Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của HĐND các cấp

Xác định tầm quan trọng của công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp tỉnh Bắc Ninh đã nghiêm túc, nỗ lực triển khai, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, góp phần thiết thực để các nghị quyết của HĐND các cấp khi ban hành có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống.

Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả

Hội nghị chuyên đề "Nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra nội dung trình kỳ họp của HĐND các cấp tỉnh Bắc Ninh" do Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh tổ chức đã ghi nhận 9 ý kiến trực tiếp cùng 40 bài tham luận, tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp hay trong thực hiện những vấn đề liên quan đến thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND các cấp tỉnh Bắc Ninh.

Thực hiện các quy định của pháp luật, HĐND các cấp tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nghiêm túc công tác thẩm tra, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Qua đó, giúp đại biểu có thêm thông tin và cơ sở để thảo luận, xem xét tính chân thực, tính hợp pháp, khả thi của các báo cáo, đề án do các cơ quan chức năng trình tại kỳ họp.

Song, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng, việc thẩm tra các nội dung trước khi trình kỳ họp còn một số khó khăn, tồn tại như chưa bảo đảm thời gian theo luật định, tính phản biện, gợi mở thảo luận còn ít.

Truởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thủy đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc. Ảnh: HY

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra, các nội dung trình kỳ họp của HĐND tỉnh nói chung và các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội nói riêng, cần chú trọng nâng cao hiệu quả thẩm tra trong tất cả các khâu từ chuẩn bị, thẩm tra và giai đoạn sau thẩm tra. Ngay từ khâu chuẩn bị thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp để nắm bắt, thu thập thông tin, tham gia góp ý kiến từ khâu soạn thảo Báo cáo, Đề án và dự thảo Nghị quyết.

Theo Chủ tịch HĐND huyện Lương Tài Nguyễn Văn Long, hoạt động thẩm tra, giám sát một số nội dung trình tại kỳ họp vẫn ít tính phản biện nên chất lượng thẩm tra có phần chưa sâu. Mặt khác, hệ thống văn bản pháp lý quy định chưa đồng bộ nên nảy sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện.

Từ thực tiễn trong hoạt động thẩm tra, giám sát nội dung trình tại kỳ họp, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Lương Tài đề xuất các nội dung thẩm định phải được gửi đúng thời gian. Các đại biểu cần chủ động nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, tăng cường khảo sát, giám sát để nắm thông tin phục vụ công tác thẩm tra.

Phát huy vai trò, trí tuệ của đại biểu

Thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của các Ban HĐND tỉnh; trong đó, có Ban Pháp chế. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Thị Thủy đề nghị, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp 4 bên (HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh) và các Quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động phối hợp với các Ban Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội… để tận dụng kết quả kiểm tra, giám sát, phản biện của các đơn vị làm cơ sở, thông tin đối chiếu trong hoạt động thẩm tra của Ban; kiên quyết khắc phục tình trạng gửi tài liệu không đủ hồ sơ và không đúng thời gian đã được pháp luật quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng đề xuất, các Ban của HĐND tỉnh xây dựng chương trình giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm của pháp luật của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn tham mưu. Qua đó, kịp thời phát hiện các quy định trái pháp luật, chồng chéo, thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung đánh giá, tham luận của các đại biểu tại hội nghị không chỉ nêu thực tiễn các vấn đề của địa phương, cấp mình, ngành mình mà còn là những kinh nghiệm tốt để địa phương khác tham khảo, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Để nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra nội dung trình kỳ họp, đề nghị HĐND tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo hướng tăng cường công tác phối hợp, tăng tính phản biện trong quá trình thẩm tra. Các Ban của HĐND cần chủ động tham gia ngay từ khâu soạn thảo, bao quát các đối tượng tham gia quá trình xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra, đặc biệt là ý kiến đơn vị thụ hưởng, các cơ quan hữu quan liên quan.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung cũng cho biết, thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ tăng cường tập huấn nâng cao trình độ năng lực và kỹ năng thẩm tra cho các đại biểu để hoạt động thẩm tra của các Ban ngày càng bảo đảm về chất lượng. Cùng với đó, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, cá nhân các đại biểu cần tự học hỏi, tập trung nghiên cứu, trau dồi kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, cần tích cực đi thực tế, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có thể phát huy vai trò, sức mạnh và trí tuệ của đại biểu trong hoạt động thẩm tra, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Phan Phương - Hải Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tham-tra-cua-hdnd-cac-cap-i366249/