Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp

Năm 2017, HTX nông nghiệp Thọ Chung, xã Thọ Nguyên (nay là xã Xuân Hồng), huyện Thọ Xuân được thành lập với mục tiêu sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau khi thành lập, năm 2019, HTX này đã phải dừng hoạt động. Theo bà Lương Thủy Chung, từng là người đại diện pháp lý của HTX, cho biết: Nguyên nhân là bởi khả năng liên kết, kết nối, chuyển giao quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ của HTX với các hộ sản xuất kém, nên không xây dựng được vùng nguyên liệu.

Cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp xã Công Liêm (Nông Cống) hướng dẫn xã viên phát triển mô hình trồng riềng trên đất đồi dốc.

HTX nông nghiệp Thọ Chung chỉ là một trong số nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải dừng hoạt động. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, toàn tỉnh đã có 53 HTX nông nghiệp dừng hoạt động. Trong đó, có 6 HTX đã thực hiện giải thể xong, 4 HTX hoàn thiện xong hồ sơ giải thể đang chờ công bố quyết định, 12 HTX đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ giải thể, các HTX còn lại hiện đang gặp khó khăn trong công tác giải thể.

Nguyên nhân chính khiến các HTX nông nghiệp dừng hoạt động là bởi quá trình hoạt động không phát huy được hiệu quả hoặc gặp khó khăn, bất cập trong việc quản lý, duy trì hoạt động của HTX. Ngoài các HTX đã dừng hoạt động, hiện nay, có không ít HTX nông nghiệp có hiệu quả hoạt động thấp, quy mô hoạt động và năng lực yếu, cơ sở vật chất của nhiều HTX nghèo nàn, lạc hậu; trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức quản lý và sản xuất ở một số HTX chưa chặt chẽ, còn lúng túng trong định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh sản phẩm của HTX chưa cao. Tính liên kết, hợp tác kinh doanh nhằm tham gia chuỗi giá trị giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế có thương hiệu, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa gắn kết trong kinh doanh, nhất là từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cho từng nhóm HTX. Đối với nhóm HTX hoạt động chưa hiệu quả, các địa phương, đơn vị đang tiến hành rà soát tình hình hoạt động và những khó khăn, vướng mắc của các HTX nông nghiệp trung bình, yếu; từ đó có các biện pháp cụ thể giúp các HTX nâng cao chất lượng hoạt động. Hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa; đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý HTX và thành viên. Các doanh nghiệp liên kết với HTX để đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ để HTX vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tổ chức sản xuất. Đối với nhóm HTX đang hoạt động có hiệu quả, hướng dẫn và hỗ trợ các HTX rà soát, nâng cao chất lượng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Quan tâm hỗ trợ xây dựng các mô hình sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cua-htx-nong-nghiep/154775.htm