Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan báo chí

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm 'Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân' đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, tác phẩm báo chí quan trọng cuối cùng của Bác vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời đại, có giá trị đặc biệt quan trọng đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) đọc lại bài viết thể hiện trí tuệ uyên thâm, tầm nhìn chiến lược cùng tình cảm sâu nặng, cao đẹp của vị lãnh tụ cách mạng, người thầy vỹ đại, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo hôm nay càng thêm quyết tâm, nỗ lực rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng…

Cán bộ, hội viên Chi hội Nhà báo Báo Phú Thọ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia “Địa điểm thành lập Hội Nhà Báo Việt Nam” (xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Lê Hoàng

Thiết thực kỷ niệm 132 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới đây, ngày 12/5, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân Dân tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Mấu chốt của xây dựng Đảng về đạo đức là ở thực hành đạo đức cách mạng, “nói đi đôi với làm”, “thi hành một nền chính trị liêm khiết”. Để có một nền chính trị liêm khiết thì cái “gốc” vẫn là giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức “tư cách của người cách mạng”, nhất là “ít lòng ham muốn về vật chất”, “xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng”… Cũng tại Hội thảo, Nhà báo Hà Đăng- nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có tham luận “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan báo chí”. Trong đó phân tích kỹ những luận điểm của Bác về rèn luyện đạo đức cách mạng, nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với báo chí; nhiệm vụ của cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân… Qua đó để thấy ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ những người làm báo, cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Trước hết, cần phải khẳng định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là một bộ phận hữu cơ trong đạo đức của người làm báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết báo từ năm 1919. Người trở thành một cây bút sắc bén của các tờ báo: Nhân đạo, Đời sống công nhân, Dân chúng, Tạp chí Cộng sản... Ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập ra Báo Thanh Niên - tờ báo Cách mạng Việt Nam đầu tiên ở Việt Nam do chính Người chỉ đạo. Đối với Người, làm báo chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. Luôn nhất quán quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác viết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Tại Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Bác chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Điều đó nghĩa: Đạo đức số một của người làm báo là phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng chứ không phải làm báo là để “lưu danh thiên cổ”, “muốn viết bài cho oai”, “muốn đăng bài mình lên các báo lớn”…

Lãnh đạo Báo Phú Thọ thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Ngân ở xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba. Ảnh: Tú Anh

Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua, báo chí cách mạng của ta nói chung, và đội ngũ những người làm báo nói riêng, đã không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí, phát huy tốt vị trí, vai trò và tác dụng của báo chí, có những đóng góp to lớn đối với đất nước; thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Chủ động, tích cực tự đổi mới để thích ứng và phát triển, những năm gần đây, báo chí đã đạt được những bước tiến lớn về quy mô, về chất lượng, trong đó, chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và chất lượng kỹ thuật - nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Xét về phương diện đạo đức nghề báo, nhìn chung, đa số các cơ quan báo chí, các nhà báo đã thể hiện được lòng trung thành với lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội; có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo yêu nghề, gắn bó với cơ sở, với nhân dân, với công chúng báo chí, có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị - xã hội cao… Những đóng góp đó của báo chí đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; tạo động lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Cùng với báo chí cả nước, những năm qua, đội ngũ những người làm báo Đất Tổ đã thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ hiện có 319 hội viên, nhà báo sinh hoạt tại 6 chi hội gồm: Chi hội Báo Phú Thọ; Chi hội Đài PT-TH tỉnh; Chi hội Tạp chí VN Đất Tổ, Chi hội Thường trú và Tổng hợp; Chi hội Báo quân khu 2; Chi hội Sở Thông tin, Truyền thông và Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi. Nhiều năm nay, các nhà báo, hội viên và những người làm báo Phú Thọ luôn nêu cao phẩm chất đạo đức báo chí cách mạng, có lập trường quan điểm chính trị vững vàng, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Không có trường hợp vi phạm phải nhắc nhở, xử lý...

Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm, những mặt tích cực là cơ bản, mang tính chủ đạo thì trong thực tiễn hoạt động báo chí ở nước ta cũng đã và đang xuất hiện, tồn tại nhiều khuyết điểm, yếu kém rất đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Như đánh giá của đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (ngày 31/12/2021): “Không ít cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, còn để lọt thông tin thiếu nhạy bén chính trị, thông tin thiếu chính xác, giật gân, câu khách; nhiều cán bộ, phóng viên còn non kém về nhận thức và thiếu bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu tỉnh táo. Đáng chú ý là tình trạng một số cơ quan báo chí, cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên sa sút tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, thấy cái đúng không mạnh dạn bảo vệ, thấy cái sai không dám đấu tranh lên án, phê phán, thậm chí còn lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực; chưa chú trọng phát hiện, ngại tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước…”; “...Một số cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí đã được tăng cường, nhưng còn có trường hợp chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa có những chế tài thích đáng, đủ mạnh để khắc phục…”.

Trong bối cảnh báo chí nước ta đang phát triển mạnh mẽ nhưng kèm theo đó, đạo đức nghề báo lại đang có những biểu hiện xuống cấp đáng lo ngại, vấn đề đặt ra hiện nay là những người làm báo, các cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa việc nỗ lực rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trên cơ sở nắm vững và thực hiện nghiêm những nguyên tắc cơ bản của báo chí cách mạng Việt Nam và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hoạt động thực tiễn trong nhiều thập kỷ qua đã và đang giúp các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn về vai trò của báo chí trong tuyên truyền, giáo dục, vận động và thực hành nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là nội dung quan trọng hàng đầu. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi nhà báo cần có lập trường kiên định vững vàng trong mọi điều kiện; trước hết là ý thức và bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng. Đó là ý thức về lập trường chính trị cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; kiên quyết chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Người làm báo chân chính phải luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên lợi ích của bản thân; luôn gần gũi, sâu sát với đời sống của nhân dân để tác phẩm làm ra hướng tới nhân dân, phản ánh được đúng đắn những tâm tư, tình cảm, nhu cầu, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, thường xuyên học tập, trau dồi để nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, chuyên môn và văn hóa, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của nhân dân.

Vũ Xuân Chường

Ủy viên BCH Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/nang-cao-dao-duc-cach-mang-quet-sach-chu-nghia-ca-nhan-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-trong-cac-co-quan-bao-chi/184945.htm