Mong muốn mang nhiều 'Thư viện ước mơ' đến Quảng Trị

'Thư viện ước mơ' là dự án được Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á NGUYỄN PHI VÂN sáng lập với mong muốn giúp trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn khi tiếp cận với sách và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sáng tạo. Riêng tại tỉnh Quảng Trị, thời gian qua có khoảng 16 'Thư viện ước mơ' được xây dựng. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với bà NGUYỄN PHI VÂN để tìm hiểu rõ hơn về dự án ý nghĩa này.

-Xin chào bà! Được biết “Thư viện ước mơ” là dự án cộng đồng mang tính nhân văn, bền vững, dài hạn do bà và các cộng sự ấp ủ, thực hiện trong thời gian dài. Bà có thể chia sẻ đôi nét với độc giả về dự án này?

-Tôi là người sáng lập dự án “Thư viện ước mơ”, nay được nâng cấp thành doanh nghiệp xã hội Thư viện ước mơ. Đúng như bạn nói, đây là dự án cộng đồng mang tính nhân văn, bền vững, dài hạn được tôi và các cộng sự ấp ủ trong thời gian dài. Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc trao tặng thư viện mà luôn muốn có sự kết nối, phối hợp sau đó với nhà trường để đảm bảo chương trình mang lại hiệu quả lâu dài cho thiếu nhi. Bên trong mỗi “Thư viện ước mơ” sẽ bao gồm 2 phần chính: phần nội thất đầy màu sắc được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ em Việt Nam và phần sách có nội dung đa dạng, được hội đồng chuyên môn chọn lọc kỹ càng, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Thực ra, mỗi đứa trẻ xung quanh chúng ta đều là một hạt nhân cần được ươm mầm tri thức và sáng tạo. Vì thế, dự án “Thư viện ước mơ” ra đời với mong muốn mang đến cho học sinh cả nước, nhất là các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn một không gian mới mẻ, giúp các em có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với sách, tri thức và nghệ thuật. Qua đó nuôi dưỡng cho tâm hồn các em tình yêu với cuộc sống; tiếp sức cho thiếu nhi Việt giấc mơ vươn xa ra thế giới và trở thành công dân toàn cầu.

-Vậy bắt nguồn từ lý do nào để bà quyết định sáng lập dự án ý nghĩa này?

-Tôi may mắn có cơ hội sống và làm việc tại hơn 120 quốc gia, trở thành cố vấn cho nhiều chính phủ trong lĩnh vực nhượng quyền và đổi mới sáng tạo. Khoảng thời gian ấy giúp tôi nhận thức sâu sắc về giá trị, tầm quan trọng của việc đọc sách. Còn nhớ trong một lần tiếp xúc với thị trưởng Helsinki, tôi hỏi ông vì sao Phần Lan nhiều năm liền nằm trong top đầu danh sách các quốc gia sáng tạo? Thị trưởng Helsinki trả lời rằng: “Bởi vì chúng tôi đã đầu tư vào giáo dục sáng tạo cho các em nhỏ cách đây 30 năm”. Câu nói ấy đã trở thành nỗi trăn trở lớn trong tôi. Tôi nghĩ nếu muốn góp sức cho Việt Nam có những thế hệ sáng tạo thì cần bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng những hạt giống sáng tạo cho các em lúc nhỏ. Trong giáo dục, môi trường cho sự sáng tạo không gì tốt hơn là thư viện. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu dự án “Thư viện ước mơ” với một ban quản trị phần lớn là những doanh nhân có lòng với văn hóa đọc.

Các em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ hào hứng đọc sách tại “Thư viện ước mơ” - Ảnh: T.P

Xác định mục tiêu là xây dựng thư viện sáng tạo nên ban chuyên môn của chúng tôi đã đọc và lựa chọn kỹ những cuốn sách hay, ưu tiên những cuốn sách khơi gợi óc sáng tạo cho các em học sinh. Các quyển sách cũng sẽ cập nhật những xu hướng học tập, công nghệ mới. Tôi chọn công việc cộng đồng để làm, vì tôi yêu quê hương của mình, tôi yêu con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Với những trải nghiệm của mình, tôi mong muốn tương lai trẻ em Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với tri thức, nghệ thuật và sáng tạo.

-Điểm khác biệt của “Thư viện ước mơ” so với các thư viện khác là gì, thưa bà?

-“Thư viện ước mơ” là dự án thư viện nghệ thuật sáng tạo dành cho trẻ em Việt Nam. Do đó không chỉ đầu tư chọn lọc sách với mục tiêu nhằm gieo hạt giống tư duy công dân toàn cầu, tư duy đổi mới sáng tạo, phẩm chất người trong thời đại mới, chúng tôi còn chú trọng tạo không gian, điều kiện để học sinh tiếp cận với các loại hình nghệ thuật khác bao gồm âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh...

