Nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên

Sau hơn 3 năm tái lập, Trung tâm GDTX các huyện và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục văn hóa và hướng nghiệp cho học viên.

Giáo viên Trường trung tâm GDTX Thuận Châu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở chỉ đạo các trung tâm tập trung nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn đại trà cho 100% số cán bộ, giáo viên thực hiện chương trình GDTX cấp THPT. Tập huấn giáo viên cốt cán về hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá học viên chương trình GDTX; nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục và sử dụng sách giáo khoa mới.

Hiện nay, các trường trung tâm GDTX có 229 phòng học, trong đó 91% số phòng học kiên cố, bán kiên cố. Các phòng thí nghiệm, phòng thư viện, phòng máy tính được đầu tư trang bị, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với học các môn văn hóa, từ năm học 2019-2020, chương trình GDTX cấp THCS sẽ có 4 môn học bắt buộc và 4 môn học tự chọn. Còn đối với cấp THPT sẽ dạy các môn học bắt buộc là ngữ văn, toán, lịch sử và học sinh sẽ lựa chọn 4 môn học thuộc thuộc các môn: Địa lý, vật lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, hóa học, sinh học, công nghệ và tin học. Ngoài ra, có hoạt động bắt buộc trải nghiệm, hướng nghiệp; hoạt động giáo dục tự chọn nội dung giáo dục địa phương.

Dạy nghề chăm sóc sắc đẹp cho các học viên tại Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội đào tạo.

Nâng cao chất lượng giáo dục, các trung tâm GDTX trong tỉnh đã đổi mới chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù; chủ động bố trí thời gian thực hiện các chương trình giáo dục bảo đảm tính khoa học, sư phạm. Hiện nay, các trung tâm GDTX trong toàn tỉnh có 104 cán bộ, giáo viên, cơ bản đạt yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo quản lý, giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều trung tâm GDTX còn thiếu giáo viên giảng dạy. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tăng cường hợp đồng, biệt phái 53 giáo viên từ các trường THPT trên địa bàn để dạy tại các trung tâm GDTX. Tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch bồi dưỡng, tuyển mới giáo viên, đáp ứng thực hiện chương trình mới.

Với nhiều biện pháp chỉ đạo, chất lượng dạy và học ở các trung tâm GDTX ngày càng được nâng lên. Riêng năm học 2022-2023, toàn tỉnh có trên 5.600 học viên, trong đó, bậc THCS có 100% số học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên. Bậc THPT đạt học lực khá, giỏi đạt trên 38,3%; hạnh kiểm khá, tốt đạt 98%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 98,7%; năm 2023 đạt 99,9%.

Dạy nghề nấu ăn cho các học viên tại Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội đào tạo.

Cùng với dạy văn hóa, các trường trung tâm GDTX còn làm tốt công tác liên kết, đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho các học viên. Năm học 2022-2023, các trường trung tâm GDTX đã liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp mở 66 lớp dạy nghề, với 2.434 học viên, như: Chế biến món ăn, may công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử... Liên kết đào tạo 6 lớp trình độ đại học, cao đẳng, cho 194 học viên. Liên kết bồi dưỡng 15 lớp ngắn hạn và bồi dưỡng tiếng dân tộc cho 638 học viên.

Thăm lớp chăm sóc sắc đẹp tại Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội đào tạo, các học viên được giáo viên dạy tỉ mỉ việc vẽ móng nghệ thuật; chăm sóc da, tạo kiểu tóc; trang điểm nghệ thuật, phun thêu thẩm mỹ, nối mi. Em Vì Hương Giang, chia sẻ: Nhà em ở Bắc Yên. Sau khi tốt nghiệp THCS, được thầy, cô tư vấn, động viên, em chọn vừa học văn hóa vừa học nghề. Việc học song hành này giúp chúng em khi ra trường có 2 bằng tốt nghiệp. Em chọn nghề chăm sóc sắc đẹp, bởi học xong dễ kiếm việc làm. Sau khi tốt nghiệp em sẽ đi làm tại một spa để học hỏi kinh nghiệm và tích cóp vốn rồi mở của hàng riêng.

Dạy nghề nấu ăn cho các học viên tại Trung tâm GDTX tỉnh liên kết với Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội đào tạo.

Hiện nay, Trung tâm GDTX tỉnh có 37 cán bộ quản lý, giáo viên, với 26 lớp, hơn 1.000 học viên. Trong đào tạo văn hóa, Trung tâm thành lập các tổ tuyển sinh, tuyên truyền, tư vấn học các ngành, nghề cho học viên. Các tổ, nhóm chuyên môn đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn sát với nhiệm vụ mà giáo viên thực hiện, tiếp cận được với xu thế chung của đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Năm học 2022-2023, tỷ lệ học lực khá, giỏi bậc THPT của nhà trường đạt 21%; hạnh kiểm khá, tốt đạt 95%; 100% số học viên đỗ tốt nghiệp THPT.

Tại Trung tâm GDTX huyện Thuận Châu, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động để tuyển sinh phù hợp. Ông Phạm Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm có 409 học viên, với 10 lớp bậc THPT, trong đó 100% số học viên vừa học văn hóa vừa học nghề. Hầu hết giáo viên điều động về đều là giáo viên cũ của trung tâm nên nắm rõ chức năng nhiệm vụ, thuận lợi trong công tác điều hành và giảng dạy. Năm học 2022-2023, nhà trường được đầu tư 3,5 tỷ đồng tu sửa cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, hiện nay trường đang thiếu giáo viên bộ môn Toán và Ngữ văn, nên nhờ sự hỗ trợ của 2 giáo viên từ Trường THPT Tông Lệnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, giáo viên tại các trung GDTX trong tỉnh đã nỗ lực triển khai theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng, gắn việc giáo dục văn hóa với dạy nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập, đảm bảo việc học tập suốt đời cho mọi đối tượng, đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/nang-cao-chat-luong-giao-duc-thuong-xuyen-ifkBsLcSR.html