòi hỏi cao hơn. Từ đó, khả năng ngoại ngữ cũng sẽ tốt hơn. Ngược lại, với học sinh vùng sâu, xa, tầm quan trọng của tiếng Anh vẫn chưa được các em ý thức đầy đủ. Quan trọng hơn, vì nhiều lý do, đa số học sinh không được tiếp cận tiếng Anh từ sớm mà chỉ bắt đầu học khi lên cấp 2.

Nâng cao hơn nữa ý thức học tập của học sinh

Từ câu chuyện điểm thi môn Tiếng Anh, câu hỏi đặt ra là làm gì để nâng cao phổ điểm cũng như rút ngắn khoảng cách trình độ tiếng Anh của học sinh các vùng miền, nâng cao năng lực ngoại ngữ. Thầy Nguyễn Thành Dương, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT thị xã Bình Long chia sẻ: Tôi luôn động viên các em rằng, môn Tiếng Anh rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, tôi còn cố gắng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy để có phương thức truyền tải đến các em sinh động hơn.

Nâng cao phổ điểm môn Tiếng Anh đòi hỏi cả nỗ lực của người dạy và người học

Thầy Dương đánh giá thêm, chương trình dạy và học tiếng Anh trong nhà trường hiện nay đã có nhiều đổi mới theo hướng cải thiện toàn diện kỹ năng cho các em. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo, khai thác thêm từ internet hoặc các trang mạng xã hội. “Tiếng Anh không phải là môn học quá khó. Chỉ cần các em bỏ chút thời gian và chăm chỉ học mỗi ngày sẽ đạt được kết quả tốt” - thầy Dương cho biết.

Dù phổ điểm thấp nhưng nhìn chung điểm thi môn Tiếng Anh đã có cải thiện so với năm trước. Đây là một dấu hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận. Đặc biệt, theo số liệu công bố, số thí sinh đạt điểm 6 trở lên cao hơn hẳn so với các năm trước. Điều này đã phản ánh sự nỗ lực của các trường trong việc nâng cao phổ điểm và rút ngắn khoảng cách ở môn Tiếng Anh. “Ngay khi có bộ đề mẫu của Bộ GD&ĐT, trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn căn cứ vào bộ đề để soạn đề cương ôn tập cho học sinh, làm sao để các em có thể tiếp cận với cấu trúc đề nhanh chóng và làm quen dần với đề thi” - thầy Hồ Trọng Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Bình Long cho biết.

Ngoại ngữ không giống như những môn khoa học khác, để cải thiện năng lực cần một quá trình lâu dài và bền bỉ. Do vậy, ngoài ôn tập, trường cũng định hướng cho học sinh ngay từ khi bước vào đầu cấp để các em chủ động học tập, dành nhiều thời gian hơn cho môn học này. Ngoài ra, trường luôn hướng dẫn, tư vấn cho các em về tầm quan trọng của tiếng Anh, không chỉ là lấy điểm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT mà về lâu dài, có một nền tảng ngoại ngữ tốt sẽ giúp các em dễ dàng có được công việc tốt trong tương lai.

Cô TRỊNH THỊ BÉ, Hiệu trưởng Trường THPT Bù Đăng

Theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2019-2025, Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 có 100% học sinh lớp 3 và lớp 6 được học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm và những đơn vị trường học ở các địa bàn có điều kiện thuận lợi phải có ít nhất 1 lớp thực hiện dạy và học môn Toán và các môn khoa học khác bằng tiếng Anh. Đây là quyết tâm rất lớn của Bình Phước trong việc tiếp cận và phát triển môn Tiếng Anh trong nhà trường, đồng thời nâng cao hơn nữa ý thức học tập của học sinh dành cho bộ môn được ví như chiếc “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa với thế giới.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/143316/nang-cao-pho-diem-mon-tieng-anh-kho-cung-phai-lam