“Thư viện ước mơ” sẽ là nơi giúp các em hình thành thói quen đọc sách và tham gia các hoạt động nghệ thuật. Tôi cho rằng trẻ em Việt Nam cần bổ sung thêm nhiều kiến thức không có trong sách vở, những kiến thức giúp các em mang lại vốn sống, hiểu và định hướng bản thân mình tốt hơn. Đồng thời, khi được tham gia các hoạt động nghệ thuật, trẻ em sẽ có thêm sáng tạo và tình yêu với cuộc sống. Mục tiêu của dự án là làm sao để trẻ em Việt Nam được chuẩn bị tốt nhất cho tương lai. Các em học không chỉ để biết, để làm, mà còn để chung sống và tự khẳng định mình.

Mỗi thư viện sẽ có khoảng từ 1.000 - 1.500 đầu sách. Các sách sẽ được phân loại theo mã màu, dễ dàng cho học sinh lựa chọn và thuận tiện cho thủ thư quản lý. Với những thư viện xuống cấp, chúng tôi có một phần kinh phí sửa chữa, sơn phết; hỗ trợ thêm những bộ bàn ghế tạo cảm hứng đọc sách hơn cho các em. Sau khi đi vào hoạt động, các đơn vị trường học đã mở ra những tiết đọc sách, tiết học trong thư viện. Ở nhiều trường, thầy cô rất nhiệt huyết, triển khai những sự kiện hằng tuần, hằng tháng kích thích học sinh đọc sách như kể chuyện sách, giới thiệu sách hay sáng tạo từ sách. Nhiều thầy cô còn tổ chức các chương trình cho học sinh xoay vòng mượn sách về nhà. Chúng tôi cam kết hỗ trợ nhà trường từ 60 % - 80% kinh phí xây dựng “Thư viện ước mơ” trong năm đầu tiên và tài trợ thêm sách cho thư viện trong 4 năm tiếp theo theo hình thức đối ứng 50 - 50 giữa dự án và nhà trường. Thực ra, tặng thư viện thì dễ, để thư viện hoạt động tốt sau đó mới khó. Trung bình sau 6 tháng, dự án sẽ có những đợt cập nhật sách mới. Đội ngũ tình nguyện viên sẽ thường xuyên gọi điện thăm hỏi, thậm chí đến tận nơi để xem thư viện hoạt động ra sao. Nếu thư viện không mở cửa khi đến kiểm tra, chúng tôi hoàn toàn có thể lấy lại và tài trợ cho trường khác.

-Xin bà cho biết, trong 10 năm qua, dự án “Thư viện ước mơ” đã có mặt tại bao nhiêu địa phương trên cả nước?

-Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã xây dựng “Thư viện ước mơ” tại 253 trường học thuộc 34 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước; giúp hàng triệu học sinh vùng khó tiếp cận được sách và các hoạt động nghệ thuật. Riêng tại Quảng Trị, từ tháng 10/2023, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng “Thư viện ước mơ” tại 16 trường học vùng khó trên địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ...

Trong thời đại máy móc, giá trị của con người được thể hiện ở sự sáng tạo, ở tâm hồn và cảm xúc. Nếu không nuôi dưỡng từ nhỏ, những giá trị này chắc hẳn sẽ mất đi khi các em lớn lên. Tuy nhiên, so với trẻ em ở các thành phố lớn, trẻ em nơi đây thường chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận tri thức lẫn nghệ thuật. Tôi thực sự rất xúc động khi nhìn thấy ánh mắt háo hức, phấn khởi của cả thầy và trò các trường học ở Quảng Trị khi “Thư viện ước mơ” được đưa vào hoạt động. Mong rằng thư viện sẽ là nơi giúp các em tiếp cận được với những nguồn tri thức mới nhất về khoa học, nghệ thuật, sáng tạo, chuẩn bị cho những thế hệ sáng tạo Việt Nam tiếp nối.

-Bà có thể chia sẻ dự định của mình và các cộng sự về kế hoạch phát triển dự án trong thời gian tới?

-Dự án “Thư viện ước mơ” được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2020 - 2030, chúng tôi tập trung xây dựng 1.000 “Thư viện ước mơ” tại các trường tiểu học và THCS trên 63 tỉnh, thành ở Việt Nam nhằm xây dựng thói quen tự học thông qua việc đọc sách cho học sinh. Giai đoạn 2 từ 2025 - 2035, chúng tôi sẽ xây dựng “Thư viện điện tử” tại các trường tiểu học, THCS, THPT trên cả nước. Giai đoạn 3 chúng tôi sẽ xây dựng “Thư viện nghệ thuật”. Giai đoạn này chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ để dự án “Thư viện ước mơ” thành nền tảng đào tạo trực tuyến các kỹ năng mềm, các môn nghệ thuật cũng như đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ với vai trò như một người bạn đồng hành, dẫn dắt thế hệ tương lai hội nhập thế giới.

Nói thêm về Quảng Trị, với những ấn tượng tốt đẹp mà thầy trò mảnh đất này đã để lại cho các thành viên thực hiện dự án, trong tương lai, chúng tôi sẽ tìm kiếm, hỗ trợ để các trường học vùng khó trên địa bàn tỉnh xây dựng nhiều hơn những “Thư viện ước mơ”.

-Xin cảm ơn bà!

Trúc Phương (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/mong-muon-mang-nhieu-thu-vien-uoc-mo-den-quang-tri-185313.htm