Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay

(Tạp chí Tài chính Điện tử số 95 ngày 15/5/2011) - Năm 2010 kinh tế thế giới cơ bản đã vượt qua khủng hoảng nhưng lại đặt hồi chuông cảnh báo về tình trạng vay nợ không an toàn ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là vấn đề nợ của Hy Lạp và Ailen. Trong nước, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu phát triển kinh tế đòi hỏi nhu cầu vốn cao, Việt Nam đã thực hiện chính sách vay nợ tích cực trong thời gian qua gây ra những quan ngại về tình hình nợ công.

Tuy nhiên kinh tế trong nước năm 2010 tăng trưởng quý sau đều cao hơn quý trước (so với cùng kỳ năm 2009, GDP quý I/2010 chỉ tăng 5,84% thì đến quý II/2010 lên 6,44%, quý III/2010 là 7,18% và quý IV/2010 là 7,34%) đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm ước đạt 6,78%, cao hơn mục tiêu đề ra là 6,5%.

Trong năm 2010, để quản lý và kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia được an toàn và bền vững, công tác quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực trên một số mặt:

Một là, hệ thống văn bản pháp lý về quản lý nợ công ngày càng được hoàn thiện, công tác quản lý nợ đã có sự cải tiến.

Luật quản lý nợ công (theo quy định tại khoản 1, điều 1 của Luật quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) ra đời và có hiệu lực từ 01/01/2010 đánh dấu bước tiến mới trong công tác quản lý nợ công, tạo ra khung pháp lý có hiệu lực cao và thống nhất các quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý nợ công. Trên cơ sở Luật quản lý nợ công, nhiều văn bản pháp lý mới được xây dựng, hoàn thiện và được ban hành trong năm 2010. Trong đó nổi bật lên là Nghị định 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ 30/8/2010 quy định quản lý nợ công được thực hiện thông qua 4 công cụ: (i) Chiến lược dài hạn về nợ công; (ii) Chương trình quản lý nợ trung hạn; (iii) Kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ; (iv) Các chỉ tiêu an toàn và giám sát nợ công. Trong quản lý nợ nước ngoài của Việt Nam đã từng bước tiếp cận gần với các thông lệ tốt trên thế giới. Đối với quản lý nợ trong nước, đã và đang tổ chức tốt công tác phát hành trái phiếu, tạo hàng hóa cho sự phát triển thị trường vốn. Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã bước đầu thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Hai là, các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Tổng số dư nợ công tính đến cuối năm 2010 tương đương 56,7% GDP. Trong đó, dư nợ của Chính phủ chiếm 44,5% GDP, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,6% GDP và dư nợ của chính quyền địa phương chiếm 0,6% GDP.

Hình 1: Mức dư nợ công và tỷ lệ nợ công so với GDP danh nghĩa. Nguồn: Số liệu Bộ Tài chính.

Đối với nợ nước ngoài của quốc gia, tổng số dư nợ nước ngoài của quốc gia tính đến cuối năm 2010 bằng 42,2% GDP, trong đó nợ của Chính phủ chiếm 59% và nợ của doanh nghiệp chiếm 41%.

So sánh các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2001 – 2010 (thời kỳ trước khi có Luật quản lý nợ công, ở nước ta chưa sử dụng khái niệm ‘nợ công’ mà chỉ sử dụng khái niệm ‘nợ Chính phủ’ và ‘nợ nước ngoài của quốc gia’. Theo đó Chiến lược nợ đến năm 2010 và Quyết định 211/2004/QĐ-TTg ngày 14/12/2004 phê duyệt Định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010 quy định chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP) nhìn chung đều đảm bảo các ngưỡng quy định. Nếu so với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm thì chỉ số nợ công của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình. Do vậy, Việt Nam được đánh giá là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

Ba là, cơ cấu nợ công đã hợp lý hơn.

Trong cơ cấu nợ công, nợ của Chính phủ chiếm tỷ trọng cao nhưng có xu hướng giảm dần (từ 96% tổng số dư nợ công năm 2001 xuống còn 78,4% năm 2010), nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng tăng lên (từ 4% tổng số dư nợ công năm 2001 lên 20,5% năm 2010). Nợ của chính quyền địa phương còn ở mức thấp và chiếm tỷ trọng nhỏ. Việc vay nợ của chính quyền địa phương chủ yếu là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 2: Cơ cấu dư nợ công giai đoạn 2005-2010 (%). Nguồn: Bộ Tài chính

Trong dư nợ của Chính phủ, tỷ trọng nợ nước ngoài có xu hướng giảm (từ 82% năm 2001 xuống 56% năm 2010), nợ trong nước tăng lên (từ 18% năm 2001 lên 44% năm 2010). Cơ cấu dư nợ của Chính phủ đã có những bước chuyển biến tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào vay nợ nước ngoài, tăng tỷ lệ nợ trong nước, khuyến khích tiết kiệm và đầu tư trong nước nhiều hơn. Xét về thời hạn, nợ trung và dài hạn chiếm tỷ trọng cao khoảng 97%, nợ ngắn hạn chiếm 3% trong tổng số dư nợ Chính phủ.

