Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học với giảng viên giáo dục mầm non

Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên giáo dục mầm non được nâng cao rõ rệt sau một số năm triển khai Đề án 33.

Sinh viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương thực tập tại cơ sở giáo dục mầm non.

Thúc đẩy phương pháp giáo dục tiên tiến trong giáo dục mầm non

Trường CĐ Sư phạm Trung ương là cơ sở đào tạo được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ chủ trì 5 nhiệm vụ thuộc Đề án 33 (Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025).

Đã có nhiều chuyển biến trong đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường khi Đề án 33 được triển khai, trong đó có việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.

Theo ThS Nguyễn Thị Luyến, giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương: Điểm khác biệt nổi bật của giảng viên CĐ, ĐH so với giáo viên phổ thông là thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bên cạnh hoạt động giảng dạy.

Đối với các trường đào tạo giáo viên mầm non, nghiên cứu khoa học trước hết là để nâng cao chất lượng giảng dạy, cụ thể là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non.

Các nghiên cứu khoa học của giảng viên có thể phục vụ trước mắt cũng như lâu dài. Dù với mục đích nào thì hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong các nhà trường.

ThS Nguyễn Thị Luyến khẳng định: Đề án 33 đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Trường CĐ Sư phạm Trung ương.

Một số xu hướng nghiên cứu khoa học được các thầy/cô quan tâm nghiên cứu như: Nghiên cứu vận dụng những lý thuyết dạy học tiên tiến nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực; đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực; nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục mầm non cho các nhà trường; nghiên cứu đánh giá thực trạng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động chăm sóc- giáo dục trẻ tại các trường mầm non….

Sự thay đổi này đã tác động trực tiếp đến sinh viên. Các em được thường xuyên cập nhật các kết quả nghiên cứu mới thông qua việc thay đổi, cập nhật mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo ngành Giáo dục Mầm non theo từng năm học.

Cụ thể hơn, các phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori, STEAM, dạy học dự án trong giáo dục mầm non… được thúc đẩy đưa vào chương trình đào tạo với thời lượng phù hợp, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.

Các nghiên cứu về quan sát, đánh giá trẻ theo quá trình, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của trẻ, thiết kế và xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm… cũng được tích cực ứng dụng trong quá trình đào tạo sinh viên, giúp các em có thêm các góc nhìn đa dạng, mở rộng vốn kiến thức, phát triển năng lực nghề nghiệp theo quy định của chuẩn giáo viên mầm non.

Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương.

Hành trang quý cho nghề nghiệp

Cũng là giảng viên khoa Giáo dục Mầm non, Trường CĐ Sư phạm Trung ương, TS Phạm Thị Thu cùng chung nhận định về những chuyển biến tích cực của giảng viên nhà trường trong nghiên cứu khoa học khi triển khai Đề án 33.

Năng lực này được nâng cao qua việc tham gia các khóa tập huấn, học tập; được bồi dưỡng các kỹ năng: Cách thức công bố quốc tế; thiết kế nghiên cứu định lượng; phân tích và xử lý dữ liệu trong một số dạng nghiên cứu điển hình; thực hành xây dựng bảng hỏi; xử lý dữ liệu định lượng..

Cùng với đó là trao đổi chuyên môn, học thuật giữa các cơ sở nghiên cứu đào tạo giáo viên mầm non trong, ngoài nước; góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đang đặt ra đối với giáo dục mầm non Việt Nam; tìm kiếm giải pháp kiến tạo nền giáo dục mầm non chất lượng, sáng tạo vì sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của trẻ em. Đồng thời, trau dồi kỹ năng biên soạn tài liệu đáp ứng với nhu cầu và thực tiễn giáo dục mầm non đương đại.

Bùi Thị Đang, sinh viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương chia sẻ mình may mắn khi được học các phương pháp mầm non tiên tiến do các thầy cô giảng viên trong trường đào tạo.

“Em được tiếp cận với các hoạt động: Tổ chức hoạt động góc văn hóa, góc ngôn ngữ, góc toán, góc cảm giác. Em cũng mong muốn và rất thích vận dụng phương pháp Montessori vào trong việc đào tạo trẻ hiện nay, vì khi trẻ được tiếp xúc và học theo phương pháp này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện trên nhiều khía cạnh”, Bùi Thị Đang bày tỏ.

Vốn ban đầu không lựa chọn ngành Giáo dục Mầm non, nhưng sau một thời gian học tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương, sinh viên Nguyễn Thị Hương cho biết tình yêu nghề với mình ngày càng được bồi đắp.

Tham gia nghiên cứu khoa học, nữ sinh viên chia sẻ, điều mình nhận được không chỉ là khóa luận, hay điểm số nhưng mà là những kiến thức, trải nghiệm quý để hỗ trợ cho công việc trong tương lai. Đặc biệt, nghiên cứu khoa học giúp rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại trong đọc, tìm hiểu nhiều tài liệu liên quan đến đề tài. Những phẩm chất, kiến thức đó là hành trang quý cho nghề nghiệp sau này.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-nang-luc-nghien-cuu-khoa-hoc-voi-giang-vien-giao-duc-mam-non-post659439.html