Nâng cao giá trị, tính đặc trưng của sản phẩm OCOP

Sáng 8.3, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu về những điểm mới của Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (Quyết định số 1048/QĐ-TTg), đến nay, cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP (trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao) của 4.479 chủ thể OCOP (trong đó có 38,1% là HTX, 25,7% là doanh nghiệp, 33,4% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác) được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

Toàn cảnh buổi họp

Chương trình OCOP được triển khai đồng bộ, đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả địa phương.

Chương trình đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020, còn nhiều hạn chế như: Một số tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần quan tâm, đề cập gắn với định hướng, tiếp cận của sản phẩm OCOP. Cơ cấu điểm của một số tiêu chí chưa phù hợp với định hướng và yêu cầu của Chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng và phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn... Do đó, ngày 24.2.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Đào Đức Huấn cho biết, một số điểm mới của Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, việc xây dựng Bộ tiêu chí OCOP được thực hiện trên nguyên tắc kế thừa tối đa Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018-2020 đã được ban hành; chỉ điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương...

Cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP được giữ nguyên cấu trúc của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 3 phần: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần, thành 40-25-35. Cụ thể, sản phẩm và sức mạnh cộng đồng: 40 điểm; khả năng tiếp thị: 25 điểm; chất lượng sản phẩm: 35 điểm (cơ cấu theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg là 35-25-40).

Việc điều chỉnh cơ cấu điểm nhằm bảo đảm phù hợp định hướng tiếp cận và yêu cầu triển khai của Chương trình OCOP, theo đó nâng cao vai trò và giá trị cộng đồng (vùng nguyên liệu địa phương, sử dụng lao động địa phương); nâng cao giá trị, tính đặc trưng của sản phẩm thông qua câu chuyện sản phẩm; nâng cao yêu cầu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn và giảm bớt các chỉ tiêu đánh giá chất lượng cảm quan...

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nang-cao-gia-tri-tinh-dac-trung-cua-san-pham-ocop-i318274/