Trong dư nợ nước ngoài của Chính phủ, khoản vay ODA chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là vay thương mại rồi đến vay ưu đãi. Nếu phân theo loại tiền vay thì vay bằng đồng yên của Nhật Bản (JPY) chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là đồng SDR, đồng đôla Mỹ (USD) đứng thứ ba, đồng Euro (EUR) đứng thứ tư, còn lại là các đồng tiền khác.

Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ phần lớn là các khoản vay có thời gian dài, khoảng từ 20-30 năm, thời gian ân hạn từ 5-10 năm, lãi suất khoảng từ 0,75% -2,5%/năm (khoản vay của Ngân hàng thế giới (WB) có thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, mức lãi suất là 0,75%/năm; khoản vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm; các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và mức lãi suất từ 1-2%/năm). Lãi suất bình quân các khoản vay trung và dài hạn nước ngoài của Chính phủ là 1,9%/năm. Kỳ hạn vay bình quân gia quyền của các khoản vay của Chính phủ khoảng 11 năm, trong đó kỳ hạn vay nước ngoài bình quân khoảng 26,6 năm, vay trong nước bình quân là 4,9 năm (báo cáo tổng kết cơ quan Bộ Tài chính năm 2010). Với thời gian vay và mức lãi suất hiện tại không gây sức ép cho NSNN về nghĩa vụ trả lãi đến hạn.

Đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh, bảo lãnh vay trong nước chiếm 59% tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh, bảo lãnh vay nước ngoài chiếm 41% tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ của chính quyền địa phương chủ yếu là vay nợ cho đầu tư xây dựng cơ bản theo khoản 3, điều 8 của Luật NSNN. Mức dư nợ của chính quyền địa phương hiện nằm trong giới hạn quy định của Luật NSNN. Nhìn chung, so với nhiều nước thì việc vay nợ của chính quyền địa phương ở nước ta là khá thấp. Điều này góp phần đảm bảo an toàn cho NSNN, không làm gia tăng quá mức gánh nặng nợ công.

Trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả vay và sử dụng vốn vay của chíih phủ, công tác quản lý nợ công cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ, quản lý thống nhất giữa nợ trong nước và nợ ngoài nước. Thực hiện đổi mới quy trình huy động vốn với các kế hoạch huy động cụ thể, rõ ràng và minh bạch, xóa bỏ quy định trần lãi suất trong huy động vốn, tiến tới xác định lãi suất huy động trên cơ sở xác định đường cong lợi tức.

Thứ hai, xác định và đảm bảo duy trì giới hạn nợ ở mức an toàn, bền vữngthông qua việc xây dựng và thực hiện Chiến lược quản lý nợ, trong đó nêu rõ mục đích, công cụ và phạm vi hoạt động… Chiến lược này sẽ là khuôn khổ, căn cứ để đơn vị quản lý nợ hoạt động. Trong chiến lược quản lý nợ cần xác định nhu cầu và khả năng huy động vốn trong các phương án huy động, xác định các chỉ tiêu an toàn nợ và có định hướng quản lý, sử dụng vốn vay một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi Chiến lược quản lý nợ công toàn diện và có chất lượng để đảm bảo tính bền vững của nợ công, không để nợ công trở thành gánh nặng cho tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB về các ngưỡng nợ an toàn để từ đó đưa ra các ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu như giá trị hiện tại của nợ công so với GDP; giá trị hiện tại của nợ chính phủ so với GDP; giá trị hiện tại của nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP; trả nợ chính phủ so với tổng số thu NSNN; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với xuất khẩu.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay

Huy động vốn vay phải căn cứ nhu cầu vốn cần huy động cho nền kinh tế. Tranh thủ nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, tiếp tục hài hòa hóa thủ tục vay nợ, viện trợ; chủ động huy động nguồn vốn vay kém ưu đãi một cách có lựa chọn, hạn chế việc Chính phủ vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh cho các doanh nghiệp.

Phát triển thị trường vốn trong nước để tăng khả năng huy động bằng đồng Việt Nam; đặc biệt là phát triển cơ sở các nhà đầu tư, đa dạng hóa kỳ hạn, nâng cao tính thanh khoản để TPCP trở thành đường cong lãi suất chuẩn cho các công cụ nợ. Nâng cao định mức tín nhiệm quốc gia, tạo vị thế cao hơn của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro

Tăng cường thực hiện giám sát việc huy động vốn, bảo lãnh chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia. Giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu nợ, dự báo, phân tích, đánh giá và đưa ra cảnh báo mức độ rủi ro đối với danh mục nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Chú trọng công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ, bao gồm rủi ro về đồng tiền vay, lãi suất, tỷ giá, khả năng thanh toán, tín dụng và hoạt động để hạn chế tới mức thấp nhất chi phí vay và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Thứ năm, áp dụng cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Thực hiện công khai thông tin chi tiết (bao gồm số liệu và giải trình) về tình hình vay, trả nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia, của các chính quyền địa phương.

(ThS. Lê Thị Mai Liên,Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/nang-cao-hieu-qua-huy-dong-va-su-dung-von-vay/201110/117796.dfis