Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Công Thương theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục ngành Công Thương luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, những năm qua, các cơ sở giáo dục của ngành Công Thương đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều thành tích nổi bật trong những năm học gần đây

Cụ thể, các cơ sở giáo dục của Bộ Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về giáo dục và đào tạo; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhờ vậy, năm học vừa qua, các cơ sở đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Với Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, năm học 2022-2023, nhà trường đã hoàn thành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục lần 2, tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng 5 chương trình đào tạo để đảm bảo 100% chương trình đào tạo của Nhà trường được kiểm định chất lượng.

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: uneti.edu.vn

Chất lượng đào tạo có những cải thiện rõ rệt, năm 2023, trong bảng xếp hạng 100 Trường đại học tốt nhất Việt Nam dựa trên đánh giá của VNUR, Trường đã vươn lên vị trí 45.

Năm 2023, Nhà trường đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định khai trương điểm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặt tại UNETI; đạt thành tích 2 giải ba cuộc thi Robocon toàn quốc; tham dự TechFest 2023...

Ngoài ra, trong công tác tuyển sinh, từ năm 2020-2023, Nhà trường đều thực hiện vượt mục tiêu đề ra và điểm đầu vào ngày càng tăng cao. Đặc biệt năm 2022, Nhà trường đã tuyển đạt chỉ tiêu 101% với gần 5.000 (4917) sinh viên, năm 2023 căn cứ chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo Nhà trường tuyển sinh đạt gần 6.000 (5.772) sinh viên.

Bên cạnh đó, quy mô đào tạo ngày càng tăng sau mỗi năm học, bậc đại học có thêm các hệ chất lượng bên cạnh hệ tiêu chuẩn và số lượng thạc sĩ cũng tăng lên mỗi năm. Đồng thời, nhà trường xây dựng các ngành mới, xây dựng chương trình đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo Thạc sĩ và Đại học.

Nhà trường đã bổ sung thiết bị (máy tính, ti vi), triển khai hệ thống mạng internet tới toàn bộ các phòng học, khu vực hành lang để giúp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp giảng dạy.

Về công tác Thư viện và phát triển học liệu, trong những năm học qua Nhà trường đã đầu tư xây dựng Thư viện tại các cơ sở học tập của Trường, trang bị hệ thống máy chủ, website, fanpage, email, các cơ sở dữ liệu của Thư viện, các thông tin được cập nhật thường xuyên tại các hệ thống kênh thông tin điện tử của thư viện...

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên, Nhà trường cũng chú trọng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia bên ngoài. Kết quả cho thấy, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng, công bố nhiều bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus uy tín. Sự kết hợp này bước đầu đã tạo ra sức mạnh chung về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Nhà trường.

Đối với Trường Đại học Điện lực, Nhà trường đã thực hiện công tác tuyển sinh các bậc, hệ đào tạo theo đúng lịch trình, đảm bảo công bằng, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Cụ thể, tuyển sinh hệ đại học chính quy được thực hiện theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thông qua kết quả học tập THPT. Kết quả tuyển sinh đại học chính quy năm học 2022-2023 vượt chỉ tiêu (3.632/3.330); kết quả tuyển sinh năm học 2023 – 2024 đạt 110% so với chỉ tiêu (3618/3290).

Kết quả tuyển sinh sau đại học năm học 2022 - 2023: tiến sỹ đạt 22,5% so với chỉ tiêu (09/40), thạc sỹ đạt 15,01% so với chỉ tiêu (73/485) tăng so với năm học 2021 - 2022.

Quy mô đào tạo năm học 2022-2023 là 15.603 sinh viên chính quy, tới năm học 2023 - 2024 là 15.620 sinh viên chính quy. Từ năm học 2022 – 2023 không còn sinh viên hệ cao đẳng do Nhà trường đã dừng tuyển sinh hệ cao đẳng.

Công tác biên soạn giáo trình phục vụ đào tạo được tổ chức triển khai theo đúng các bước quy định trong quy trình biên soạn giáo trình, tài liệu, bài giảng phục vụ học tập của Trường Đại học Điện lực.

Thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã thực hiện công tác rà soát, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo nhằm cải thiện nội dung, sửa đổi và bổ sung những nội dung mới, làm cho các chương trình đào tạo của Nhà trường phù hợp hơn với hoàn cảnh và nhu cầu của đất nước, đảm bảo xu thế hội nhập.

