Nâng cao chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số

Thu Thảo

BPO - Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm khoảng 20% tổng dân số), những năm qua, Bình Phước luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ người DTTS. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của tỉnh, Bình Phước đã thực hiện các chương trình hành động nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Nỗ lực học hỏi, phấn đấu vươn lên

Vừa là Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh vừa là Bí thư Đoàn xã Lộc Thạnh, ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, anh Lâm Phi Hùng thường xuyên tự nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng của một thủ lĩnh đoàn để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Trước những thách thức từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, anh nhận thấy phải phát triển hơn nữa về năng lực ở nhiều khía cạnh. Bởi chỉ có như vậy, anh mới có thể phát huy hết vai trò của mình, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS nói chung và thanh niên DTTS nói riêng vươn lên phát triển, đóng góp xây dựng địa phương. “Mình tự nhủ luôn phải cố gắng, trau dồi kiến thức, kỹ năng công tác đoàn và phẩm chất đạo đức để thực hiện nhiệm vụ được phân công hiệu quả hơn” - anh Hùng chia sẻ.

Anh Lâm Phi Hùng, Phó Bí thư Huyện đoàn Lộc Ninh, Bí thư Đoàn xã Lộc Thạnh sinh hoạt với các đoàn viên của xã

Lộc Thạnh là xã vùng biên giới còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân vất vả nên công tác tập hợp đoàn viên thanh niên cũng hạn chế. Vì vậy, anh Hùng và các ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã luôn linh động, sáng tạo tổ chức các hoạt động phù hợp điều kiện thực tế. Dù phải kiêm nhiệm 2 công việc nhưng các hoạt động đoàn ở xã, anh Hùng luôn tham gia đầy đủ. Không chỉ vậy, những hoạt động thanh niên ở các xã bạn, anh cũng tích cực, nhiệt tình tham gia để giao lưu, học tập cách làm hay, từ đó tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích, hứng thú cho đoàn viên thanh niên trong xã.

Cán bộ sinh ra từ ấp, sóc, gắn bó mật thiết với đồng bào, có nhiều cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hiểu quần chúng nhân dân hơn. Sâu sát với dân, cán bộ người DTTS nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức sẽ là nhịp cầu quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Họ cũng là người tổ chức, dẫn dắt, tạo cảm hứng cho đồng bào mình trong công cuộc phát triển quê hương.

Anh Lâm Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng Lâm Nhanh thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của nông dân trên địa bàn

Anh Lâm Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng tiếp cận các chính sách, những đổi mới của địa phương để là cầu nối tốt nhất giữa hội viên nông dân với các cấp, ngành; đồng thời giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến các đầu mối, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế”.

Phát triển nguồn nhân lực

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các cán bộ DTTS đều được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Nhiều người được rèn luyện, trưởng thành từ cơ sở. Nhờ am hiểu sâu sắc đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, cán bộ DTTS đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Bùi Bá Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lộc Thạnh cho hay: “Với những cán bộ DTTS, xã luôn ưu tiên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như quy hoạch vào Ban Chấp hành xã để có những quy hoạch cao hơn về cán bộ chủ chốt”.

Gần dân, cán bộ DTTS là cầu nối truyền đạt những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước đến vùng đồng bào DTTS

Để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ sở, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động con em đồng bào DTTS đến trường học tập. Hệ thống trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển, mở rộng. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ, học sinh, sinh viên tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được triển khai đầy đủ theo quy định. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Phước có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp đạt 100%, xếp thứ 3 trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh với tổng điểm bình quân các môn 63,60, đứng sau 2 trường chuyên của tỉnh. Kết quả này là tín hiệu vui cho thấy các chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong đồng bào DTTS của Bình Phước đang đi đúng hướng.

Bình Phước hiện có 219 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh là người DTTS, chiếm 4,1%; cấp huyện có 1.057 người, tương đương 6,6% và cấp xã có 207 người, chiếm 8,6%. Xác định xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ, Bình Phước đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp gắn với ban hành các chính sách phù hợp với ngân sách địa phương, vừa tạo động lực mạnh mẽ vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147693/nang-cao-chat-luong-can-bo-dan-toc-thieu-so