Nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề

Cần nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề hơn nữa. Ảnh: Internet

Hiện nay, cả nước có 367 trường Cao đẳng và trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở dạy nghề khác. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhu cầu về nhân lực cũng như giáo viên dạy nghề cũng tăng theo. Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng, đến năm 2015 nếu không cung cấp đủ số lượng giáo viên dạy nghề các cấp theo tiêu chuẩn quy định thì nước ta sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu lớn đề ra là đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 2 vạn giáo viên dạy nghề đạt chuẩn. Ông Cao Văn Sâm-Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định: “Ngành dạy nghề đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn để góp phần đưa nước ta chuyển dịch từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 là tạo sự đột phá về chất lượng theo hướng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kiến thức, năng lực thực hành nghề, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và tác phong công nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu lao động. Trong đó, cần tiếp tục tăng quy mô đào tạo nghề để đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%, gắn kết giữa dạy nghề với doanh nghiệp, đảm bảo về cơ cấu trình độ đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn phục vụ công cuộc CNH-HĐH đất nước…”. Song, để tạo dựng được thương hiệu, chất lượng cho các trường dạy nghề thì một trong những việc làm đầu tiên là cần phải chọn được đội ngũ giáo viên có chất lượng. Trình độ của giáo viên nghề không chỉ ở chuyên môn mà còn phải am hiểu cả về tin học, ngoại ngữ… Có như vậy mới thu hút được lượng sinh viên đến trường đăng ký học. Đã có một số trường dạy nghề đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy nghề. Ví dụ, đầu tháng 4-2009, tại Trường Cao đẳng Nghề Lilama 2 của Bộ Xây dựng (huyện Long Thành, Đồng Nai), Tổng cục Dạy nghề đã mở lớp học thí điểm đầu tiên trong cả nước về chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề theo tiêu chuẩn quốc tế cho 30 học viên là các giảng viên đang giảng dạy ở hai lĩnh vực hàn và ống công nghệ đến từ 18 trường cao đẳng nghề trong cả nước. Đây là hai ngành nghề đầu tiên được chọn để đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên dạy nghề theo chuẩn quốc tế. Theo đó, trong thời gian hơn 2 tháng, học viên sẽ được cung cấp các kỹ năng, kiến thức cần thiết về hội nhập quốc tế, tác phong công nghiệp, văn hóa nghề nghiệp và tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại. Toàn bộ giảng viên và giáo trình đào tạo bồi dưỡng do Hội đồng Nghề của Vương quốc Anh cung cấp. Sau đào tạo, học viên được cấp bằng sư phạm nghề quốc tế bậc 2 của Anh (đã được hơn 100 quốc gia công nhận). Được sự quan tâm của các cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo các trung tâm, cơ sở dạy nghề, chất lượng giáo viên dạy nghề đã có những bước tiến triển đáng mừng. Chính vì vậy, tại các cuộc thi tay nghề ASEAN, đoàn Việt Nam luôn giành được thứ hạng cao, điều đó đã khẳng định chất lượng đào tạo của giáo viên dạy nghề Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Cô Vũ Thị Thu Hiền, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Trung cấp Nghề số 10 tâm sự: “Tôi thực sự vui mừng vì vị trí của giáo viên dạy nghề đã được coi trọng hơn trước rất nhiều. Tâm lý của người Việt Nam rất coi trọng bằng cấp, họ nghĩ tới nghề chỉ như một sự cứu cánh khi không còn đường nào khác mới phải đi học nghề. Nhưng giờ đây, khi đất nước đang trong công cuộc CNH-HĐH, học nghề đã được coi trọng hơn và giảng viên dạy nghề đã có vị trí tương xứng như đối với các giảng viên trường đại học, cao đẳng khác. Trên cương vị của một nhà giáo, đặc biệt hơn là một giảng viên của trường nghề trong quân đội, không gì vui mừng hơn khi công việc của mình được xã hội ghi nhận và được các em học viên quý mến, trân trọng”. Nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề là nhu cầu cấp thiết. Hiện nay, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, thì đội ngũ giáo viên các trường nghề trong cả nước phải đẩy mạnh việc tự học tập trau dồi kiến thức, rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo được sự tin cậy của các học viên. Đây chính là chìa khóa để cho hoạt động dạy nghề ở nước ta phát triển bền vững. THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/95194/Default.aspx