Trong năm 2023, Nhà trường được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc Gia Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chí đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chu kỳ 2).

Khai mạc Khảo sát đánh giá chất lượng giáo dục của Trường Đại học Điện lực. Ảnh: epu.edu.vn

Không những vậy, năm học này, trường có 6 chương trình đào tạo trình độ đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chí đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các hoạt động đảm bảo chất lượng, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng được quan tâm, thực hiện bài bản, có hiệu quả đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng văn hóa chất lượng, giúp Nhà trường đánh giá đúng thực chất và hoàn thiện hơn các mặt hoạt động.

Ngoài ra, Nhà trường tiếp tục thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tại thời điểm tốt nghiệp và sau 1 năm tốt nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy khả năng có việc làm của sinh viên Nhà trường sau 1 năm tốt nghiệp là khoảng 99%.

Số lượng đề tài khoa học và công nghệ tăng vượt trội so với năm trước (từ 29 lên 49 đề tài) là do chính sách thu hút được cán bộ giảng viên và sinh viên thực hiện đề tài cấp trường, theo đó số lượng giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học tăng đáng kể so với năm trước; Số lượng bài báo tăng từ 371 lên 402, trong đó số lượng bài báo quốc tế vẫn duy trì ổn định, số lượng bài báo trong nước tăng từ 298 lên 321 bài báo.

Những kết quả đạt được nêu trên cho thấy những định hướng, kế hoạch phát triển cùng hiệu quả của hệ thống chính sách, quy định trong công tác quản lý của các cơ sở giáo dục trong Bộ Công Thương.

Hướng đến mục tiêu lớn, đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế số

Giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng đặc biệt, quyết định trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong nền kinh tế số. Vì vậy, việc phát huy vai trò giáo dục và đào tạo để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được Đảng và Nhà nước và các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm chú trọng.

Theo đó, các trường đặt ra mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Bên cạnh đó, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện xây dựng mới, chỉnh sửa chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay. Tiếp tục hoàn thiện các quy định thực hiện mở ngành đào tạo thạc sĩ đặc biệt là các ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Về nội dung, chương trình giáo dục – đào tạo theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện để nguồn nhân lực mau chóng tiếp thu có chọn lọc trình độ khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới. Đồng thời đảm bảo tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, tích cực hóa người học.

Bên cạnh đó, các trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Điện lực trong buổi lễ tốt nghiệp năm học 2023. Ảnh: epu.edu.vn

Ngoài ra, các trường đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết đào tạo với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, góp phần tạo cơ hội cho sinh viên, học viên tìm được việc làm trước khi sinh viên tốt nghiệp.

Tăng cường đầu tư và đảm bảo vận hành hệ thống quản trị mạng, phần mềm, thiết bị giảng đường đáp ứng đa dạng mô hình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu xã hội, nhu cầu người sử dụng lao động và hội nhập quốc tế.

Hoạt động khoa học - công nghệ của giảng viên và sinh viên tiếp tục được đẩy mạnh, theo hướng ứng dụng thực tiễn, hướng đến các sản phẩm phục vụ các quá trình đào tạo, hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp và được công bố trên các tạp chí uy tín. Ngoài ta, tìm kiếm đối tác có tiềm năng về kinh phí đối ứng, về kinh nghiệm và về hướng nghiên cứu phù hợp với thế mạnh của Trường để thực hiện liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học.

Thêm nữa, các trường cũng chú trọng đến mục tiêu hợp tác quốc tế về Giáo dục và Đào tạo với chương trình trao đổi sinh viên theo diện học bổng với các trường Đại học nước ngoài, trao đổi giảng viên; ký kết biên bản ghi nhờ hợp tác với các đối tác, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam để triển khai các hoạt động tuyển dụng, hợp tác đào tạo dành cho sinh viên Nhà trường.

Tất cả những kế hoạch về mục tiêu, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo trên của các cơ sở sở giáo dục trên nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, của khoa học và công nghệ và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Xa hơn nữa là thực hiện hiệu quả định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 của Đại hội XIII của Đảng: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Thanh Thúy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-nganh-cong-thuong-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang-315553.html