Nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho nạn nhân của bạo lực gia đình

(BVPL) - Theo quy định, trợ giúp pháp lý (TGPL) được áp dụng cho phụ nữ là một trong những nhóm sau: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân bị buôn bán, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Việc sửa đổi Luật TGPL được cho là cơ hội để mở rộng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực giới.

Bao lực gia đình: Dai dẳng, bế tắc

Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) được ghi nhận giảm 60% (trên 50 nghìn vụ năm 2010 xuống còn dưới 20 nghìn vụ năm 2015). Kết quả quá khả quan nếu không tính đến những vụ tra tấn, đoạt mạng người thân ngày càng tàn độc và dày đặc được phản ánh trên truyền thông. Báo cáo của các tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra cứ 2-3 ngày ở Việt Nam lại có 1 người bị giết liên quan đến BLGĐ, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em. Từ đó đến nay, tình hình tiếp tục diễn biến xấu. Riêng năm 2015, có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị giết hại do người thân “ra tay”. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2016 đã có hơn 20 phụ nữ, trẻ em thiệt mạng do BLGĐ. Chỉ trong tháng 6 và tháng 7/2016, các vụ án lấy mạng người thân tiếp tục dồn dập với tính tàn độc, sự kinh hoàng ngày càng tăng về cấp độ và chưa có bất kỳ dấu hiệu dừng lại.

Phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Số liệu điều tra gần đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị đánh, bị cưỡng bức về tình dục hay từng phải chịu các hình thức lạm dụng khác. Tỷ lệ phụ nữ chịu bạo lực tinh thần lên tới 53,6%, sau đó là bạo lực thể xác 31,5%. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường sự tiếp cận pháp lý của phụ nữ, đặc biệt là TGPL miễn phí cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Trong bối cảnh này, việc sửa đổi Luật TGPL đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết những lỗ hổng trong khung luật pháp về TGPL, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam.

BLGĐ khủng khiếp hơn bạo lực thông thường bởi nỗi đau mà nó để lại dai dẳng, bế tắc, trải dài hơn cả một đời người, một thế hệ, đẩy nhiều con trẻ vào tệ nạn xã hội. Ra tay cướp mạng sống của người thân có thể là hậu quả của sự “cả giận mất khôn” trong giây phút, nhưng nhiều khi là hệ quả của những hành vi bạo lực đã lặp lại nhiều lần, đã được cảnh báo, được kêu cứu.

Nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ

Quy định pháp luật hiện hành đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết TGPL, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ. Kể từ khi thành lập, Cục TGPL và các Trung tâm TGPL trên toàn quốc luôn xác định phụ nữ là đối tượng cần được quan tâm trong công tác TGPL, đặc biệt phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ và nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ. Theo đó, ngoài tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn bằng văn bản hoặc qua điện thoại, các Trung tâm TGPL còn phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức TGPL lưu động cho chị em phụ nữ tại nơi cư trú.

Tuy nhiên, khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam vẫn có những “lỗ hổng” cần phải được sửa đổi, hoàn thiện. Pháp luật chưa quy định phụ nữ nói chung được hưởng TGPL, chưa quy định mô hình TGPL cho phụ nữ cũng như chưa có trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới, đặc biệt là cung cấp giấy tờ chứng minh. Thực tế, nhiều phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ vẫn chưa biết về quyền được TGPL hoặc còn e ngại khi tiếp cận với TGPL. Không phải chị em nào cũng sẵn sàng lên tiếng bởi những suy nghĩ cam chịu… đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Người thực hiện trợ giúp tại nhiều Trung tâm TGPL lại chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới.

Trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới không được hưởng hoặc hưởng không đáng kể thu nhập của gia đình, có thể dựa trên thu nhập của cá nhân họ để xác định diện hưởng TGPL. Các hoạt động TGPL cần phải được xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này, tập huấn, đào tạo trợ giúp viên pháp lý về nhạy cảm giới và trách nhiệm giới..

Minh Triết

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/suc-khoe-doi-song/phap-luat-gioi-tinh/201610/du-thao-luat-tro-giup-phap-ly-sua-doi-nang-cao-kha-nang-tiep-can-phap-ly-cho-nan-nhan-cua-bao-luc-gia-dinh-2518958/